Công dụng thuốc Nootropil

Piracetam là một hoạt chất hay được sử dụng cho những trường hợp tổn thương não bộ. Hiện nay có nhiều sản phẩm có chứa hoạt chất này, một trong số đó là thuốc Nootropil hàm lượng 800mg.

1. Nootropyl 800mg là thuốc gì?

Thuốc Nootropil có thành phần là Piracetam hàm lượng 800mg và hệ thống các tá dược bao gồm: Polyethylene glycol 6000, Colloidal anhydrous silica, Magnesium stearate, Sodium croscarmellose, Hydroxypropylmethylcellulose, Titanium dioxide (E171), Polyethylene glycol 400. Nootropil được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Hoạt chất Piracetam trong thuốc Nootropil theo các dữ liệu có sẵn có tác dụng không chuyên biệt trên cả tế bào lẫn cơ quan. Hoạt chất này gắn kết với phospholipid trong mô hình màng tế bào theo kiểu phụ thuộc liều, từ đó tạo nên sự phục hồi cấu trúc phiến mỏng của màng tế bào thông qua phức hợp thuốc-phospholipid linh động. Tác dụng này cải thiện sự ổn định cho màng tế bào, đồng thời cho phép protein màng hay các protein xuyên màng duy trì việc thực hiện chức năng của chúng. Hoạt chất Piracetam tác dụng lên cả hệ thần kinh và mạch máu.

  • Tác dụng lên hệ thần kinh của Piracetam tại màng tế bào thông qua nhiều cách thức khác nhau. Ở người, hoạt chất Piracetam trong Nootropil mang lại tác dụng cải thiện khả năng nhận thức, bao gồm học hỏi, trí nhớ, sự chú ý và tỉnh táo ở tất cả người dùng, kết hợp với ưu điểm không gây hướng thần hoặc an thần. Nootropil còn có khả năng bảo vệ và phục hồi sự nhận thức ở cả động vật và người sau các tổn thương tế bào não khác nhau (bao gồm tình trạng giảm oxy máu, ngộ độc hay trị liệu xung động điện);
  • Tác dụng lên mạch máu: Piracetam tác động lên cả tiểu cầu, hồng cầu và thành mạch, cụ thể là tăng tính biến dạng của hồng cầu, giảm kết tập tiểu cầu, giảm kết dính hồng cầu vào thành mạch và hạn chế có các mao mạch nhỏ;
  • Tác dụng trên hồng cầu: Người bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm sử dụng Nootropil có thể cải thiện tính biến dạng màng tế bào hồng cầu, giảm độ nhớt máu và phòng ngừa sự hình thành các đám hồng cầu;
  • Tác dụng trên tiểu cầu: Theo các nghiên cứu, Piracetam có thể làm giảm chức năng tiểu cầu phụ thuộc liều dùng so với các trị số trước khi điều trị mà không làm thay đổi đáng kể số lượng tiểu cẩu;
  • Tác dụng lên các yếu tố đông máu: Tình nguyện khỏe mạnh tham gia nghiên cứu ở liều Piracetam 9.6g nhận thấy hiện tượng giảm nồng độ fibrinogen, các yếu tố von Willebrand trong huyết tương đến 30-40%, do đó làm tăng thời gian chảy máu so với bình thường.

2. Chỉ định của thuốc Nootropil

2.1. Chỉ định của thuốc Nootropil cho người lớn

  • Điều trị triệu chứng của hội chứng tâm thần - thực thể: điều trị mất trí nhớ, rối loạn chú ý và thiếu động lực;
  • Đơn trị liệu thuốc Nootropil hoặc phối hợp trong chứng rung giật cơ do nguyên nhân vỏ não;
  • Thuốc Nootropil điều trị chóng mặt và các rối loạn thăng bằng đi kèm, ngoại trừ choáng váng có nguồn gốc do vận mạch hoặc tâm thần.
  • Phòng ngừa và giảm đợt cấp nghẽn mạch ở chứng hồng cầu hình liềm.

2.2. Chỉ định của thuốc Nootropil cho trẻ em

  • Thuốc Nootropil điều trị chứng khó đọc, kết hợp với các biện pháp thích hợp như liệu pháp dạy nói;
  • Phòng ngừa và giảm các đợt cấp nghẽn mạch ở chứng hồng cầu hình liềm.

3. Liều dùng của thuốc Nootropil

Piracetam có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn, uống thuốc Nootropil cùng với nước.

3.1. Liều dùng của thuốc Nootropil ở người lớn

  • Điều trị các triệu chứng của hội chứng tâm thần - thực thể: Liều dùng của thuốc Nootropil hàng ngày được khuyến cáo: 2.4-4.8g, chia làm 2 - 3 lần;
  • Điều trị rung giật cơ có nguồn gốc từ vỏ não: Liều Nootropil khởi đầu là 7.2g, sau đó tăng 4.8g mỗi 3 - 4 ngày, liều tối đa là 20g/ngày, chia 2 - 3 lần uống. Các thuốc điều trị rung giật cơ khác nên duy trì ở liều lượng hiện tại;
  • Điều trị chóng mặt: Liều Nootropil khuyến cáo là 2.4-4.8g/ngày, chia làm 2 - 3 lần;
  • Phòng ngừa và điều trị đợt cấp nghẽn mạch trong bệnh hồng cầu hình liềm: Liều phòng ngừa đợt cấp của Nootropil là 160 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần uống. Liều khuyến cáo của Nootropil để điều trị đợt cấp là 300mg/kg/ngày, chia làm 4 lần đường tiêm tĩnh mạch. Liều Nootropil trong phòng ngừa đợt cấp của bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm nên được duy trì vĩnh viễn, việc dùng ít hơn 160 mg/kg/ngày hoặc uống thuốc không đều có thể làm tái phát cơn cấp tính.

3.2. Liều dùng thuốc Nootropil cho trẻ em

  • Điều trị chứng khó đọc: Liều Nootropil khuyến cáo cho trẻ trên 8 tuổi và thanh thiếu niên là 3.2g/ngày, tương đương 2 viên hàm lượng 800mg uống vào buổi sáng và buổi tối;
  • Phòng ngừa và điều trị các đợt cấp nghẽn mạch trong bệnh hồng cầu hình liềm: Trẻ 3 tuổi trở lên có thể phòng ngừa đợt cấp với liều Nootropil 160 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần. Khi cần điều trị đợt cấp, trẻ có thể dùng liều 300mg/kg/ngày đường tĩnh mạch, chia 4 lần trong ngày. Hoạt chất Piracetam chỉ được dùng ở một số ít trường hợp trẻ 1 - 3 tuổi.

3.3. Liều dùng thuốc Nootropil ở một số đối tượng đặc biệt

  • Người cao tuổi chỉ chỉnh liều Nootropil khi có kèm theo tổn thương chức năng thận. Do đó, khi có chỉ định sử dụng kéo dài, bệnh nhân là người cao tuổi cần được thường xuyên đánh giá hệ số thanh thải creatinin để chỉnh liều cho phù hợp;
  • Bệnh nhân suy thận: Chống chỉ định thuốc Nootropil cho người suy thận nặng với độ thanh thải creatinin dưới 20ml/phút;
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần chỉnh liều Nootropil;

4. Chống chỉ định của thuốc Nootropil

  • Tiền sự xác định quá mẫn hay dị ứng với hoạt chất Piracetam, các dẫn xuất của pyrrolidone hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc Nootropil;
  • Bệnh thận giai đoạn cuối, độ thanh thải creatinin dưới 20ml/phút;
  • Xuất huyết não;
  • Chống chỉ định tương đối ở người mắc chứng múa giật Huntington (Huntington's Chorea).

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Nootropil

5.1. Tác động trên sự kết tập tiểu cầu

  • Do Nootropil có thể chống kết tập tiểu cầu nên cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân xuất huyết nặng, nguy cơ chảy máu cao, rối loạn đông máu tiềm tàng, người có tiền sử xuất huyết não, bệnh nhân chuẩn bị bước vào phẫu thuật lớn (bao gồm cả phẫu thuật nha khoa) và người đang sử dụng thuốc kháng đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu (bao gồm Aspirin liều thấp);
  • Nootropil thải trừ qua thận, do đó thận trọng khi sử dụng cho người suy chức năng thận;
  • Tránh ngưng thuốc Nootropil một cách đột ngột vì nguy cơ xảy ra cơn động kinh giật cơ hoặc co giật toàn thể, đặc biệt ở một số người mắc chứng giật cơ từ trước;
  • Lưu ý liên quan đến thành phần tá dược: Thuốc Nootropil bao gồm khoảng 2 mmol (tương đương khoảng 46mg) Natri cho mỗi 24g Piracetam, vì vậy cần cân nhắc khi sử dụng cho người bệnh có yêu cầu hạn chế natri đưa vào cơ thể;
  • Các tác dụng bất lợi khi dùng thuốc Nootropil có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, do đó người bệnh nên đặc biệt lưu ý vấn đề này;
  • Không nên chỉ định thuốc Nootropil cho phụ nữ mang thai trừ trường hợp thật sự cần thiết khi lợi ích điều trị vượt trội so với nguy cơ ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi;
  • Phụ nữ không nên sử dụng thuốc Nootropil khi đang cho con bú hoặc có thể ngừng cho con bú trong thời gian điều trị bằng thuốc Nootropil. Người bệnh nên đánh giá lợi ích giữa việc bú sữa mẹ đối với trẻ và hiệu quả điều trị đối với mẹ trước khi quyết định có nên ngưng cho con bú hay không sử dụng thuốc Nootropil.

6. Tác dụng phụ của thuốc Nootropil

  • Rối loạn đông cầm máu;
  • Phản ứng dạng phản vệ hay hiện tượng quá mẫn;
  • Cảm giác bồn chồn, lo lắng, kích động, lú lẫn, ảo giác;
  • Trầm cảm;
  • Chứng tăng động;
  • Buồn ngủ;
  • Mất điều hòa vận động, rối loạn thăng bằng, động kinh, đau đầu;
  • Chóng mặt;
  • Đau bụng thượng vị, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói;
  • Phù mạch, viêm da, ngứa, nổi mề đay;
  • Suy nhược;
  • Tăng cân.

7. Khả năng tương tác của Nootropil với các thuốc khác

Tương tác dược động học:

  • Tương tác thuốc dẫn đến những thay đổi về dược động học của Nootropil được dự đoán ở mức thấp vì khoảng 90% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu ở dạng không đổi;
  • Các nghiên cứu cho thấy Nootropil không gây ức chế các dạng đồng phân của cytochrome P450. Ở nồng độ 1422mg/ml, quan sát thấy tác động ức chế nhẹ lên CYP2A6 (21%) và 3A4/5 (11%) của Piracetam.

Các hormon tuyến giáp: Tình trạng thay đổi tri giác như lú lẫn, dễ kích động và rối loạn giấc ngủ đã được ghi nhận khi dùng thuốc Nootropil cùng lúc với các chiết xuất của hormone tuyến giáp.

Acenocoumarol: Nghiên cứu ở bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch tái phát mức độ nặng cho thấy, Nootropil ở liều 9.6g/ngày không ảnh hưởng đến liều Acenocoumarol cần thiết để đạt INR 2.5 đến 3.5. Tuy nhiên khi so với việc dùng Qcenocoumarol đơn độc, việc bổ sung Nootropil 9.6g/ngày làm giảm đáng kể sự kết tập tiểu cầu, phóng thích β - thromboglobulin, nồng độ fibrinogen và các yếu tố von Willebrand và thay đổi độ nhớt máu toàn phần và huyết tương.

Các thuốc chống động kinh: Sử dụng Nootropil trên 4 tuần với liều 20g/ngày không làm thay đổi nồng độ các thuốc chống động kinh trong máu, bao gồm Carbamazepine, Phenytoin, Phenobarbital, Valproate, ở bệnh nhân đang điều trị động kinh ổn định.

Rượu: Sử dụng rượu cùng lúc với thuốc Nootropil không ảnh hưởng đến nồng độ Piracetam trong máu, đồng thời nồng độ cồn không thay đổi nếu dùng một liều Piracetam 1.6g.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

166.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan