Công dụng thuốc Nasonex

Nasonex được bào chế dưới dạng thuốc xịt, thành phần chính là Mometason furoa. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh viêm mũi dị ứng, polyp mũi, viêm mũi xoang cấp.

1. Nasonex công dụng là gì?

Nasonex là bình xịt định liều, mỗi nhát xịt giải phóng khoảng 100mg hỗn dịch chứa Mometason furoat monohydrat tương đương 50mcg mometason furoat.

Công dụng của thuốc Nasonex gồm:

  • Điều trị triệu chứng viêm mũi theo mùa hoặc quanh năm cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ nhỏ từ 2-11 tuổi;
  • Điều trị dự phòng từ 2-4 tuần trước khi bắt đầu mùa phấn hoa với người có tiền sử viêm mũi dị ứng theo mùa với triệu chứng trung bình đến nặng;
  • Điều trị polyp mũi và các triệu chứng liên quan như sung huyết và mất mùi ở bệnh nhân người lớn ≥ 18 tuổi;
  • Điều trị các triệu chứng liên quan đến viêm mũi xoang cấp ở bệnh nhân ≥ 12 tuổi mà không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm khuẩn nặng;
  • Hỗ trợ điều trị với kháng sinh trong đợt viêm xoang cấp ở người lớn và thanh thiếu niên ≥ 12 tuổi.

2. Liều dùng thuốc Nasonex

Liều dùng Nasonex được phân theo loại bệnh và độ tuổi gồm:

  • Người lớn viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm: 2 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) cho mỗi bên mũi, 1 lần/ngày (tổng liều 200mcg). Khi đã kiểm soát được triệu chứng thì giảm xuống liều duy trì 1 nhát xịt cho mỗi bên mũi (tổng liều 100mcg). Ngược lại, nếu triệu chứng không cải thiện thì tăng liều tối đa mỗi ngày là 4 nhát xịt cho mỗi bên mũi/ngày (tổng liều 400mcg), sau đó giảm liều dần. Tác dụng thuốc thường phát huy sớm, sau 12 giờ dùng liều đầu tiên.
  • Trẻ từ 2 đến 11 tuổi viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm: 1 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) cho mỗi bên mũi, 1 lần/ngày (tổng liều 100mcg), người lớn nên giúp trẻ khi dùng thuốc.
  • Người lớn polyp mũi: 2 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) cho mỗi bên mũi x 2 lần/ngày (tổng liều 400mcg), giảm liều xuống 2 nhát xịt cho mỗi bên mũi, 1 lần/ngày (tổng liều 200mcg) khi triệu chứng đã được cải thiện.
  • Người lớn và trẻ ≥ 12 tuổi viêm mũi xoang cấp: 2 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) cho mỗi bên mũi x 2 lần/ngày (tổng liều 400mcg), tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu triệu chứng xấu đi trong thời gian điều trị.
  • Điều trị hỗ trợ cho người lớn và trẻ ≥ 12 tuổi trong các đợt viêm xoang cấp: 2 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) mỗi bên mũi 2 lần/ngày (tổng liều 400mcg). Có thể tăng đến 4 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) cho mỗi bên mũi x 2 lần/ngày (tổng liều 800mcg) nếu triệu chứng không được cải thiện tốt.

3. Cách dùng thuốc Nasonex

Trước lần dùng đầu tiên, cần xịt 10 nhát cho đến khi thấy phun sương đồng nhất. Nếu không sử dụng trong vòng 14 ngày cũng nên bơm mồi 2 nhát cho đến khi thấy phun sương đồng nhất rồi mới xịt vào mũi. Bình xịt cần được lắc kỹ trước mỗi lần sử dụng.

Để đảm bảo xịt đúng cách và hạn chế tối đa nhiễm khuẩn, bạn nên làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Xì mũi nhẹ để làm sạch mũi, lắc nhẹ chai thuốc, tháo nắp chống bụi ra;
  • Bước 2: Đặt ngón trỏ và ngón giữa vào hai bên vòi xịt, ngón cái vào thân chai thuốc, hướng vòi xịt ra xa, ấn ngón tay xuống để xịt thuốc;
  • Bước 3: Bịt một bên lỗ mũi và đưa vòi xịt vào lỗ mũi bên kia. Hơi nghiêng đầu về phía trước, giữ chai thuốc thẳng đứng. Bắt đầu hít vào nhẹ nhàng, trong khi hít vào thì xịt thuốc bằng cách dùng các ngón tay ấn dứt khoát một xịt;
  • Bước 4: Thở ra qua miệng, lặp lại bước 3 cho lần xịt thứ 2, rút vòi xịt ra khỏi lỗ mũi và thở ra qua miệng;
  • Bước 5: Lặp lại bước 3-4 cho lỗ mũi bên kia;
  • Bước 6: Lau vòi xịt cẩn thận bằng khăn tay hoặc khăn giấy sạch;
  • Bước 7: Đậy nắp chống bụi lại, vệ sinh bình xịt.

4. Chống chỉ định thuốc Nasonex

  • Nasonex được chống chỉ định ở người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người đang có nhiễm khuẩn khu trú tại niêm mạc mũi chưa được điều trị.
  • Không dùng cho người phẫu thuật mũi hoặc chấn thương mũi vì làm chậm quá trình lành vết thương.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Nasonex

Một số lưu ý khi dùng thuốc Nasonex gồm:

  • Người sử dụng Nasonex kéo dài nên được kiểm tra định kỳ các thay đổi có thể xuất hiện tại niêm mạc mũi. Nếu bị nhiễm nấm khu trú ở mũi và hầu họng thì cần ngưng thuốc và điều trị thích hợp. Nếu bị kích thích mũi-hầu kéo dài sau khi xịt cũng cần ngừng thuốc;
  • Thận trọng khi dùng cho người bị lao phổi, nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus toàn thân chưa được điều trị hoặc herpes simplex ở mắt;
  • Thận trọng ở những bệnh nhân chuyển từ sử dụng kéo dài corticosteroid toàn thân sang Nasonex. Việc ngừng sử dụng corticosteroid toàn thân ở những bệnh nhân này có thể gây suy thượng thận trong nhiều tháng cho đến khi chức năng trục HPA phục hồi;
  • Các nghiên cứu không quan sát thấy giảm tăng trưởng ở bệnh nhi dùng Nasonex Aqueous Nasal Spray 100mcg/ngày trong 1 năm;
  • Chưa kiểm chứng được độ an toàn của Nasonex khi điều trị polyp mũi ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi;
  • Người dùng corticosteroid ức chế miễn dịch mạnh nên được cảnh báo nguy cơ khi tiếp xúc với một vài nhiễm khuẩn như thủy đậu, sởi;
  • Nguy cơ thủng vách ngăn hoặc tăng áp lực nội nhãn sau khi sử dụng corticosteroid xịt rất hiếm khi xảy ra;
  • Trong thời gian điều trị nếu có triệu chứng nhiễm khuẩn nặng như sốt, đau nhiều và kéo dài một bên mặt/răng hoặc sưng mặt, mắt hoặc vùng quanh mắt, hoặc các triệu chứng xấu đi sau một thời gian cải thiện.

6. Tác dụng phụ thuốc Nasonex

Tác dụng phụ của Nasonex bao gồm:

  • Tác dụng phụ khi điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm: Các báo cáo lâm sàng ở bệnh nhân người lớn và thanh thiếu niên bao gồm đau đầu (8%), chảy máu cam (8%), viêm hầu họng (4%), nóng rát mũi (2%), kích thích mũi (2%), và loét mũi (1%). Ở bệnh nhi, đau đầu (3%), chảy máu cam (6%), kích thích mũi (2%) và hắt hơi (2%) là những tác dụng phụ có thể gặp phải. Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng quá mẫn như co thắt phế quản, khó thở, phù mạch và các báo cáo về thay đổi vị giác, khứu giác khi dùng Nasonex.
  • Tác dụng phụ khi điều trị Polyp mũi, viêm mũi xoang cấp: Tương tự tác dụng phụ với viêm mũi dị ứng.
  • Điều trị hỗ trợ trong các đợt viêm xoang cấp: Tác dụng phụ bao gồm đau đầu (2%), viêm hầu họng (1%), nóng rát mũi (1%), kích thích mũi (1%), chảy máu cam từ nhẹ đến nặng và cũng xuất hiện (5%).

7. Tương tác thuốc

Loratadin: Không làm ảnh hưởng đến nồng độ và các chất chuyển hóa chính của thuốc, điều trị kết hợp dung nạp tốt. Phương pháp định lượng với giới hạn định lượng 50pg/ml không dự đoán được nồng độ Mometason furoat huyết tương.

8. Quá liều thuốc Nasonex

Độ sinh khả dụng của Nasonex < 1% nên quá liều thường không yêu cầu điều trị mà chỉ cần theo dõi, điều chỉnh lại liều lượng thích hợp.

Bài viết cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Nasonex. Để dùng thuốc Nasonex hiệu quả, người bệnh cần tham khảo và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan