Công dụng thuốc Hanomac

Thuốc Hanomac được bào chế dưới dạng kem bôi da với thành phần chính là Dexamethason acetat, Clotrimazol, Gentamicin sulfat. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh ngoài da.

1. Thuốc Hanomac có tác dụng gì?

Một tuýp thuốc Hanomac 10g có chứa 100mg Clotrimazol, 5mg Dexamethason acetat, Gentamicin sulfat tương đương với 10mg Gentamicin cùng tá dược vừa đủ.

Thuốc Hanomac có phổ điều trị rộng đối với các loại bệnh ngoài da do sự kết hợp tác dụng kháng viêm, chống ngứa và co mạch của Dexamethason acetat với tác dụng kháng khuẩn phổ rộng của Gentamicin và tác dụng kháng nấm phổ rộng của Clotrimazol.

Dexamethason acetat là fluomethylprednisolon, một loại glucocorticoid tổng hợp với cơ chế tác dụng trực tiếp hoặc gắn kết vào thụ thể ở tế bào, chuyển vị vào nhân tế bào và ở đó đã tác động tới một số gen được dịch mã. Dexamethason có công dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch để điều trị các loại rối loạn ngoài da như: Viêm da dị ứng, viêm da.

Clotrimazol là thuốc chống nấm phổ rộng có cơ chế liên kết với các phospholipid trong màng tế bào nấm, làm thay đổi tính thấm của màng, gây mất các chất thiếu yếu nội bào dẫn đến sự tiêu hủy tế bào nấm. Clotrimazol có công dụng kìm hãm và diệt nấm trên các chủng Trichophyton mentagrophytes, Trichophyton rubrum, Microsporum canis, Epidermophyton và các loài Candida.

Gentamicin là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid có công dụng diệt khuẩn qua ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Phổ diệt khuẩn của gentamicin, bao gồm vi khuẩn hiếu khí Gram âm và các tụ cầu khuẩn như Salmonella typhi, Staphylococcus saprophyticus và E.coli, Shigella flexneri, H.influenzae, tụ cầu vàng. S.epidermidis. Gentamicin có tác dụng điều trị tại chỗ rất hữu hiệu trong các nhiễm trùng ngoài da tiên phát hoặc thứ phát.

Chỉ định: Sử dụng thuốc Hanomac trong điều trị viêm da dị ứng hoặc do tiếp xúc đáp ứng với corticoid tại chỗ và có dấu hiệu vi nấm hoặc bội nhiễm như: Vết côn trùng cắn, chàm cấp tính và mãn tính, viêm da tăng tiết bã nhờn, viêm da do tiếp xúc, viêm da bong vảy, vảy nến, mề đay dạng dát sần, liken phẳng mãn tính.

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Hanomac trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Hanomac;
  • Không được bôi thuốc vào mắt;
  • Người bị nhiễm khuẩn da do lao, virus, giang mai;
  • Người bị mụn trứng cá đỏ, tổn thương có loét;
  • Người bị loét trên da;
  • Người bị nhiễm nấm ngoài tai kèm thủng màng nhĩ.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Hanomac

Cách dùng: Sử dụng thuốc Hanomac bằng cách thoa lên da.

Liều dùng:

  • Thoa một lớp mỏng thuốc Hanomac lên vùng da bị bệnh từ 2 - 3 lần/ngày;
  • Để việc điều trị được hữu hiệu nên sử dụng thuốc đều đặn. Lưu ý vệ sinh vùng da bị bệnh sạch sẽ khi bôi thuốc.

Quá liều:

  • Dùng corticoid tại chỗ liều cao kéo dài có thể làm ức chế tuyến thượng thận và gây ra bệnh Cushing;
  • Xử trí: Các triệu chứng tăng tiết tuyến thượng thận cấp thông thường có hồi phục. Nếu cần thiết, nên thực hiện điều chỉnh mất cân bằng điện giải. Trong trường hợp người bị ngộ độc mãn tính, do không có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần dừng thuốc từ từ. Nếu xuất hiện sự gia tăng các loại vi khuẩn không nhạy cảm, cần ngưng dùng thuốc và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Hanomac

Một số tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc Hanomac là:

  • Ban đỏ, nổi mề đay, kích thích da;
  • Sử dụng thuốc lâu ngày có thể gây rạn da, teo da, rậm lông;
  • Ức chế tuyến thượng thận cũng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc liều cao trong thời gian dài và áp dụng kỹ thuật băng ép.

Bệnh nhân nên kịp thời thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Hanomac để được tư vấn về cách xử trí phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Hanomac

Một số điều người bệnh cần lưu ý trước và trong khi dùng thuốc Hanomac là:

  • Cần tránh thoa một lớp thuốc Hanomac dày trên diện tích rộng, tránh sử dụng thuốc kéo dài và băng kín vết thương trừ những trường hợp đặc biệt để ngăn cản sự hấp thu toàn thân;
  • Không sử dụng trên vết thương hở;
  • Không nên sử dụng thuốc cho trẻ sơ sinh;
  • Đối với trẻ em: Khi sử dụng thuốc Hanomac liều cao, trong thời gian dài bằng kỹ thuật băng ép (tã lót cũng có công dụng tương tự kỹ thuật băng ép) có thể làm giảm sự phát triển của cơ thể.

Hiện vẫn chưa ghi nhận tương tác thuốc Hanomac với các loại thuốc khác.

Trong quá trình sử dụng thuốc Hanomac, người bệnh cần lưu ý làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn để đạt hiệu quả điều trị cao, hạn chế tác dụng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

283 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan