Công dụng thuốc Chlorpropamide

Thuốc Chlorpropamide là thuốc hạ đường huyết thường được chỉ định trong bệnh lý đái tháo đường type 2 không phụ thuộc vào insulin. Vậy thuốc có công dụng điều trị như thế nào?

1. Chlorpropamide là thuốc gì?

Thuốc Chlorpropamide là thuốc hạ đường huyết nhóm sulfonylurea thế hệ thứ nhất. Cơ chế tác động của Chlorpropamide là kích thích tế bào beta của tuyến tụy tăng tiết insulin nội sinh, từ đó gây hạ đường huyết.

Cũng tương tự như các thuốc nhóm sulfonylurea, Chlorpropamide chỉ có tác dụng khi tế bào beta tuyến tụy còn chức năng hoạt động (dù là ít). Dùng dài ngày, thuốc còn góp phần làm tăng nhạy cảm với glucose ở mô ngoại biên, ức chế sản xuất glucose ở gan và làm tăng số lượng thụ thể insulin ở ngoại vi.

Chlorpropamide được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, phát huy tác dụng hạ đường huyết sau 1 giờ và tác dụng kéo dài đến 24 giờ, đạt nồng độ đỉnh trong máu sau từ 2 đến 4 giờ. Thuốc liên kết với protein huyết tương, phân bố ở dịch ngoại bào, qua được nhau thaisữa mẹ.

Sau khi vào cơ thể, thuốc chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa có hoạt tính và cuối cùng thải trừ qua nước tiểu dưới khoảng 90%.

2. Chỉ định của thuốc Chlorpropamide

Thuốc Chlorpropamide được chỉ định trong các trường hợp bệnh bệnh lý sau đây

  • Tăng đường huyết trong đái tháo đường type 2 không phụ thuộc vào insulin.
  • Bệnh lý đái tháo nhạt không phải nguyên nhân do thận.

3. Chống chỉ định của thuốc Chlorpropamide

Không sử dụng thuốc Chlorpropamide trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với nhóm sulfamid hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh lý đái tháo đường phụ thuộc insulin (type 1), đái tháo đường ở tuổi thiếu niên.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan, chứng năng thận và chức năng tuyến giáp nặng.
  • Bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nhiễm toan ceton (có thể hôn mê hoặc không).
  • Không sử dụng trước các phẫu thuật lớn, trong các bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc chấn thương nặng.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không có chỉ định dùng Chlorpropamide do thuốc có thể qua nhau thai và sữa mẹ gây độc tính cho phôi thai và trẻ bú mẹ.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Chlorpropamide

  • Sử dụng thuốc Chlorpropamide có nguy cơ gây hạ đường huyết nghiêm trọng dẫn đến hôn mê. Vì vậy, các đối tượng bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận, thiểu năng tuyến thượng thận, tuyến yên, người cao tuổi, bệnh nhân thiếu dinh dưỡng,... thận trọng theo dõi sát liều và cho ăn nhiều bữa nhỏ khi sử dụng thuốc.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý sốt, chấn thương, nhiễm khuẩn hay chuẩn bị phẫu thuật cần phải ngừng thuốc Chlorpropamide và thay thế bằng insulin để kiểm soát đường huyết.
  • Bệnh nhân thiếu hụt glucose 6-phosphate dehydrogenase (G6PD) khi dùng thuốc làm tăng nguy cơ thiếu máu tán huyết.
  • Chlorpropamide có thể làm tăng tình trạng rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan đối với những bệnh nhân đã có tiền sử trước đó.

4. Tương tác thuốc của Chlorpropamide

  • Phối hợp với các thuốc steroid, salbutamol, terbutalin, amphetamin, barbiturat, hydantoin, bumetanide, thuốc chẹn calci, acetazolamid, baclofen, chlorthalidon, thuốc uống tránh thai, ACTH, dextrothyroxin, adrenalin, acid ethacrynic, thuốc lợi tiểu, hormon tuyến giáp có thể làm tăng đường huyết.
  • Phối hợp Chlorpropamide với Allopurinol, androgen, thuốc chống viêm không steroid, cloramphenicol, clofibrate, probenecid, salicylat, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
  • Phối hợp với các thuốc chống đông máu, dẫn xuất coumarin và indandion làm tăng nồng độ của cả hai.
  • Rượu bia và các thực phẩm chứa cồn có thể tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ như co cứng cơ bụng, buồn nôn, nôn, đỏ phừng mặt, đau đầu, hạ đường huyết khi dùng chung với Chlorpropamide.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng

  • Chlorpropamide được bào chế dưới dạng viên với hàm lượng khác nhau. Người bệnh cần uống nguyên viên với nước, tránh bẻ nát hay nghiền viên thuốc.
  • Người bệnh uống thuốc 1 lần trước bữa ăn sáng, khi dùng thuốc vẫn cần tuân thủ chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Liều dùng

  • Liều dùng khởi đầu ở người lớn: Uống 250mg/ngày; tăng hoặc giảm liều từ 50 - 125mg sau 3 đến 5 ngày cho tới khi kiểm soát được đường huyết.
  • Liều duy trì: 100 - 250 mg/ngày.
  • Liều tối đa: 750mg/ngày.
  • Điều chỉnh liều và theo dõi nghiêm ngặt ở bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân suy thận có độ lọc cầu thận lớn hơn 50ml/ phút.
  • Giảm liều thuốc Chlorpropamide ở bệnh nhân suy chức năng gan.

6. Tác dụng phụ của thuốc Chlorpropamide

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Chlorpropamide

Tác dụng phụ thường gặp

  • Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, thèm ăn, tiêu chảy, nôn, buồn nôn.
  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Phản ứng dị ứng, ngứa, nổi mày đay, phát ban dạng sẩn.
  • Hạ đường huyết.
  • Tăng cân.

Tác dụng phụ ít gặp

  • Viêm vùng trực tràng, kết tràng.

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Vàng da ứ mật.
  • Hội chứng tiết hormon ADH (kháng bài niệu) không thích hợp.
  • Giảm, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa acid, thiếu máu tán huyết.

Tóm lại, thuốc Chlorpropamide là thuốc điều trị đái tháo đường được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa. Thuốc chỉ uống 1 lần/ ngày và có tác dụng kéo dài suốt 24 giờ. Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần theo dõi người bệnh và chế độ bữa ăn hợp lý để tránh nguy cơ hạ đường huyết quá mức.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

567 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan