Công dụng thuốc Methionin

Methionin thường được dùng trong điều trị quá liều Paracetamol. Tuân thủ chỉ định, liều dùng của thuốc Methionin sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

1. Methionin là thuốc gì?

Methionin là dược phẩm do Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Y tế Domesco, Việt Nam sản xuất. Methionin thuộc nhóm thuốc cấp cứu và giải độc với thành phần chính là Methionine hàm lượng 250mg cùng các tá dược khác. Thuốc chủ yếu được dùng để điều trị tình trạng quá liều Paracetamol, từ đó phòng ngừa tổn thương gan khi không có Acetylcysteine.

Thuốc Methionin 250mg được bào chế dưới dạng viên nén và đóng gói hộp 1 chai x 150 viên.

2. Công dụng thuốc Methionin

Tác dụng thành phần thuốc:

  • Methionine là một acid amin thiết yếu được tìm thấy trong thành phần của chế độ ăn và công thức của các chế phẩm đa acid để nuôi dưỡng.
  • Methionin có tác dụng tăng cường tổng hợp Glutathione và nó được sử dụng thay thế cho Acetylcysteine nhằm điều trị quá liều Paracetamol đề phòng tổn thương gan.
  • Ngoài ra, Methionine còn được dùng theo đường uống để làm giảm nồng độ pH trong nước tiểu, điều trị các rối loạn chức năng gan (hay có thể nói Methionin là thuốc bổ gan).
  • Bên cạnh đó, Methionine còn có tác dụng cải thiện làm lành vết thương, chữa chứng nghiện rượu, trầm cảm, hen suyễn, dị ứng, tâm thần phân liệt...

Thuốc Methionin chủ yếu được dùng để điều trị trong các trường hợp sau đây:

  • Tình trạng quá liều Paracetamol khi không có Acetylcystein.
  • Ngoài ra, thuốc còn dùng để toan hóa nước tiểu.
  • Điều trị viêm gan do nhiễm độc, nhiễm độc thai nghén.
  • Trị các chứng thiếu máu, các chứng ban, xơ gan, viêm gan do virus, các chứng vàng da.

Thuốc Methionin 250mg được khuyến cáo chống chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Người bị ứng với Methionine hoặc một trong các thành phần khác của thuốc.
  • Người bệnh bị nhiễm toan.
  • Tổn thương gan nặng.

3. Cách sử dụng, liều dùng thuốc Methionin

Công dụng thuốc Methionin 250mg sẽ phát huy được hết hiệu quả nếu được dùng đúng cách và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Dưới đây là cách sử dụng và liều dùng mà người bệnh có thể tham khảo.

Cách dùng:

  • Thuốc Methionin 250mg được bào chế dưới dạng viên nén nên được dùng theo đường uống. Người bệnh cần uống thuốc trong hoặc khi đã ăn no để tránh gây kích ứng cho dạ dày.
  • Người bệnh có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ để được tư vấn về cách dùng tốt nhất và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất được in trên bao bì thuốc.

Liều dùng thuốc tham khảo cho từng mục đích, đối tượng như sau:

  • Điều trị quá liều Paracetamol: Cần điều trị chậm nhất là 10 - 12 giờ sau khi uống Paracetamol.
  • Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: Uống liều 2.5g/ lần, bắt đầu sau khi uống quá liều Paracetamol và cứ 4 giờ uống 1 lần, uống đủ 4 liều phụ thuộc vào nồng độ của Paracetamol trong huyết tương.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Liều uống 1g/ lần, bắt đầu sau khi uống quá liều Paracetamol và cách 4 giờ uống 1 lần và uống đủ 4 liều.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính tham khảo, còn liều Methionin cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ của bệnh. Vì thế, để có liều dùng phù hợp và tốt nhất thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn hoặc dược sĩ, chuyên viên y tế.

Xử lý quên liều, quá liều:

  • Trong trường hợp quên liều thì uống ngay khi nhớ ra, nhưng nếu gần với thời gian uống liều kế tiếp thì bỏ qua liều quên và dùng liều kế tiếp theo đúng kế hoạch được kê đơn.
  • Khi dùng thuốc Methionin liều cao có nguy cơ làm tăng huyết khối, còn dùng Methionin quá liều, người bệnh có thể có dấu hiệu buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích. Trường hợp quá liều thì người bệnh cần rửa dạ dày và tiến hành điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ. Trong trường hợp nguy cấp thì cần đưa bệnh nhân đến các trung tâm, cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

4. Tác dụng phụ của thuốc

Khi dùng thuốc Methionin 250mg, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như: Buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, ngủ gà và có thể gây nhiễm toan chuyển hóa hoặc nitơ huyết ở người bị suy thận.

Khi gặp các tác dụng không mong muốn của thuốc thì người bệnh nên ngưng dùng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Tương tác thuốc

Methionin có thể khiến tác dụng của Levodopa bị giảm. Vì thế cần tránh dùng Methionin liều cao ở những người đang được điều trị bằng Levodopa.

Để tránh tương tác thuốc làm giảm công dụng thuốc Methionin thì bạn nên thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng để được tư vấn dùng thuốc an toàn và hiệu quả nhất.

6. Lưu ý và thận trọng

Khi sử dụng thuốc Methionin, người bệnh cần thận trọng và chú ý một số vấn đề sau đây:

  • Thuốc chỉ được dùng theo hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Methionine cho người bị bệnh gan nặng. Bởi Methionine có thể làm cho tổn thương gan nặng thêm ở những người đã mắc bệnh suy gan.
  • Ở những người bệnh đã bị suy gan hay tổn thương gan thì Methionine có thể làm bệnh về não do gan tiến triển mạnh.
  • Không được dùng thuốc Methionin để điều trị ngộ độc Paracetamol nếu đã quá 12 giờ tính từ lúc uống quá liều.
  • Methionine có thể gây ngủ gà nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho người đang lái xe và vận hành máy móc.
  • Hiện nay vẫn chưa có dữ liệu nghiên cứu Methionine trên phụ nữ có thai và đang trong thời kỳ cho con bú. Vì thế, những đối tượng này cần phải hết sức thận trọng khi dùng Methionine.

7. Cách bảo quản

Thuốc nên được bảo quản ở nơi thoáng mát và khô ráo với nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào làm giảm công dụng thuốc Methionin. Không nên bảo quản thuốc ở nơi có độ ẩm cao như tủ lạnh hay phòng tắm. Nên để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng thuốc Methionin cũng như cách dùng, liều lượng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Methionin theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan