Công dụng thuốc Halometasone

Halometasone là thuốc dùng bôi ngoài da có tác dụng điều trị các bệnh viêm ngoài da, đáp ứng với corticoid và có đi kèm với nhiễm khuẩn thứ phát. Vậy sử dụng thuốc Halometasone như thế nào là đúng và cần lưu ý những gì khi sử dụng thuốc này?

1. Thuốc Halometasone là thuốc như thế nào?

Halometasone là thuốc được sản xuất dưới dạng kem bôi ngoài da. Thuốc có hoạt chất là halometasone kết hợp với triclosan. Thành phần của 1g thuốc gồm có: halometasone monohydrat 0,5mg với triclosan 10mg.

Halometasone được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Các bệnh ngoài da có tình trạng viêm, đáp ứng với corticoid thuộc nhiều dạng và vị trí khác nhau có đi kèm cùng với nhiễm khuẩn thứ phát. Chẳng hạn như: viêm da tăng tiết bã nhờn, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm da thần kinh khu trú hay chàm hình đồng xu.
  • Các dạng viêm mủ da có tổn thương nông như bệnh chốc lở, hăm da hay bệnh nấm da trong đó nổi bật là tình trạng viêm.

Cũng như các loại thuốc khác, Halometasone cũng có một số chống chỉ định:

  • Những bệnh nhân bị dị ứng hoặc có mẫn cảm với thuốc hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Tình trạng viêm da do virus như bệnh thủy đậu, herpes, zona tai hay các bệnh da phát ban sau tiêm chủng; viêm da quanh miệng, trứng cá, các vết loét trên da,...
  • Không dùng thuốc cho các tổn thương ở mắt.

2. Cách dùng thuốc Halometasone

Cách dùng thuốc: Thuốc dùng bôi ngoài da

  • Dùng thuốc bôi một lớp mỏng trên da và thoa nhẹ lên vùng bị tổn thương từ 1 - 2 lần/ngày tùy thuộc vào mức độ tổn thương của bệnh.
  • Không cần băng kín vết thương trên da.
  • Người bệnh không nên mặc quần áo bó sát thân khi có các nhiễm trùng da.

3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Halometasone

Trong quá trình sử dụng thuốc Halometasone, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

  • Không nên dùng thuốc kéo dài ở tất cả các lứa tuổi.
  • Trong một vài trường hợp, nếu phải dùng thuốc nhiều trên diện tích da rộng thì cần có sự theo dõi, hướng dẫn thường xuyên của bác sĩ.
  • Đối với da mặt hay những vùng da dễ bị hăm, nên thận trọng khi dùng thuốc và chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn.
  • Điều trị trong thời gian một tuần, nếu tình trạng bệnh không được cải thiện thì phải ngừng thuốc và tìm nguyên nhân để điều trị cho phù hợp.
  • Trường hợp dùng thuốc cho trẻ em không nên dùng quá 2 tuần và không quá 1 tuần đối với trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Người bệnh không nên dùng thuốc cho vùng da vượt quá 10% diện tích da của cơ thể và tránh dùng thuốc ở những vùng da cần băng kín.
  • Thuốc Halometasone không thích hợp cho các bệnh da do nhiễm trùng hoặc nấm mà không có biểu hiện cấp tính.
  • Phụ nữ có thai không nên sử dụng thuốc này vì các thí nghiệm trên động vật cho thấy halometasone có khả năng sinh quái thai hoặc các tác dụng phụ không mong muốn đối với phôi/ bào thai.
  • Người sử dụng là phụ nữ đang cho con bú cần lưu ý hơn trong quá trình dùng thuốc điều trị và phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.

4. Tác dụng không mong muốn (ADR)

Ngoài những lợi ích mà halometasone mang lại, loại thuốc này cũng gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng trong quá trình dùng thuốc.

  • Cảm giác nóng, ngứa.
  • Hiếm gặp tình trạng như khô da, ban đỏ, teo da.
  • Thuốc có thể làm tăng khả năng dị ứng do tiếp xúc.

Khi gặp các tác triệu chứng bất thường, người bệnh cần ngừng dùng thuốc. Với những trường hợp nhẹ, thường chỉ cần ngừng thuốc. Trường hợp xảy ra các triệu chứng nặng thì cần tiến hành điều trị hỗ trợ bằng cách giữ thoáng khí, thở oxygen, dùng kháng histamin, corticoid,...

5. Dược lực học thuốc Halometasone

Thuốc Halometasone có bản chất là một glucocorticoid dùng tại chỗ có hoạt tính cao. Nó có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, gây co mạch và chống tăng sinh, do đó tác dụng hiệu quả lên các tổn thương viêm. Trong các bệnh viêm da do nhiều nguyên nhân khác nhau, thuốc có tác dụng làm giảm nhanh và hết các triệu chứng, đặc biệt là ngứa.

Triclosan có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng đối với nhiều chủng vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả vi khuẩn gram âm và gram dương, trừ Pseudomonas, Serratia và Proteus rettgeri).

Trislosan tấn công vào màng cấu trúc plasmic của vi khuẩn và phát huy tác dụng kìm khuẩn ở nồng độ thấp và diệt khuẩn ở nồng độ cao.

Cơ chế tác dụng: Ở nồng độ thường dùng, triclosan hoạt động như một chất diệt khuẩn. Tuy nhiên, ở nồng độ thấp hơn, triclosan ức chế tổng hợp acid béo. Triclosan liên kết với enzym reductase protein enoyl - acyl của vi khuẩn, được mã hóa bởi gen Fabl. Liên kết này làm tăng ái lực của enzym đối với nicotineamide adenine dinucleotide. Từ đó, dẫn đến sự hình thành một phức hợp ổn định làm vi khuẩn không thể tham gia tổng hợp acid béo. Acid béo là chất cần thiết để tái tạo và xây dựng màng tế bào. Do cơ thể người không có enzym ENR, do đó không bị ảnh hưởng.

Thuốc Halometasone hiện nay được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh viêm da cấp tính. Mặc dù có hiệu quả tốt nhưng trong một số trường hợp thuốc có thể gây ra các triệu chứng không mong muốn. Người bệnh cần theo dõi và liên hệ với bác sĩ khi cần thiết để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

627 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan