Công dụng thuốc Glumeron 30

Thuốc Glumeron 30 là loại thuốc quen thuộc cho những bệnh nhân đang điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Vậy để tìm hiểu cụ thể xem thuốc Glumeron 30 là thuốc gì? Công dụng thuốc Glumeron 30 là gì? Đọc ngay bài viết dưới đây để hiểu thêm những thông tin cần thiết về công dụng thuốc Glumeron 30.

1. Thuốc Glumeron 30 là thuốc gì?

Thuốc Glumeron 30 thuộc nhóm hormone và nội tiết tố, Glumeron 30 có thành phần chính là Gliclazid hàm lượng 30mg;

Với tác dụng ổn định đường huyết và sử dụng được cho những bệnh nhân cao tuổi, thuốc Glumeron 30 đang khá được ưa chuộng trên thị trường thuốc điều trị tiểu đường hiện nay. Thuốc Glumeron 30 được bào chế dưới dạng viên nén giải phóng có kiểm soát. Thuốc Glumeron 30 khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành và đặc biệt là người cao tuổi.

2. Công dụng của Glumeron 30

Thuốc Glumeron 30 được bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp kiểm soát chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin đã áp dụng các biện pháp ăn kiêng nhưng không hiệu quả.

Insulin là một hormon do tế bào beta tuyến tụy sản xuất có tác dụng giảm lượng đường huyết ở trong máu. Glumeron là thuốc trị đái tháo đường với thành phần hoạt chất gliclazid, thuộc nhóm sulfonylurê. Thuốc kích thích tế bào beta của tuyến tụy tăng cường giải phóng Insulin cho nên thuốc chỉ có tác dụng trên đối tượng bệnh nhân có tuyến tụy vẫn còn khả năng sản xuất Insulin. Ngoài ra Gliclazide còn làm giảm độ thanh thải Insulin ở gan, giúp cơ thể không bị mất Insulin. Từ đó làm tăng lượng hormone này trong huyết thanh.

Gliclazid được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Thuốc kết hợp mạnh với protein huyết tương. Thời gian bán thải khoảng 10-12 giờ. Gliclazid được chuyển hóa chủ yếu ở gan thành các chất chuyển hóa không có hoạt tính hạ đường huyết đáng kể. Các chất chuyển hóa và một lượng nhỏ thuốc dạng không chuyển hóa được thải trừ qua nước tiểu.

3. Cách sử dụng của thuốc Glumeron 30

3.1. Cách dùng của thuốc Glumeron 30

Thuốc được dùng đường uống trong điều trị đái tháo đường tuýp 2 và hoạt tính kéo dài 12 đến 24 giờ. Do hiệu lực của thuốc ngắn hơn clopropamid hay glibenclamid nên thuốc phù hợp hơn đối với bệnh nhân cao tuổi, là những người dễ bị hạ đường huyết khi dùng các thuốc nhóm sulfonylurea có hoạt tính kéo dài.

Liều Glumeron 30 MR phải phù hợp cho từng trường hợp cụ thể và phải dựa theo lượng đường huyết của người bệnh. Cần uống nguyên viên thuốc, không nhai, không nghiền viên trước khi uống.

3.2. Liều dùng của thuốc Glumeron 30

  • Liều khởi đầu khuyến cáo: 1 viên Glumeron 30 MR/ ngày, kể cả bệnh nhân trên 65 tuổi, điều chỉnh tăng liều nếu cần, tăng 30 mg (1 viên Glumeron 30 MR) mỗi lần điều chỉnh và theo dõi ít nhất 1 tháng trước khi điều chỉnh lần tiếp theo, trừ trường hợp đường huyết không giảm sau 2 tuần sử dụng thuốc có thể tăng liều sau 2 tuần.
  • Liều thường dùng: từ 1 đến 4 viên Glumeron 30 MR (liều tối đa 120 mg), uống 1 lần duy nhất vào bữa ăn sáng. Liều dùng phụ thuộc vào đáp ứng điều trị.

3.3. Quá liều và xử trí khi dùng thuốc Glumeron 30

Dùng quá liều sẽ dẫn tới những dấu hiệu hạ đường huyết như vã mồ hôi, da tái xanh, tim đập nhanh. Trường hợp nhẹ, điều trị hạ đường huyết nhẹ bằng cách uống ngay một cốc nước đường hoặc nước hoa quả có cho thêm 2 hoặc 3 thìa cà phê đường. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện lơ mơ thì phải dùng ngay dung dịch glucose 10% hoặc 30% tiêm tĩnh mạch và chuyển người bệnh đến bệnh viện.

Điều trị bằng cách rửa dạ dày và điều chỉnh tình trạng hạ đường huyết bằng các biện pháp thích hợp cùng với việc theo dõi liên tục tình trạng đường huyết của bệnh nhân cho đến khi ảnh hưởng của thuốc đã được loại trừ.

4. Chống chỉ định của thuốc Glumeron 30

  • Đái tháo đường phụ thuộc insulin (bệnh tiểu đường tuýp 1).
  • Hôn mê hay tiền hôn mê do đái tháo đường.
  • Suy gan nặng
  • Suy thận nặng.
  • Có tiền sử dị ứng với sulfonamid và các sulfonylurê khác
  • Phối hợp với miconazol viên
  • Nhiễm khuẩn nặng hoặc chấn thương nặng, phẫu thuật lớn.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú

5. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Glumeron 30

  • Trong khi dùng Glumeron 30 MR vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng của bệnh nhân tiểu đường nhằm giúp thuốc phát huy được đầy đủ tác dụng. Khi dùng Glumeron 30 phối hợp cùng với các thuốc khác có tác dụng làm tăng hoặc giảm tác dụng hạ đường huyết của thuốc, cần phải điều chỉnh liều của Glumeron cho thích hợp. Trong trường hợp bệnh nhân bị suy thận, suy gan cần phải giảm liều để tránh tác dụng phụ.
  • Hiện tượng hạ đường huyết có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân có nguy cơ cao như: ăn uống thất thường, suy dinh dưỡng, nhịn ăn, mất cân bằng giữa mức độ luyện tập thể dục và chế độ ăn; thay đổi chế độ ăn uống; uống rượu (đặc biệt khi kèm với bỏ bữa ăn), dùng liều gliclazid quá cao; rối loạn nội tiết (rối loạn chức năng tuyến yên, tuyến giáp hoặc vỏ thượng thận); suy thận nặng hoặc suy gan nặng.
  • Bệnh nhân có tiền sử gia đình hoặc tiền sử bản thân đã từng bị bệnh thiếu G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase): có thể xuất hiện tình trạng giảm nồng độ hemoglobin và gây phá hủy hồng cầu.
  • Ảnh hưởng của thuốc Glumeron 30 đối với công việc: Thận trọng khi vận hành máy móc và lái xe vì thuốc có thể gây đau đầu.
  • Một số thuốc làm tăng tác dụng hạ đường huyết của gliclazid: Thuốc chống viêm không steroid (đặc biệt là aspirin), sulfamid kháng khuẩn, coumarin, thuốc chống đông máu, IMAO, thuốc chẹn beta, diazepam, tetracyclin, perhexillin maleat, cloramphenicol, clofibrat, miconazol viên. Uống rượu cũng có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của gliclazid.
  • Một số thuốc làm giảm tác dụng hạ đường huyết của gliclazid như barbituric, corticosteroid, thuốc lợi tiểu thải muối và thuốc tránh thai uống.

6. Tác dụng phụ của thuốc Glumeron 30

  • Thường gặp: đau đầu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, phát ban.
  • Ít gặp: giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, phản ứng da, niêm mạc.
  • Hiếm gặp: trạng thái lơ mơ, vã mồ hôi, tăng tần số tim nôn, đói cồn cào.

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc Glumeron 30. Do đó, nếu gặp phải bất cứ triệu chứng nào bất thường trong quá trình dùng thuốc cũng cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan