Công dụng thuốc Fursultiamine

Vitamin B1, B6, B12 đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể. Sự thiếu hụt các vitamin trên gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, do đó cần phải bổ sung bằng các sản phẩm ngoài có chứa Fursultiamine (một dẫn chất của Thiamin), Pyridoxine và Cyanocobalamin.

1. Thuốc Fursultiamine là gì?

Hoạt chất Fursultiamine là một dẫn xuất disulfide của thiamin (hay còn gọi là vitamin B1), thường đi kèm với các thành phần khác như Pyridoxine HCL (vitamin B6) và Cyanocobalamin (vitamin B12)

Trong mỗi viên nén bao phim sẽ bao gồm Fursultiamine hàm lượng 50mg, Pyridoxine HCL hàm lượng 250mg và Cyanocobalamin (vitamin B12) hàm lượng 0.25 mg.

2. Đặc điểm dược lý của thuốc Fursultiamine

2.1. Dược lực học

Fursultiamine là một dẫn xuất của thiamin (hay vitamin B1) với những ưu điểm vượt trội so với thiamin chlorhydrate thông thường như sau:

  • Ái lực với các mô cao hơn;
  • Có khả năng chuyển hóa nhanh chóng thành dạng hoạt động của thiamin là cocarboxylase;
  • Về mặt dược lý học, Fursultiamine còn mang lại tác dụng giảm đau, đặc biệt có khả năng hiệp lực với các thuốc giảm đau khác;
  • Fursultiamine còn có tác dụng chống liệt ruột và rối loạn bàng quang do nguyên nhân thần kinh.

Hợp chất thường đi kèm với Fursultiamine là Pyridoxine HCL đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein và lipid của cơ thể, bên cạnh tác dụng kích thích tăng hoạt động các tế bào thần kinh bị tổn thương. Pyridoxine được chứng minh có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thu các amino acid từ ruột non. Ngoài ra, ngày càng nhiều các bằng chứng khoa học cho thấy vitamin B6 có mối liên quan mật thiết với các quá trình chuyển hóa của hệ thống thần kinh.

Cyanocobalamin hay Vitamin B12 có vai trò ngăn chặn và điều trị các chứng thiếu máu, đồng thời hỗ trợ duy trì chức năng bình thường của tế bào biểu mô, hệ thống thần kinh và quá trình tạo ra hồng cầu. Ngoài ra, Cyanocobalamin rất cần thiết cho quá trình tổng hợp nucleoprotein và sợi cơ, tái tạo tế bào hay duy trì sự phát triển bình thường của cơ thể đang lớn. Do quá trình chuyển đổi metyl (transmethylation) liên quan đến việc biến đổi homocystein thành methionin, do đó cyanocobalamin hoạt động như một yếu tố bảo vệ gan và mỡ.

2.2. Dược động học

Hấp thu:

  • Fursultiamine có khả năng hấp thu tốt qua đường tiêu hóa;
  • Pyridoxine HCL nhanh chóng được hấp thu qua đường tiêu hóa sau khi uống. Theo báo cáo sự hấp thu có thể yếu đi nếu người bệnh đã phẫu thuật cắt dạ dày;
  • Cyanocobalamin đa phần được hấp thu tại dạ dày nhờ các yếu tố nội tại có mặt trong đường tiêu hóa. Sau khi được hấp thu, Cyanocobalamin sẽ liên kết với các protein đặc biệt là transcobalamin, chính sự kết hợp này kéo theo sự hấp thu nhanh cyanocobalamin vào mô.

Phân bố:

  • Fursultiamine có nồng độ cao trong máu và duy trì tác động kéo dài;
  • Pyridoxine HCL dự trữ chủ yếu ở gan, một ít ở cơ, não. Tổng lượng dự trữ trong cơ thể khoảng 16-27 mg và hoạt chất này không gắn kết với protein huyết tương;
  • Cyanocobalamin phân bố ở gan, tủy xương, có thể đi qua nhau thai và sữa mẹ.

Chuyển hóa:

  • Fursultiamine không bị phân hủy với aneurine, độc tính tương đối thấp và hiếm gặp các dụng phụ;
  • Pyridoxine HCL ở hồng cầu được chuyển hóa sang dạng hoạt động pyridoxal phosphat. Tại gan, pyridoxine được phosphoryl hóa thành pyridoxal phosphat rồi chuyển thành pyridoxin và pyridoxamin. Pyridoxal phosphat gắn kết hoàn toàn với protein huyết tương;
  • Cyanocobalamin chuyển hóa thành dạng coenzym trong gan và được dự trữ tại nhiều mô khác nhau.

Thải trừ:

  • Fursultiamine: Chưa có báo cáo về đặc điểm thải trừ của hoạt chất này;
  • Pyridoxine HCL: Thời gian bán hủy từ 15 - 20 ngày. Trong gan, pyridoxine bị oxy hóa thành 4-pyridoxic acid và được thải trừ qua nước tiểu. Pyridoxine cũng qua được nhau thai và sữa mẹ. Nếu dùng vượt quá nhu cầu hàng ngày thuốc thải trừ ở dạng chưa chuyển hóa qua nước tiểu;
  • Cyanocobalamin dự trữ tại gan, bài tiết qua mật còn phần đã hấp thu bài tiết qua nước tiểu hầu hết trong 8 giờ đầu.

3. Fursultiamine có tác dụng gì?

Chỉ định của Fursultiamine chủ yếu trong điều trị các bệnh lý do thiếu hụt vitamin B1, B6, B12 như viêm đau dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh, bệnh thiếu máu...

Chống chỉ định của Fursultiamine

  • Người có tiền sử mẫn cảm với các thành phần có trong huyết;
  • Các trường hợp có các khối u ác tính.

4. Hướng dẫn sử dụng Fursultiamine

Fursultiamine chỉ định sử dụng cho người trưởng thành với liều lượng từ 1 đến 3 viên uống mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

5. Tác dụng phụ của thuốc Fursultiamine

Tác dụng phụ của thuốc Fursultiamine tương đối hiếm gặp, một số người bệnh than phiền hay bị buồn nôn, nôn ói khi uống thuốc.

Một số trường hợp sử dụng vitamin B6 liều khoảng 200mg/ngày và kéo dài trên 2 tháng có thể gây tác dụng phụ bệnh thần kinh ngoại vi nặng, tiến triển từ dáng đi không vững, tê cóng bàn chân đến bàn tay tê cóng và vụng về. Tuy nhiên, tình trạng này có thể hồi phục khi ngừng thuốc, mặc dù vẫn còn để lại ít nhiều di chứng.

Vitamin B12 có thể gây một số tác dụng phụ như phản ứng ngoài da dạng trứng cá, nổi mày đay, ngứa, đỏ da.

Người bệnh cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ về những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Fursultiamine.

6. Một số lưu ý khi sử dụng Fursultiamine

  • Đối tượng trẻ em chỉ được dùng Fursultiamine theo chỉ định bác sĩ và dưới sự giám sát của người lớn.
  • Phụ nữ có thai chỉ được sử dụng Fursultiamine theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Phụ nữ cho con bú cũng tương tự, chỉ sử dụng được bác sĩ chỉ định Fursultiamine.
  • Fursultiamine không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Hiện nay vẫn chưa có các báo cáo về tình trạng quá liều khi sử dụng thuốc Fursultiamine.

Trường hợp người bệnh quên uống một liều Fursultiamine hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch, không uống gấp đôi liều Fursultiamine theo hướng dẫn.

Thuốc Fursultiamine được chỉ định chủ yếu trong điều trị các bệnh lý do thiếu hụt vitamin B1, B6, B12 như viêm đau dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh, bệnh thiếu máu... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người dùng cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan