Công dụng thuốc Covaprile 4

Covaprile 4 là một thuốc tim mạch, thường được sử dụng trong điều trị cao huyết áp, suy tim sung huyết. Bài viết dưới đây cung cấp đến bạn thuốc Covaprile 4 công dụng gì, cách sử dụng cũng như lưu ý khi dùng thuốc.

1. Covaprile 4 là thuốc gì?

Thuốc Covaprile 4 được sản xuất bởi Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG - Việt Nam và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VD - 30856 - 18. Covaprile 4 thuộc danh mục thuốc tim mạch, có thành phần hoạt chất chính là Perindopril.

  • Dạng bào chế: Viên nén bao phim, mỗi viên chứa 4mg Perindopril arginine và các tá dược khác của nhà sản xuất.
  • Quy cách đóng gói: Hộp 1 vỉ x 30 viên và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Covaprile 4 chữa bệnh gì?

Perindopril là thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Cơ chế tác dụng của Perindopril là ức chế men chuyển angiotensin I thành angiotensin II, một chất gây co mạch và kích thích tiết aldosteron ở vỏ thượng thận. Điều này dẫn đến:

  • Giảm tiết aldosteron.
  • Tăng hoạt tính renin huyết tương.
  • Không gây giữ muối, nước hoặc tăng nhịp tim khi điều trị lâu dài.

Đặc điểm của tác động hạ huyết áp:

  • Perindopril tác dụng ở mọi giai đoạn tăng huyết áp từ nhẹ đến nặng.
  • Perindopril làm giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, tư thế nằm và đứng.
  • Tác động hạ huyết áp đạt tối đa trong 4 - 6 giờ sau khi dùng liều duy nhất và kéo dài ít nhất 24 giờ.
  • Ở bệnh nhân có đáp ứng với điều trị, huyết áp trở lại bình thường sau 1 tháng và ổn định không tái phát.
  • Ngưng thuốc không làm huyết áp tăng vọt trở lại.
  • Perindopril khôi phục lại tính đàn hồi của mạch máu lớn và làm giảm phì đại thất trái.
  • Có thể phối hợp Perindopril với thuốc lợi tiểu thiazid.

Tác động trên bệnh nhân suy tim:

  • Giảm áp lực đổ đầy tâm thất trái và tâm thất phải.
  • Giảm lực kháng ngoại biên.
  • Tăng cung lượng tim và cải thiện chỉ số hoạt động tim.
  • Tăng cung lượng máu đến cơ.
  • Cải thiện nghiệm pháp gắng sức.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Covaprile 4

Thuốc Covaprile 4 được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng thuốc Covaprile 4 trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của Covaprile 4.
  • Người bệnh có tiền sử phù mạch khi điều trị với thuốc ức chế men chuyển.
  • Người bệnh có tiền sử phù mạch tự phát hoặc di truyền.
  • Trẻ em.
  • Phụ nữ có thai.
  • Phụ nữ cho con bú.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Covaprile 4

Covaprile 4 là thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ liệu trình điều trị. Không nên tự ý thay đổi liều lượng, đường dùng của Covaprile 4 hoặc ngừng thuốc. Đồng thời, không nên sử dụng chung thuốc Covaprile 4 với người khác hoặc đưa thuốc này cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có cùng chẩn đoán.

Liều điều trị tăng huyết áp:

  • 4mg/ lần/ ngày vào buổi sáng, có thể tăng liều lên 8mg/ lần sau 1 tháng điều trị.
  • Người cao tuổi: Bắt đầu với liều 2mg/ lần/ ngày vào buổi sáng, sau 1 tháng có thể tăng liều 4mg/ lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy thận: Liều lượng thuốc Covaprile 4 được điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin như sau:
    • Độ thanh thải creatinin từ 30 - 60ml/ phút: 2mg/ lần/ ngày.
    • Độ thanh thải creatinin từ 15 - 30ml/ phút: 2mg/ 02 ngày
    • Độ thanh thải creatinin < 15ml/ phút: 2mg/ lần vào ngày thẩm phân.

Liều điều trị suy tim sung huyết: Bắt đầu với 2mg/ lần/ ngày uống vào buổi sáng, liều có hiệu quả thường từ 2 - 4mg/ ngày. Với người bệnh có yếu tố nguy cơ, nên bắt đầu với 1mg/ lần/ ngày vào buổi sáng.

Liều điều trị cơn đau thắt ngực ổn định: Khởi đầu với 4mg/ lần/ ngày x 2 tuần, sau đó tăng dần đến 8mg/ngày tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.

Cách dùng:

  • Thuốc Covaprile 4 được bào chế dưới viên nén bao phim và dùng theo đường uống. Người bệnh uống thuốc một lần vào buổi sáng, trước khi ăn.

Xử trí khi quên liều thuốc Covaprile 4:

  • Nếu quên liều, có thể sử dụng liều khác ngay khi nhớ ra. Bỏ qua nếu đã đến gần lần dùng thuốc tiếp theo, dùng liều tiếp theo như bình thường.
  • Không gộp liều để bù cho liều đã quên.
  • Không nên để quên nhiều lần trong thời gian điều trị. Người bệnh có thể sử dụng thiết bị nhắc nhở để tránh quên dùng thuốc.

Xử trí khi quá liều thuốc Covaprile 4:

  • Quá liều Covaprile 4 liên quan đến tụt huyết áp. Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện quá liều hoặc các tình huống nguy hiểm khác, cần nhanh chóng liên hệ với trung tâm cấp cứu để được hỗ trợ. Điều trị quá liều Covaprile 4 bao gồm súc rửa dạ dày, truyền tĩnh mạch dung dịch đẳng trương, có thể tiến hành thẩm phân máu.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Covaprile 4

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Covaprile 4 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị như:

  • Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt, suy nhược, rối loạn tính tình, rối loạn giấc ngủ, chưa kiểm soát được huyết áp khi bắt đầu điều trị, chuột rút, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác, nổi mẩn, ho khan.
  • Ít gặp: Bất lực, khô miệng, giảm hemoglobin khi bắt đầu điều trị, tăng kali máu thoáng qua, tăng ure máu, tăng creatinin máu có hồi phục.
  • Hiếm gặp: Phù mạch vùng mặt, đầu chi, thanh quản, thanh môn, môi, lưỡi.

Đây không phải là danh sách đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Covaprile 4 và người bệnh có thể gặp phải những tác dụng phụ khác. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào, hãy ngưng dùng thuốc và báo ngay với bác sĩ điều trị.

6. Tương tác thuốc

Khi xảy ra tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hấp thu, thải trừ, tác dụng và độc tính của thuốc. Để tránh xảy ra hiện tượng này, người bệnh nên lập một danh sách các thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, các chế phẩm tăng cường sức khỏe, vitamin, khoáng chất, ...

Các thuốc có tương tác với Covaprile 4 đã được nghiên cứu là:

  • Thuốc kháng viêm không steroid, tetracosactid, corticoid: Làm giảm tác dụng của thuốc Covaprile 4 khi dùng chung.
  • Thuốc lợi tiểu: Tác dụng hạ huyết áp của thuốc Covaprile 4 có thể trở nên quá mức khi dùng thuốc lợi tiểu trước đó.
  • Thuốc an thần và chống trầm cảm imipramin: Làm tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng khi kết hợp với Covaprile 4.
  • Insulin và thuốc uống hạ đường huyết: Tăng tác dụng hạ đường huyết khi dùng chung với thuốc Covaprile 4.
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali và các muối kali: Khi kết hợp với Covaprile 4 có nguy cơ làm tăng kali máu, đặc biệt ở người suy thận.
  • Dùng chung Covaprile 4 và lithi làm tăng lithi máu.

Ngoài ra, rượu bia và đồ uống lên men, thuốc lá và thực phẩm có thể tương tác với một số thuốc nhất định. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại đồ uống, thực phẩm trong thời gian điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh lý có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Thông báo với bác sĩ về bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà người bệnh mắc phải như suy gan, suy thận, dị ứng, suy giảm miễn dịch, ung thư,...

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Covaprile 4

  • Chống chỉ định dùng thuốc Covaprile 4 cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Chưa có dữ liệu về ảnh hưởng của Covaprile 4 đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Covaprile 4 cho bệnh nhân mất muối nước, có nguy cơ tụt huyết áp, suy thận, hẹp động mạch thận, thẩm phân máu, tăng huyết áp do mạch máu thận, phải phẫu thuật, hẹp động mạch thận, đau thắt ngực ổn định, đái tháo đường, người cao tuổi.

8. Bảo quản thuốc

  • Giữ thuốc Covaprile 4 trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi khô ráo, thoáng mát (độ ẩm dưới 80%), tránh để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng cường độ cao, nhiệt độ bảo quản dưới 30 độ C.
  • Để Covaprile 4 tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi, tránh chúng không biết nuốt phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Thuốc Covaprile 4 có hạn sử dụng là 36 tháng kể tử ngày sản xuất, không dùng thuốc đã hết hạn hoặc có biểu hiện hư hỏng như thay đổi màu sắc, chảy nước, bao bì không còn nguyên vẹn.
  • Không vứt thuốc Covaprile 4 vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Trên đây là những thông tin về công dụng, liều dùng cũng như tác dụng phụ của Covaprile 4. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ bất thường nào, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ để được điều trị cụ thể.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan