Công dụng thuốc Insutazone

Thuốc Insutazone là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc Hormon, Nội tiết tố thường được chỉ định hỗ trợ chế độ ăn kiêng và luyện tập nhằm cải thiện kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2. Dưới đây là toàn bộ thông tin về loại thuốc này mà người dùng cần nắm rõ trước khi được chỉ định. Để từ đó sử dụng thuốc một cách an toàn và đạt được kết quả tốt nhất.

1. Insutazone là thuốc gì?

Insutazone là một dược phẩm thuộc nhóm thuốc Hormon, Nội tiết tố được sản xuất bởi Weidar Chemical & Pharmaceutical Co., Ltd. Của Đài Loan, Trung Quốc và được đăng ký bởi Công ty TNHH Dược phẩm Thế Cường, Việt Nam.

Thuốc với thành phần chính là hoạt chất Pioglitazone HCl hàm lượng 30mg được dùng để chỉ định hỗ trợ chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhằm kiểm soát lượng đường trong máu ở những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2.

Insutazone thuốc được bào chế dạng viên nén và đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên, mỗi viên có chứa 30mg pioglitazone và các tá dược khác vừa đủ.

2. Công dụng thuốc Insutazone

2.1. Tác dụng thành phần thuốc

Thành phần pioglitazone (pioglitazone hydrochloride) là thuốc uống hạ đường huyết, chủ yếu tác dụng bằng cách giảm đề kháng insulin. Hoạt chất này thuộc loại hợp chất mới được gọi là dẫn xuất thiazolidinedione và một nhóm hóa chất khác có tác dụng dược lý khác với các metformin, sulphonylurea hoặc các chất ức chế alpha glucosidase.

2.2 Chỉ định dùng thuốc Insutazone

Thuốc Insutazone chỉ định hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục nhằm cải thiện và kiểm soát lượng đường huyết ở các bệnh nhân bị tiểu đường type 2.

Thuốc được chỉ định dùng đơn độc hoặc cũng được chỉ định dùng phối hợp với metformin, sulphonylurea hoặc insulin khi ăn kiêng và tập thể dục. Tuy nhiên, thuốc dùng đơn độc sẽ không đủ để kiểm soát lượng đường huyết.

2.3. Chống chỉ định của Insutazone

Thuốc chống chỉ định ở bệnh nhân quá mẫn với pioglitazone hoặc các thành phần khác có trong công thức thuốc và trẻ em dưới 18 tuổi.

3. Cách dùng, liều dùng

Thuốc được dùng theo chỉ định và kê đơn của bác sĩ, vì thế người dùng cần dùng thuốc đúng cách và đủ liều lượng để đạt được hiệu quả tốt nhất và nhanh chóng nhất.

3.1. Cách dùng

Thuốc được dùng theo đường uống trực tiếp với nước lọc được đun sôi để nguội hoặc nước lọc tinh khiết. Thuốc có thể dùng cùng với thức ăn hoặc không đều được.

Người bệnh khi uống thuốc nên nuốt viên thuốc để đảm bảo giữ nguyên thành phần của thuốc. Không nên nhai, nghiền nát hay phân tán thuốc gây biến đổi thành phần và ảnh hưởng đến công dụng của thuốc.

Lưu ý, không được uống thuốc cùng với rượu, bia, cà phê, nước trà, đồ uống có gas, nước ngọt đóng chai sẽ khiến tác dụng của thuốc bị giảm và thậm chí phản tác dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

3.2. Liều dùng

Liều dùng thuốc Insutazone không nên vượt quá 45mg/lần/ngày.

Ðiều trị đơn độc:

Ở bệnh nhân chưa được kiểm soát đầy đủ với ăn kiêng và tập luyện thể dục có thể bắt đầu với liều 15mg hoặc 30mg/ ngày một lần. Nếu bệnh nhân không đáp ứng đầy đủ với liều khởi đầu thì có thể tăng liều đến 45mg/ngày một lần. Ở bệnh nhân không đáp ứng với điều trị đơn độc thì nên điều trị phối hợp.

Ðiều trị phối hợp:

  • Điều trị phối hợp với sulphonylurea: Có thể bắt đầu với liều pioglitazone 15mg hoặc 30mg/ngày/một lần khi phối hợp với sulphonylurea. Liều sulphonylurea đang dùng thì có thể tiếp tục khi bắt đầu điều trị với pioglitazone. Nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết thì cần giảm liều sulphonylurea.
  • Điều trị phối hợp với metformin: Có thể bắt đầu với liều pioglitazone là 15mg hoặc 30mg/ngày/lần khi phối hợp với metformin. Liều metformin đang dùng vẫn có thể tiếp tục khi bắt đầu điều trị với pioglitazone.
  • Điều trị phối hợp với insulin: Liều pioglitazone có thể bắt đầu là15mg - 30mg ngày một lần khi phối hợp với insulin và liều insulin đang dùng có thể tiếp tục khi bắt đầu điều trị với pioglitazone. Ở bệnh nhân dùng pioglitazone với insulin có thể giảm liều insulin 10-25% nếu bị hạ đường huyết hoặc nồng độ glucose trong huyết tương giảm đến dưới 100mg/dL.

Lưu ý: Đây là liều dùng tham khảo, vì thế để có liều dùng thuốc phù hợp nhất thì người bệnh nên thăm khám, tư vấn ý kiến của bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn, chỉ định, kê đơn cụ thể.

4. Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Insutazone đơn độc hoặc khi phối hợp với sulphonylurea, metformin hoặc insulin có thể gây ra các tác dụng phụ như: nhức đầu, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm xoangviêm họng, đau cơ.

Có thể gây tình trạng hạ đường huyết từ nhẹ đến vừa khi phối hợp thuốc với sulphonylurea hoặc insulin. Thiếu máu có thể xảy ra khi phối hợp với sulphonylurea, metformin và insulin.

Phù nề từ nhẹ đến vừa đã được ghi nhận ở bệnh nhân dùng điều trị liều đơn độc hay điều trị phối hợp.

5. Tương tác thuốc

  • Pioglitazone có thể tương tác với các loại thuốc khác và tương tác này có thể là hiệp đồng hay đối kháng nhưng đều ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc đang dùng.
  • Sử dụng pioglitazone với thuốc uống tránh thai sẽ làm giảm tác dụng tránh thai.
  • Dùng đồng thời pioglitazone với digoxin, glipizide, metformine hay warfarin trong 7 ngày sẽ không làm thay đổi dược động học của những loại thuốc này. Ngoài ra, pioglitazone không có tác dụng lâm sàng trên thời gian prothrombin khi dùng ở bệnh nhân điều trị warfarin lâu dài.
  • CYP3A4 và dạng đồng đẳng cytochrome P450 phần nào đóng vai trò trong chuyển hoá pioglitazone.

Để tránh tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả sử dụng các loại thuốc thì người bệnh nên báo cho bác sĩ biết danh sách về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng. Để từ đó bác sĩ nắm được tình hình cụ thể nhằm tư vấn, chỉ định hoặc thay đổi liều lượng, loại thuốc khác phù hợp hơn.

6. Lưu ý và thận trọng

Khi sử dụng Insutazone để đảm bảo an toàn và đạt được kết quả tốt nhất thì người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng cách, đúng liều lượng được bác sĩ chỉ định, kê đơn và tư vấn. Tuyệt đối không được tùy tiện thay đổi liều lượng hoặc bỏ dỡ liệu trình dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
  • Không nên bắt đầu điều trị với pioglitazone nếu bệnh nhân mắc bệnh gan, tăng men gan. Vì thế nên thử nghiệm chức năng gan, kiểm tra men gan trước khi dùng thuốc.
  • Pioglitazone có tác dụng hạ đường huyết khi có sự hiện diện của insulin, do đó không nên dùng pioglitazone ở bệnh nhân bị tiểu đường type 1 hoặc khi điều trị nhiễm acid ceton do tiểu đường.
  • Bệnh nhân dùng pioglitazone với insulin hoặc các thuốc hạ đường huyết thì có thể có nguy cơ hạ đường huyết và cần phải giảm liều thuốc dùng chung.
  • Ðiều trị với pioglitazone có thể dẫn đến phóng noãn ở phụ nữ không phóng noãn tiền mãn kinh làm tăng nguy cơ mang thai ở những bệnh nhân này khi dùng pioglitazone.
  • Đối với phụ nữ mang thai chỉ dùng thuốc Insutazone khi thật sự cần thiết và cần cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ đối với cả thai phụ và thai nhi.
  • Thuốc có thể được bài tiết trong sữa mẹ, vì thế đối với phụ nữ đang cho con bú không nên dùng.

7. Quên liều, quá liều

Quên liều: Thuốc được dùng 1 ngày 1 lần nên nếu bạn quên dùng 1 liều thì có thể uống ngay trong ngày khi nhớ ra. Còn nếu bạn quên uống thuốc trong 1 ngày thì tuyệt đối không được uống liều gấp đôi trong ngày kế tiếp để tránh gia tăng tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Quá liều: Thuốc Insutazone thường ít xảy ra tình trạng quá liều, tuy nhiên nếu có những triệu chứng nghi ngờ quá liều hay có những bất thường khác sau khi dùng thuốc thì hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn cách xử trí an toàn. Còn trong trường hợp khẩn cấp thì đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần đó để được cấp cứu kịp thời.

8. Cách bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo và thoáng mát có nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh nắng mặt trời, tránh ẩm và tránh tầm với của trẻ em cũng như các vật nuôi trong nhà.
  • Đối với thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc không còn dùng nữa thì không nên vứt, xả thuốc dưới vòi nước sinh hoạt hoặc vào toilet mà hãy thu gom và xử lý rác thải an toàn, đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ, nhà sản xuất hoặc công ty xử lý rác thải ở địa phương.

Những thông tin về thuốc Insutazone được cung cấp ở trên chỉ mang tính tham khảo mà không hề nhằm mục đích chẩn đoán hay điều trị bệnh chuyên sâu. Vì thế, người bệnh tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa thăm khám và chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

18 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan