Công dụng thuốc Moxibact

Thuốc Moxibact có thành phần chính là hoạt chất Moxifloxacin, vốn là 1 loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolon có hoạt phổ rộng giúp diệt khuẩn hiệu quả. Moxibact thường được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như: Viêm phế quản mạn, viêm xoang cấp, viêm phổi mắc phải trong cộng đồng,...

1. Thuốc Moxibact công dụng gì?

Thuốc Moxibact có thành phần chính là Moxifloxacin và một số tá dược khác. Thuốc thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trên người lớn như:

  • Viêm xoang cấp (do Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae hoặc Moraxella catarrhalis gây ra);
  • Viêm phế quản mạn (do Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumoniae, Haemophilus parainfluenzae, Staphylococcus aureus hoặc Moraxella catarrhalis gây ra);
  • Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng (do Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae hoặc Moraxella catarrhalis gây ra);
  • Nhiễm khuẩn trên da và cấu trúc da không biến chứng.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Moxibact

Thuốc Moxibact nên được sử dụng theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là liều dùng và cách dùng chỉ mang tính chất gợi ý, tham khảo:

2.1. Dùng thuốc Moxibact dạng tiêm truyền

Đối với dạng dung dịch truyền, liều dùng Moxibact được khuyến cáo là truyền 400mg/ 250ml mỗi ngày, tương ứng với 1 chai/ ngày. Đối với bệnh nhân mắc viêm phổi cộng đồng cần điều trị liên tục với thời gian tối thiểu từ 1 - 2 tuần tùy theo đáp ứng lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

2.2. Dùng thuốc Moxibact dạng viên uống

Khi dùng dưới dạng viên uống, người bệnh uống liều 400mg/ ngày (tương đương với 1 viên). Thời gian điều trị tùy vào từng trường hợp như sau:

  • Viêm phế quản mãn tính: Điều trị bằng Moxibact trong 5 ngày;
  • Viêm xoang cấp và nhiễm khuẩn da: Điều trị trong 7 ngày;
  • Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng: Điều trị trong 10 ngày;

Cách dùng: Có thể uống thuốc Moxibact trước hoặc sau khi ăn. Nuốt nguyên viên thuốc với 1 cốc nước đun sôi để nguội, tránh nhai hay cắn nát viên thuốc.

Lưu ý:

  • Trong thời gian sử dụng thuốc Moxibact, người bệnh cần tuân thủ chỉ định liều dùng của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng hay giảm liều dùng để đẩy nhanh thời gian điều trị bệnh;
  • Trước khi ngừng dùng thuốc Moxibact cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

3. Tác dụng phụ của thuốc Moxibact

Bên cạnh tác dụng điều trị, thuốc Moxibact cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ không quá nghiêm trọng như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, tiêu chảy;
  • Chóng mặt nhức đầu;
  • Nôn nao, nôn mửa;
  • Có xét nghiệm chức năng gan bất thường;
  • Rối loạn vị giác: Khó tiêu, khô miệng.

Các tác dụng phụ ít gặp hơn bao gồm: đau nhức, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, nhiễm nấm Candida, đau tức ngực, đau chân, phản ứng dị ứng.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Moxibact, nếu nhận thấy bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ do dùng thuốc này thì người bệnh nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn, giải đáp càng sớm càng tốt.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Moxibact

Chống chỉ định dùng thuốc Moxibact cho các trường hợp:

  • Quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc (đặc biệt là Moxifloxacin);
  • Quá mẫn với các thuốc nhóm Quinolon khác;
  • Trẻ em, thanh thiếu niên đang độ tuổi tăng trưởng (do thuốc Moxibact có thể gây thoái hóa sụn ở khớp chịu trọng lực);
  • Phụ nữ có thai và cho con bú;
  • Bệnh nhân có khoảng QT kéo dài, đang sử dụng thuốc chống loạn nhịp nhóm IA (Procainamid, Quinidin) hoặc nhóm III ( Sotalol, Amiodaron).

Thận trọng khi dùng thuốc Moxibact cho các đối tượng:

  • Bệnh nhân suy gan nặng, suy thận nặng, suy giảm chức năng gan thận;
  • Bệnh nhân đã hay đang nghi ngờ có bệnh thần kinh trung ương có thể khởi phát cơn động kinh;
  • Bệnh nhân đang bị tiêu chảy (do nguy cơ gây viêm đại tràng giả mạc);
  • Bệnh nhân lớn tuổi hoặc đang dùng Corticosteroid (do nguy cơ viêm gân hay đứt gân);

5. Tương tác của thuốc Moxibact

Khi vào cơ thể, thuốc Moxibact 400 có thể sinh phản ứng tương tác với một số thuốc dùng đường uống khác như: chất khoáng, đa sinh tố, thuốc kháng axit do làm giảm hấp thu thuốc.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị, nếu thấy thuốc Moxibact có các dấu hiệu lạ như biến dạng, đổi màu, chảy nước thì tuyệt đối không nên dùng thuốc đó nữa. Thuốc Moxibact 400 nên được bảo quản ở nơi khô ráo, có độ ẩm vừa phải và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Để thuốc xa khu vực vui chơi của trẻ để tránh việc trẻ vô tình uống thuốc mà không biết.

68 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan