Công dụng thuốc Matever

Thuốc Matever là thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị động kinh và các triệu chứng liên quan. Thuốc được chỉ định dùng cho người lớn và thanh thiếu niên >16 tuổi. Thuốc Matever được nghiên cứu phát triển và sản xuất bởi công ty Pharmathen S.A – Hy Lạp.

1. Thuốc Matever là thuốc gì?

Thuốc Matever là thuốc thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần. Thuốc Matever được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần chính là Levetiracetam, hàm lượng 500mg. Thuốc được sản xuất bởi Pharmathen S.A - HY LẠP và lưu hành trên thị trường dưới số đăng ký VN-19824-16.

2. Thuốc Matever công dụng là gì?

Điều trị đơn liều Levetiracetam thường được chỉ định dùng cho người lớn và thanh thiếu niên trên 16 tuổi bị động kinh vừa được chẩn đoán. Levetiracetam được dùng trong điều trị động kinh cục bộ tiên phát (nguyên phát) có hoặc không có toàn thể hóa thứ phát.

Thuốc Matever có thể dùng với các thuốc chống động kinh khác như một liệu pháp điều trị bổ sung trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Co giật cục bộ tiên phát (nguyên phát) có hoặc không có toàn thể hóa thứ phát ở bệnh nhân là người lớn, thanh thiếu niên, trẻ em và trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi.
  • Co giật cơ ở người lớn và thanh thiếu niên > 12 tuổi với tình trạng động kinh giật cơ thiếu niên.
  • Co cứng - co giật toàn thể nguyên phát ở người lớn và thanh thiếu niên > 12 tuổi bị bệnh động kinh toàn thể hóa tự phát.

3. Liều lượng - Cách dùng của thuốc Matever

  • Dùng thuốc Matever theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Liều thuốc Matever thường dùng như sau: Uống thuốc Matever 2 lần 1 ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối tại cùng một thời điểm mỗi ngày.
  • Uống thuốc Matever với lượng chất lỏng vừa đủ (1 ly nước), có thể uống thuốc cùng bữa ăn hoặc không tuy nhiên vì lý do an toàn, không uống thuốc Matever cùng với rượu.
  • Thời gian điều trị thuốc Matever: Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh mãn tính do đó bác sĩ là người sẽ quyết định khoảng thời gian dùng thuốc.
  • Bệnh nhân không được tự ý ngừng sử dụng thuốc Matever do chỉ có bác sĩ mới được quyết định việc dùng thuốc giảm dần.

4. Chống chỉ định của thuốc Matever

Chống chỉ định của thuốc Matever với bất kỳ người nào bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Matever.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Matever

Thận trọng khi sử dụng thuốc Matever trong những trường hợp sau đây:

  • Không sử dụng thuốc Matever cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú.
  • Dạng thuốc Matever viên không thích hợp cho việc sử dụng ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Thuốc Matever có thể làm giảm khả năng lái xe hay vận hành máy móc.
  • Chú ý khi ngưng sử dụng thuốc: Nếu phải ngừng sử dụng thuốc Matever, khuyến khích việc giảm liều dần dần trước khi dừng hẳn (ví dụ như ở người lớn và thanh thiếu niên có trọng lượng trên 50kg sử dụng thuốc Matever 500 mg hai lần mỗi ngày sẽ giảm liều mỗi 2-4 tuần; ở trẻ em và thanh thiếu niên có trọng lượng ít hơn 50kg: Liều thuốc Matever giảm không được vượt quá 10 mg/kg ngày hai lần, giảm liều mỗi hai tuần).
  • Thận trọng trước nguy cơ xuất hiện ý định và hành động tự tử: Ý định tự tử và hành vi tự tử đã được báo cáo bệnh nhân điều trị với các thuốc chống động kinh (bao gồm cả levetiracetam) Do đó bệnh nhân sử dụng thuốc Matever cần được theo dõi các dấu hiệu của bệnh trầm cảm và/hoặc ý tưởng, hành vi tự tử. Bệnh nhân (và người chăm sóc) nên được tư vấn để biết các dấu hiệu trầm cảm và/hoặc ý tưởng hoặc hành vi tự tử.

6. Tác dụng phụ của thuốc Matever 500mg

6.1. Các nghiên cứu liên quan đến tác dụng phụ của Levetiracetam

  • Tác dụng không mong muốn của thuốc Matever chủ yếu được báo cáo gồm buồn ngủ, suy nhược và choáng váng. Trong phân tích về tính an toàn, người ta chưa thấy có sự liên quan giữa tác dụng phụ và liều - đáp ứng, nhưng tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng không mong muốn có liên quan đến hệ thần kinh trung ương sẽ có xu hướng giảm theo thời gian.
  • Trong nghiên cứu đơn trị liệu, tỷ lệ xuất hiện tác dụng không mong muốn do thuốc Matever là 49,8%, thường gặp nhất là mệt mỏi và buồn ngủ.
  • Nghiên cứu trên bệnh nhân nhi khoa (4 -16 tuổi) bị động kinh khởi phát cục bộ đã thấy rằng tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ là 55,4% và 40,2% ở nhóm điều trị Levetiracetam và placebo (giả dược). Các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là buồn ngủ, hành vi thù địch, sợ hãi, không ổn định cảm xúc, kích động, chán ăn, suy nhược, đau đầu ở bệnh nhân nhi. Như vậy, tính an toàn của hoạt chất Levetiracetam trên bệnh nhi và người lớn là như nhau ngoại trừ các tác dụng phụ về hành vi và tâm lý thường xuất hiện trên bệnh nhi nhiều hơn so với người lớn (38,6% so với 18,6%).
  • Nghiên cứu khảo sát trên người lớn và vị thành niên bị động kinh rung giật cơ (12 - 65 tuổi) đã chỉ ra tỷ lệ các tác dụng phụ ở nhóm điều trị Levetiracetam và placebo tương ứng là 33,3% và 30%, thường gặp nhất là đau đầu và buồn ngủ.
  • Tỷ lệ tác dụng không mong muốn do Levetiracetam gây ra ở bệnh nhân động kinh rung giật thì cơ thấp hơn so với động kinh khởi phát cục bộ (33,3% va 46,4%).

6.2. Các rối loạn chung và tình trạng tại chỗ có thể xảy ra khi dùng thuốc Levetiracetam

  • Rất thường gặp: suy nhược/mệt mỏi, buồn ngủ
  • Hay gặp: mất trí nhớ, mất điều hòa, co giật, choáng váng, đau đầu, run, rối loạn thăng bằng, giảm tập trung, suy giảm trí nhớ, kích động, trầm cảm, không ổn định tình cảm, xuất hiện hành vi thù địch, mất ngủ, sợ hãi, rối loạn tính cách, có những suy nghĩ không bình thường, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn, viêm tụy, suy gan, viêm gan, bất thường trong thử nghiệm chức năng gan, chán ăn, tăng cân, song thị, mờ mắt, đau cơ, chấn thương do tai nạn, nhiễm khuẩn, viêm mũi họng, ho nhiều, nổi mẩn, eczema, ngứa, giảm tiểu cầu.

7. Quá liều thuốc Matever và cách xử trí

  • Triệu chứng quá liều thuốc Matever: Buồn ngủ, kích động, hung hăng, trầm cảm, suy hô hấp, hôn mê đã được quan sát và ghi nhân với viên nén Matever 500mg.
  • Cách xử trí quá liều thuốc Matever: Sau khi dùng quá liều thuốc Matever cấp tinh, có thể làm rỗng dạ dày bằng cách rửa dạ dày hoặc gây nôn. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho hoạt chất levetiracetam. Việc điều trị quá liều thuốc Matever có thể bao gồm phương pháp chạy thận nhân tạo.

Tóm lại, thuốc Matever là thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị động kinh và các triệu chứng liên quan. Thuốc được chỉ định dùng cho người lớn và thanh thiếu niên >16 tuổi. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

570 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan