Công dụng thuốc Ecazola

Thuốc Ecazola có thành phần chính là fluconazol. Hàm lượng trong mỗi viên nang là 150mg. Đây là thuốc có tác dụng kháng nấm. Hãy cùng tìm hiểu công dụng và các thông tin hữu ích về Ecazola thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Thuốc Ecazola có công dụng gì?

Hoạt chất fluconazol có trong Ecazola là thuốc thuộc nhóm tổng hợp triazol chống nấm. Nó có khả năng ức chế CYP450 để ngăn quá trình tổng hợp sterol và ergosterol trong thành tế bào. Bên cạnh đó, fluconazol còn làm thay đổi tính thấm của màng tế bào nấm, làm mất đi các yếu tố thiết yếu như amino acid, kali và làm giảm thu nhập các yếu tố cần thiết cho DNA như pyridin, pyrimidin. Fluconazol chỉ có ái lực mạch với CYP450 của nấm, chúng gần như không có ái lực với CYP450 của động vật có vú nói chung.

Các chủng nấm bị ảnh hưởng bởi fluconazol có trong Ecazola gồm:

  • Candida spp.
  • Blastomyces dermatitidis
  • Coccidioides immitis
  • Cryptococcus neoformans
  • Epidermophyton spp.
  • Histoplasma capsulatum
  • Microsporum spp.
  • Trichophyton spp.

Từ cơ chế nêu trên, thuốc Ecazola thường được chỉ định trong những trường hợp:

  • Bệnh nhân nhiễm nấm Candida ở các vị trí trên cơ thể như: miệng, họng, thực quản, âm đạo, đường niệu, màng bụng, phổi,...
  • Bệnh nhân bị viêm màng não do nấm Cryptococcus neoformans gây ra.
  • Bệnh nấm da đầu, chân, đùi,...do các chủng nhạy cảm gây ra.
  • Dự phòng nhiễm nấm Candida ở bệnh nhân ung thư, bệnh nhân phải phẫu thuật, người bị HIV,...

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Ecazola

Thuốc Ecazola được bào chế ở dạng viên nang, dùng bằng đường uống. Liều lượng của Ecazola phụ thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Cụ thể như sau:

  • Nhiễm Candida vùng miệng, họng: dùng 50mg/ngày, từ 7 đến 14 ngày hoặc dùng 200mg/ngày đầu tiên, sau đó 100mg/ngày, kéo dài 2 tuần.
  • Nhiễm nấm Candida ở thực quản: dùng liều tương tự như nhiễm nấm Candida vùng miệng, tuy nhiên thời gian điều trị nên kéo dài trong 3 tuần và tiếp tục uống duy trì thêm 2 tuần nữa sau khi hết triệu chứng
  • Nhiễm nấm toàn thân: dùng 400mg/ngày đầu tiên, sau đó dùng liều 200mg/ngày, kéo dài 4 tuần và duy trì thêm 2 tuần nữa kể từ khi hết triệu chứng.
  • Nhiễm Candida đường niệu, màng bụng: dùng 50 - 200mg/ngày.
  • Nhiễm Candida âm đạo: dùng 1 liều duy nhất 150mg.
  • Nấm da: dùng 50mg/ngày, kéo dài 6 tuần.
  • Bị viêm màng não do Cryptococcus neoformans: dùng 400mg/ngày đầu tiên, sau đó dùng 200 - 400mg/ngày, kéo dài từ 10 đến 12 tuần.
  • Dự phòng nhiễm nấm cho bệnh nhân có nguy cơ: 400mg/ngày.

Riêng đối với bệnh nhân bị suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 50 ml/phút, liều dùng của Ecazola giảm còn một nửa so với liều khuyến cáo ở trên.

3. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ecazola

Hoạt chất fluconazol có ảnh hưởng tương đối bất lợi lên gan, do đó nên thận trọng khi sử dụng thuốc Ecazola cho người suy gan hoặc gặp các dấu hiệu sau trong quá trình điều trị:

  • Bất thường trong chỉ số xét nghiệm chức năng gan
  • Triệu chứng của bệnh gan tiến triển

Việc lạm dụng Ecazola có thể làm phát triển quá mức các chủng nấm Candida không nhạy cảm với fluconazol.

Cẩn trọng khi dùng Ecazola cho bệnh nhân có nguy cơ loạn nhịp vì hoạt chất fluconazol đã được ghi nhận có thể kéo dài quãng QT và xoắn đỉnh.

Cần xem xét giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định Ecazola cho bệnh nhân mang thai. Tuy chưa có dữ liệu đầy đủ nhưng đã ghi nhận có trường hợp dị tật thai nhi khi sử dụng hoạt chất fluconazol liều cao ở 3 tháng đầu thai kỳ. Người đang nuôi con bằng sữa mẹ không nên dùng thuốc Ecazola.

4. Tác dụng phụ của Ecazola

Bệnh nhân sử dụng thuốc Ecazola có thể gặp một số triệu chứng như:

  • Chóng mặt
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Tăng nhẹ transaminase
  • Tiểu ít
  • Hạ huyết áp nhẹ
  • Hạ kali huyết

5. Tương tác thuốc của Ecazola

Thuốc Ecazola có tương tác với khá nhiều với các nhóm thuốc khác. Những tương tác thuốc này thường làm thay đổi nồng độ của các thuốc tham gia, do đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Một số nhóm có thuốc có tương tác như:

  • Rifabutin, rifamycin
  • Zidovudin
  • Thuốc chống đông máu nhóm coumarin
  • Ciclosporin
  • Astemizol
  • Phenytoin
  • Glyburide, glipizide
  • Carbamazepin
  • Theophylin

Tốt hơn hết, bạn nên báo với bác sĩ nếu đang điều trị với một trong các thuốc kể trên trước khi tiếp nhận điều trị với Ecazola để nhận được sự tư vấn và điều chỉnh kịp thời từ bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

62 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan