Công dụng thuốc Centasia

Rau má là một loài thực vật có tên khoa học là Centella asiatica. Các chiết xuất từ rau má được điều chế làm thuốc và được gọi là thuốc Centasia. Thuốc Centasia thường được dùng trong các trường hợp giải độc cơ thể, làm lành vết thương,... Hãy cùng tìm hiểu xem thuốc Centasia có tác dụng gì và cách sử dụng thuốc như thế nào trong bài viết dưới đây.

1. Centasia là thuốc gì?

Thuốc Centasia được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2. Centasia được xếp vào nhóm thuốc có nguồn gốc thảo dược - động vật. Thành phần hoạt chất chính của thuốc Centasia là bột rau má tan.

Dạng bào chế: Viên nén bao phim, mỗi viên chứa 750mg bột rau má tương đương với 7500mg rau má tươi và các tác dược khác.

Dạng đóng gói: Trên thị trường có các chế phẩm thuốc Centasia được đóng gói dưới dạng chai 100 viên hoặc hộp 10 vỉ x 10 viên nén bao phim.

2. Tác dụng của thuốc Centasia

Rau má là một loại thảo mộc trong họ ngò tây, thường được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền. Rau má có chứa một số hóa chất giúp giảm viêm và giảm huyết áp. Rau má dường như cũng làm tăng sản xuất collagen, giúp các mô tái tạo nhanh chóng, điều quan trọng để chữa lành vết thương. Do đó, rau má thường được sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh zona, bệnh phong, bệnh tả, bệnh kiết lỵ, giang mai, cảm lạnh thông thường, cúm, bệnh phù chân voi, bệnh lao và bệnh sán máng.
  • Giảm mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, bệnh Alzheimer, cải thiện trí nhớ và trí thông minh. Các công dụng khác bao gồm các vấn đề về tuần hoàn (suy tĩnh mạch) bao gồm giãn tĩnh mạch, để ổn định các mảng trong mạch máu, ngăn ngừa cục máu đông ở chân và ngăn ngừa tổn thương các mạch máu nhỏ ở những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Một số người sử dụng rau má để chữa lành vết thương, vàng da, chấn thương, say nắng, viêm amidan, viêm màng phổi, viêm gan, lupus ban đỏ hệ thống, đau dạ dày, tiêu chảy, viêm dạ dày, khó tiêu, loét dạ dày, động kinh, hen suyễn, thiếu máu,...
  • Bôi ngoài da để chữa bệnh vẩy nến, chữa lành vết thương và giảm sẹo, bao gồm cả vết rạn da do mang thai.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Centasia

Thuốc Centasia thường được sử dụng trong các trường hợp giải độc cơ thể, giải nhiệt, thông tiểu, lợi sữa, bồi bổ gan. Ngoài ra, Centasia còn dùng trong các trường hợp làm lành vết thương.

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng thuốc Centasia trong các trường hợp dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Centasia

Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ hoặc theo tờ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất về liều thuốc, đường sử dụng, thời gian điều trị. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc dùng thuốc theo đường khác không nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời, không dùng chung thuốc Centasia với người khác hoặc đưa thuốc cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có triệu chứng giống bạn.

Liều lượng Centasia cho người lớn: 1 viên/ lần x 3 lần/ ngày.

Cách dùng: Thuốc Centasia được dùng đường uống. Uống cả viên với một lượng nước lọc vừa đủ.

Cần làm gì khi quên một liều thuốc Centasia?

  • Khi quên liều, hãy uống một liều khác càng sớm càng tốt.
  • Nếu thời điểm đó đã gần với lần dùng thuốc tiếp theo thì hãy bỏ qua, uống liều tiếp theo như thông thường.
  • Chú ý: Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã bỏ lỡ.

Cần làm gì khi quá liều thuốc Centasia?

  • Khi nghi ngờ quá liều, cần ngừng thuốc ngay và đưa bệnh nhân đến trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử trí kịp thời, lưu ý mang theo tất cả các thuốc bệnh nhân đã sử dụng trước đó (bao gồm thuốc uống, tiêm, bôi, ...) để tiện cho việc chẩn đoán.

5. Tác dụng không mong muốn

Thuốc Centasia được dung nạp tốt và có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi uống trong tối đa 8 tuần. Khi uống, Centasia có thể gây buồn nôn và đau dạ dày, hiếm khi gây ra các vấn đề về gan.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc Centasia.

6. Tương tác thuốc

Khi phải điều trị với từ hai loại thuốc trở lên, có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh hoặc hiệp đồng giữa các thuốc hoặc giữa thuốc và thực phẩm, đồ uống. Ngoài ra, một vài tình trạng bệnh lý cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Do đó, để được kê đơn an toàn, bạn cần liệt kê và thông báo với bác sĩ về các thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược, khoáng chất và vitamin. Các thuốc có thể tương tác với Centasia như:

  • Thuốc gây hại cho gan: Centasia có thể gây hại cho gan, vì vậy khi kết hợp với các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Một số thuốc có thể gây hại cho gan như acetaminophen, amiodarone, carbamazepine, isoniazid, methotrexate, methyldopa, itraconazole, erythromycin, phenytoin, pravastatin, simvastatin,...
  • Thuốc an thần: Dùng thuốc Centasia liều cao có thể gây buồn ngủ. Do đó, khi dùng chung các thuốc an thần và Centasia có thể gây buồn ngủ quá nhiều. Các loại thuốc an thần bao gồm clonazepam, lorazepam, phenobarbital, zolpidem và những loại khác.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Centasia

Sử dụng thuốc Centasia trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú: Chưa có đủ bằng chứng về tính an toàn khi sử dụng Centasia trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú. Do đó, không nên sử dụng Centasia cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong trường hợp cần thiết phải dùng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh gan: Có lo ngại rằng thuốc Centasia có thể gây tổn thương gan. Những người đã mắc bệnh gan như viêm gan nên tránh sử dụng Centasia vì có thể làm cho các vấn đề về gan trở nên trầm trọng hơn.

Phẫu thuật: Centasia có thể gây buồn ngủ quá nhiều nếu kết hợp với các loại thuốc được sử dụng trong và sau khi phẫu thuật. Vì vậy, ngừng sử dụng Centasia ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

8. Bảo quản thuốc

Bảo quản thuốc Centasia trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Để Centasia tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.

Thuốc Centasia có hạn sử dụng là 36 tháng, không dùng thuốc đã hết hạn hoặc có các dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, không còn nguyên tem nhãn niêm phong.

Nguồn tham khảo: www.rxlist.com; drugbank.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

599 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan