Công dụng thuốc Ciramplex 20

Ciramplex 20 có chứa hoạt chất chính là Escitalopram, một chất có khả năng ức chế có chọn lọc sự tái hấp thu serotonin. Thuốc được chỉ định trong điều trị trầm cảm, lo âu toàn thể, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

1. Công dụng của thuốc Ciramplex 20

Thuốc Ciramplex 20 có chứa hoạt chất chính là Escitalopram (dưới dạng Escitalopram oxalate) với hàm lượng 20mg. Escitalopram có khả năng ức chế có chọn lọc sự tái hấp thu serotonin và gần như không ảnh hưởng đến sự tái hấp thu norepinephrine hoặc dopamine. Thuốc Ciramplex 20 được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Điều trị cấp và điều trị duy trì bệnh trầm cảm ở người lớn và trẻ em 12 – 17 tuổi.
  • Điều trị cấp chứng lo âu toàn thể ở bệnh nhân trưởng thành.
  • Điều trị cơn hoảng sợ có hoặc không kèm ám ảnh sợ khoảng trống.
  • Điều trị chứng lo âu “xã hội”
  • Điều trị chứng ám ảnh cưỡng bức.

Không sử dụng thuốc Ciramplex 20 trong trường hợp sau (Chống chỉ định):

  • Bệnh nhân quá mẫn với escitalopram, citalopram hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không sử dụng phối hợp với thuốc ức chế monoamin oxidase (IMAO) hoặc đã dùng IMAO liều cuối cùng trong vòng 14 ngày.
  • Không sử dụng phối hợp với pimozide.
  • Tránh phối hợp với các thuốc có nguy cơ gây kéo dài khoảng QT

2. Liều dùng

  • Trẻ em trên 12 tuổi: Khuyến cáo uống một lần 10mg trong ngày. Có thể tăng liều đến 20 mg, uống 1 lần/ngày sau ít nhất 3 tuần.
  • Người lớn: Liều khuyến cáo thông thường là 10 mg, uống 1 lần/ngày. Có thể tăng liều đến 20 mg, uống 1 lần/ngày sau ít nhất 1 tuần.
  • Đợt trầm cảm nặng: Liều khuyến cáo là 10 mg, uống 1 lần/ngày, có thể tăng liều lên đến tối đa 20 mg, uống 1 lần/ngày. Thông thường tác dụng chống trầm cảm của thuốc sẽ đạt được sau 2 – 4 tuần điều trị. Sau khi điều trị hết triệu chứng, bệnh nhân tiếp tục điều trị duy trì ít nhất trong 6 tháng.
  • Điều trị chứng hoảng loạn có hoặc không kèm ám ảnh sợ khoảng trống: Liều ban đầu là 5 mg/ngày trong tuần đầu, sau đó tăng lên tới liều 10mg/ngày. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân có thể tăng liều lên đến tối đa 20 mg, uống 1 lần/ngày.
  • Điều trị chứng lo âu xã hội: Liều khuyến cáo thông thường là 10 mg, uống 1 lần/ngày, trong khoảng 2 – 4 tuần các triệu chứng mới giảm. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân và có thể giảm liều đến 5 mg/ngày hoặc tăng lên đến tối đa 20 mg/ngày. Nên điều trị duy trì trong khoảng 12 tuần để duy trì đáp ứng.
  • Điều trị chứng lo âu toàn thể: Liều đầu tiên thường là 10 mg/ngày, tùy theo đáp ứng của người bệnh, có thể tăng tới liều tối đa 20 mg/ngày.
  • Điều trị chứng ám ảnh cưỡng bức: Liều đầu thường là 10 mg/ngày, tùy theo đáp ứng của người bệnh, có thể tăng lên tối đa 20 mg/ngày. Nên điều trị thời gian đủ để đảm bảo hết triệu chứng và phải đánh giá thường xuyên lợi ích và liều lượng điều trị.
  • Liều dùng ở người người cao tuổi (trên 65 tuổi): Liều ban đầu bằng một nửa liều thông thường. Liều tối đa thấp hơn liều tối đa khuyến cáo cho người lớn. Liều thường dùng là 10 mg uống 1 lần/ngày.

Bệnh nhân suy thận:

  • Suy thận nhẹ và vừa: Không cần hiệu chỉnh liều Ciramplex 20.
  • Suy thận nặng (Clcr < 20 ml/phút): Thận trọng khi sử dụng thuốc Ciramplex 20 ở đối tượng này.

Bệnh nhân suy gan:

  • Suy gan nhẹ và vừa: Liều Ciramplex ban đầu là 5 mg/ngày trong 2 tuần đầu, tùy theo đáp ứng có thể tăng đến 10 mg và uống 1 lần/ngày.
  • Người chuyển hóa chậm CYP2C19: Liều Ciramplex ban đầu là 5 mg/ngày trong 2 tuần đầu, tùy theo đáp ứng có thể tăng đến 10 mg và uống 1 lần/ngày.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ciramplex 20 là gì?

Bệnh nhân sử dụng thuốc Ciramplex 20 có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:

Rất thường gặp

Thường gặp

  • Thần kinh trung ương: Mệt mỏi, chóng mặt, giấc mơ bất thường, ngủ lịm, ngáp.
  • Nội tiết và chuyển hóa: Giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt.
  • Tiêu hóa: Khô miệng, tiêu chảy, táo bón, giảm cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đau bụng, đau răng, đầy hơi.
  • Sinh dục: Bất lực.
  • Thần kinh cơ: Đau vai gáy, dị cảm.
  • Hô hấp: Viêm mũi, viêm xoang.
  • Khác: Hội chứng giống cúm, toát mồ hôi nhiều.

Ít gặp:

  • Suy thận cấp, dị ứng, phản vệ, thiếu máu, phù mạch, rung nhĩ, tăng bilirubin máu, nhìn mờ, viêm phế quản, đau ngực
  • Rối loạn tập trung, lú lẫn, viêm da, nóng bừng
  • Chảy máu tiêu hóa, giảm bạch cầu
  • Hoại tử gan, viêm gan, tăng cholesterol, tăng/giảm đường huyết, tăng/giảm huyết áp, giảm kali/natri máu

Các ADR thường gặp trong tuần điều trị thứ nhất hoặc thứ hai và sẽ giảm dần. Bệnh nhân nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ciramplex 20

  • Không khuyến cáo dùng các thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin cho các trẻ em dưới 18 tuổi, vì có thể phát sinh hành vi tự sát, hung hăng. Nếu bắt buộc dùng phải theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các triệu chứng tự sát.
  • Một số trường hợp bệnh nhân bị chứng hoảng sợ khi sử dụng Escitalopram có phản ứng lo âu thường lúc mới bắt đầu điều trị. Phản ứng nghịch thường này thường sẽ giảm sau 2 tuần đầu điều trị. Để giảm nguy cơ nên dùng liều thấp lúc ban đầu.
  • Nếu bệnh nhân xuất hiện co giật, phải ngừng điều trị bằng thuốc Ciramplex 20. Tránh dùng thuốc Ciramplex 20 cho người bệnh động kinh không ổn định.
  • Dùng thuốc Ciramplex 20 thận trọng cho người bệnh có tiền sử có các đợt hưng cảm, ngừng thuốc khi xuất hiện cơn hưng cảm.
  • Hội chứng serotonin và hội chứng an thần ác tính: Ngừng ngay thuốc Ciramplex 20, các thuốc tăng serotonin, thuốc chống dopamin (bao gồm cả thuốc chống loạn thần) và điều trị triệu chứng, theo dõi chặt chẽ. Hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu, sử dụng Dantrolen hoặc Bromocryptin là chất chủ vận dopamin có thể giúp ích trong trường hợp này.
  • Hội chứng ngừng thuốc đột ngột: Tránh ngừng thuốc Ciramplex 20 đột ngột, phải giảm liều dần trong 1 – 2 tuần. Nếu bệnh nhân có triệu chứng của hội chứng ngừng thuốc đột ngột khi giảm liều hoặc ngừng điều trị, cần dùng lại liều điều trị trước đó cho đến khi hết triệu chứng và giảm liều cẩn trọng từng bước.
  • Phụ nữ mang thai: Cho đến nay chưa có thông tin phù hợp về sử dụng Escitalopram ở phụ nữ có thai. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết sử dụng Escitalopram ở phụ nữ mang thai, cần cân nhắc thận trọng lợi ích đối với người mẹ và nguy cơ đối với thai nhi.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hoạt chất Escitalopram phân bố vào trong sữa mẹ và có nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn ở trẻ bú mẹ là ngủ gà quá mức, bú ít và giảm cân. Do đó, cần cân nhắc việc dừng thuốc hoặc ngừng cho bú.

5. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời thuốc Ciramplex 20 với một số thuốc khác có thể gây ra tương tác, ảnh hưởng tới kết quả điều trị và/hoặc gia tăng độc tính. Sau đây là một số tương tác bệnh nhân cần lưu ý khi sử dụng thuốc Ciramplex 20:

  • Các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid và aspirin, thuốc tác động lên quá trình đông máu khi dùng chung với Ciramplex 20 có thể làm tăng thời gian đông máu và tăng nguy cơ chảy máu.
  • Các thuốc chống loạn thần và các thuốc đối kháng dopamin, thuốc đối kháng thụ thể 5-HT1 (như Sumatriptan, Zolmitriptan), thuốc ức chế MAO có thể gây ra tương tác dược động học với Ciramplex 20, vì nguy cơ gây hội chứng serotonin trầm trọng và hội chứng phản ứng an thần kinh ác tính.
  • Một số thuốc kháng sinh như Linezolid, Isoniazid cũng có nguy cơ gây tương tác dược động học với Ciramplex 20.

Trên đây là các thông tin tổng quan về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Ciramplex 20. Nếu bệnh nhân có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

122 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan