Công dụng thuốc Cefpomed-200

Cefpomed có thành phần chính là Cefpodoxime proxetil, một kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn và khiến vi khuẩn bị ly giải. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng Cefpomed.

1. Cefpomed là thuốc gì?

Cefpomed có thành phần chính là Cefpodoxime proxetil (ester của cefpodoxim), một kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3. Cơ chế tác dụng của thuốc là do ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bằng cách liên kết với một hoặc nhiều protein liên kết penicillin (PBP), do đó ức chế quá trình tổng hợp peptidoglycan trong thành tế bào vi khuẩn, ức chế sinh tổng hợp thành tế bào. Do vậy vi khuẩn sẽ bị ly giải do hoạt động liên tục của các enzym tự phân giải thành tế bào.

Nhìn chung, Cefpodoxim có hoạt lực đối với cầu khuẩn gram dương như phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae); liên cầu khuẩn (Streptococcus) nhóm A, B, C, G và tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus, S. epidermidis có/không tiết beta - lactamase. Tuy nhiên, thuốc Cefpodoxim không có tác dụng chống các tụ cầu vàng kháng methicilin (MRSA). Thuốc Cefpodoxim cũng có hiệu lực đối với các cầu khuẩn và trực khuẩn gram âm. Thuốc có hoạt tính chống các vi khuẩn gram âm thường gây bệnh như E. coli, Klebsiella, Proteus mirabilisCitrobacter.

Cefpodoxim proxetil ít có tác động kháng khuẩn khi chưa thủy phân thành cefpodoxim. Cefpodoxim proxetil sau khi uống được hấp thụ qua đường tiêu hóa và được phân hủy bởi các esterase thành chất chuyển hóa cefpodoxim có hoạt tính. Sinh khả dụng của Cefpodoxim khoảng 50% và tăng lên khi dùng cùng với thức ăn. Thời gian bán thải của Cefpodoxim là 2,1 - 2,8 giờ đối với người bệnh có chức năng thận bình thường, tăng lên đến 3,5 - 9,8 giờ ở người bị suy giảm chức năng thận. Khoảng 40% thuốc liên kết với protein huyết tương. Thuốc được thải trừ dưới dạng không đổi qua thận.

2. Công dụng thuốc Cefpomed

  • Cefpomed-200 được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình ở đường hô hấp dưới, kể cả viêm phổi cấp tính mắc phải cộng đồng do các chủng Streptococcus pneumoniae hoặc Haemophilus influenzae nhạy cảm (kể cả các chủng sinh ra beta - lactamase); đợt kịch phát cấp của viêm phế quản mạn do các chủng S. pneumoniae nhạy cảm và H. influenzae hoặc Moraxella catarrhalis, không sinh ra beta - lactamase.
  • Điều trị các nhiễm khuẩn nhẹ và vừa ở đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan do Streptococcus pyogenes nhạy cảm.
  • Cefpodomed cũng có vai trò trong điều trị bệnh viêm tai giữa cấp do các chủng nhạy cảm S. pneumoniae, H. influenzae (kể cả các chủng sinh ra beta - lactamase) hoặc B. catarrhalis.
  • Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu nhẹ và vừa, chưa có biến chứng (viêm bàng quang). Một liều duy nhất 200 mg được dùng để điều trị bệnh lậu cấp, chưa biến chứng.
  • Cefpomed-200 còn được dùng để điều trị nhiễm khuẩn da và các tổ chức da nhẹ đến vừa chưa biến chứng do Staphylococcus aureus có/không tạo ra penicilinase và các chủng nhạy cảm của Streptococcus pyogenes.

3. Liều dùng Cefpomed

Người lớn:

  • Nhiễm khuẩn hô hấp trên, gồm cả viêm amidan và viêm họng: 100 mg mỗi 12 giờ, dùng trong 10 ngày.
  • Viêm phổi cộng đồng cấp tính: uống 200 mg mỗi 12 giờ trong 14 ngày.
  • Nhiễm lậu cầu cấp chưa có biến chứng: dùng liều duy nhất 200 mg.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu chưa có biến chứng: uống 100 mg mỗi 12 giờ trong 7 ngày.
  • Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da: dùng 400 mg mỗi 12 giờ trong 7 - 14 ngày.

Trẻ em:

  • Viêm tai giữa cấp tính: dùng liều 10 mg/kg/ngày (tối đa 400mg/ngày chia làm 2 lần) trong 10 ngày.
  • Viêm họng và viêm amidan: liều 10 mg/kg/ngày (tối đa 200 mg/ngày chia làm 2 lần) trong 10 ngày.

4. Tác dụng thuốc Cefpomed là gì?

Tần suất > 10%:

  • Da liễu: Hăm tã;
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy (trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi).

Tần suất 1 đến 10%:

  • Hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu;
  • Da liễu: Phát ban da;
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, nôn;
  • Hệ sinh dục: Nhiễm trùng âm đạo.

Tần suất <1%:

  • Sốc phản vệ, đau ngực, ho, giảm cảm giác thèm ăn, chóng mặt, khó tiêu, chảy máu cam, ngứa mắt, sốt, đầy hơi, đỏ bừng, nhiễm nấm da, hạ huyết áp, mất ngủ, viêm đại tràng màng giả, ù tai, nhiễm nấm Candida âm hộ, suy nhược

5. Chống chỉ định của Cefpomed

Chống chỉ định dùng Cefpomed cho những bệnh nhân bị dị ứng với các Cephalosporin và bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefpomed-200

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Cefpodoxim, phải hỏi kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với các kháng sinh Cephalosporin, Penicillin hoặc thuốc khác.
  • Cần sử dụng thận trọng Cefpomed ở bệnh nhân mẫn cảm với Penicilin, suy giảm chức năng thận.
  • Thời kỳ mang thai: Hiện nay chưa có tài liệu nào nói đến việc sử dụng Cefpodoxim trong thời gian mang thai. Tuy vậy các Cephalosporin thường được coi như an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai.
  • Thời kỳ cho con bú: Cefpodoxime được bài viết trong sữa mẹ. Do khả năng xảy ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ, nhà sản xuất khuyến cáo nên quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc, phụ thuộc vào tầm quan trọng của việc điều trị cho người mẹ. Nhìn chung, thuốc kháng sinh có trong sữa mẹ có thể gây ra sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột không liên quan đến liều lượng, tác dụng trực tiếp đến cơ thể trẻ và kết quả nuôi cấy vi khuẩn nếu phải làm kháng sinh đồ khi nghi ngờ nhiễm khuẩn.
  • Thuốc Cefpomed có thể gây tương tác khi sử dụng đồng thời với một số thuốc khác. Do vậy, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và vitamine đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc thay thế thuốc khi cần thiết.

Trên đây là một số thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Cefpomed. Bệnh nhân lưu ý không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

590 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan