Công dụng thuốc Conivaptan

Conivaptan là thuốc trong nhóm đối kháng vasopressin, được chỉ định để điều trị tình trạng hạ natri máu bình thể tích hoặc tăng thể tích máu. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Conivaptan là gì?

1. Thuốc Conivaptan có tác dụng gì?

Conivaptan thuộc nhóm đối kháng vasopressin. Vasopressin là hormone chống bài niệu. Nồng độ cao của hormone này có thể gây ra sự mất cân bằng nước và điện giải, dẫn đến giữ nước và giảm nồng độ natri máu.

Conivaptan được sử dụng để điều trị hạ natri máu. Conivaptan cải thiện lưu lượng nước tiểu mà không khiến cơ thể mất quá nhiều natri khi đi tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Conivaptan

Conivaptan được chỉ định để tăng nồng độ natri huyết thanh ở bệnh nhân nhập viện với tình trạng hạ natri máu bình thể tích hoặc tăng thể tích máu. Sử dụng ở bệnh nhân hạ natri máu bình thể tích liên quan đến suy tim chỉ sau khi cân nhắc các lựa chọn khác.

Thuốc Conivaptan chống chỉ định ở các bệnh nhân sau đây:

  • Hạ natri máu kèm giảm thể tích.
  • Sử dụng đồng thời các chất ức chế mạnh CYP3A.
  • Bệnh nhân vô niệu.
  • Đặc biệt các dung dịch chứa dextrose, bao gồm thuốc tiêm conivaptan hydrochloride trộn sẵn trong dextrose 5%, chống chỉ định ở những bệnh nhân bị dị ứng với ngô hoặc các sản phẩm từ ngô.

3. Liều lượng và cách dùng của Conivaptan

Người lớn:

  • Điều trị hạ natri máu bình thể tích hoặc tăng thể tích: Liều tải là 20mg Conivaptan truyền trong 30 phút, sau đó truyền liên tục 20 mg trong 24 giờ, trong 2-4 ngày. Nếu natri huyết thanh không tăng như mong muốn, có thể tăng liều lên 40mg/ngày. Ngừng thuốc Conivaptan nếu nồng độ natri huyết thanh tăng quá nhanh (> 12 mEq/L trong 24 giờ).
  • Lưu ý theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, natri huyết thanh, tình trạng thần kinh và thể tích của bệnh nhân. Không tiếp tục dùng Conivaptan nếu natri huyết thanh tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu hạ natri máu kéo dài hoặc tái phát và bệnh nhân không có bằng chứng về di chứng thần kinh của tăng natri huyết thanh nhanh, có thể tiếp tục dùng Conivaptan và giảm liều.
  • Liều tối đa là 40 mg Conivaptan mỗi ngày. Liều 80mg mỗi ngày không hiệu quả hơn 40 mg mỗi ngày, nhưng có liên quan đến tỷ lệ cao hơn các phản ứng tại chỗ tiêm truyền và các tác dụng phụ khác. Thời gian điều trị tối đa với Conivaptan là 4 ngày.

Trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của Conivaptan ở trẻ em <18 tuổi.

Bệnh nhân suy gan: Suy gan nhẹ đến nặng (Child-Pugh hạng A, B hoặc C) nên dùng liều nạp 10mg, tiếp theo là 10 mg mỗi ngày bằng cách truyền IV liên tục trong 24 giờ trong 2-4 ngày (tối đa là 4 ngày). Nếu natri huyết thanh không tăng như mong muốn, có thể điều chỉnh liều Conivaptan đến 20 mg mỗi ngày.

Bệnh nhân suy thận

  • Nếu Clcr > 60 mL/phút: Không cần điều chỉnh liều lượng Conivaptan.
  • Nếu Clcr 30-60 mL/phút: Liều nạp của Conivaptan là 10mg, tiếp theo là 10 mg mỗi ngày trong 2-4 ngày (tối đa là 4 ngày). Nếu natri huyết thanh không tăng như mong muốn, có thể điều chỉnh liều Conivaptan đến 20 mg mỗi ngày.
  • Nếu Clcr < 30 mL/phút: Không khuyến khích sử dụng thuốc Conivaptan.

Người cao tuổi: Nhà sản xuất không đưa ra khuyến cáo cụ thể.

4. Tác dụng phụ của thuốc Conivaptan là gì?

Bệnh nhân sử dụng thuốc Conivaptan có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

  • Thường gặp: Phản ứng tại chỗ tiêm truyền như ban đỏ, đau, viêm tĩnh mạch, nhức đầu, khát, phù ngoại vi, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, hạ kali máu, tăng huyết áp, hạ huyết áp thế đứng, hạ natri máu, thiếu máu, lú lẫn.
  • Ít gặp: Hạ đường huyết, nhiễm nấm Candida miệng, nhiễm trùng đường tiết niệu, mất nước, tiểu máu, đa niệu, viêm phổi, đau họng.
  • Hiếm gặp: Rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng huyết.

Bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau: lú lẫn, nhịp tim không đều, cực kỳ khát nước, tăng đi tiểu, khó chịu ở chân, yếu cơ, khó nói, khó nuốt, suy nhược, thay đổi tâm trạng, co thắt cơ hoặc yếu ở tay và chân, co giật.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Conivaptan

  • Tính an toàn ở bệnh nhân giảm natri huyết tăng thể tích liên quan đến suy tim còn hạn chế. Các trường hợp bất lợi trong suy tim, rối loạn nhịp nhĩ và nhiễm trùng máu đã được báo cáo. Chỉ sử dụng cho bệnh nhân giảm natri huyết tăng thể tích liên quan đến suy tim sau khi cân nhắc các lựa chọn khác.
  • Không được chỉ định Conivaptan để điều trị suy tim sung huyết.
  • Tăng natri huyết thanh > 12 mEq/L trong 24 giờ có thể gây ra rối loạn tiêu hóa, khó nuốt, hôn mê, thay đổi cảm giác, liệt tứ chi, co giật, hôn mê hoặc tử vong. Tỷ lệ điều chỉnh natri máu chậm hơn được khuyến nghị ở những bệnh nhân mẫn cảm bao gồm những người bị suy dinh dưỡng nặng, nghiện rượu hoặc bệnh gan tiến triển.
  • Phản ứng tại chỗ tiêm truyền có thể xảy ra và có thể phải ngưng thuốc trong một số trường hợp. Phản ứng này có thể xảy ra ngay cả khi truyền Conivaptan ở tốc độ truyền khuyến cáo. Chỉ tiêm thuốc Conivaptan vào tĩnh mạch lớn, thay đổi vị trí tiêm truyền sau mỗi 24 giờ.
  • Đối với những bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn hoặc hạ huyết áp trong khi dùng thuốc Conivaptan, nên ngừng thuốc và thường xuyên theo dõi tình trạng thể tích và các dấu hiệu sinh tồn. Sau khi bệnh nhân không còn hạ huyết áp và thể tích máu bình thường, thuốc Conivaptan có thể được tiếp tục với liều đã giảm nếu bệnh nhân vẫn còn hạ natri huyết.
  • Bệnh nhân cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về loại và lượng chất lỏng nên uống. Trong một số trường hợp, uống quá nhiều chất lỏng có thể không an toàn.
  • Tránh đứng dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm, vì bệnh nhân có thể cảm thấy chóng mặt và bị ngã.
  • Phụ nữ có thai: Nguy cơ của các dị tật bẩm sinh lớn và sẩy thai khi dùng Conivaptan không rõ. Do vậy chỉ sử dụng thuốc Conivaptan khi thật cần thiết.
  • Phụ nữ cho con bú: Nên ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc Conivaptan.

6. Tương tác thuốc Conivaptan

Sau đây là các tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Conivaptan:

  • Thuốc ức chế CYP3A gồm thuốc chống nấm, azoles, clarithromycin, ritonavir có thể làm tăng nồng độ Conivaptan trong huyết tương. Do đó chống chỉ định sử dụng đồng thời các thuốc trên với Conivaptan.
  • Conivaptan có thể làm tăng nồng độ các thuốc chuyển hóa qua CYP3A gồm amlodipin, thuốc ức chế men HMG-CoA, midazolam. Do vậy tránh sử dụng Conivaptan đồng thời với các thuốc được chuyển hóa chủ yếu bởi CYP3A. Nên đợi khoảng 1 tuần sau khi ngừng sử dụng Conivaptan và bắt đầu điều trị bằng chất chuyển hóa qua CYP3A.
  • Dùng Conivaptan đồng thời với Digoxin sẽ làm tăng nồng độ Digoxin. Nên theo dõi nồng độ Digoxin khi dùng đồng thời với Conivaptan.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Conivaptan. Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế hướng dẫn từ thầy thuốc. Bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng thuốc Conivaptan.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

349 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan