Công dụng thuốc Novator 500

Thuốc Novator 500 được chỉ định trong trường hợp quá liều sắt hay gặp chủ yếu ở bệnh nhân thiếu máu beta thalassaemia khi điều trị với deferoxamine bị chống chỉ định. Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu kỹ hơn thuốc Novator 500 công dụng gì, tác dụng phụ của thuốc.

1. Thành phần của thuốc Novator 500

Thuốc Novator 500 có thành phần chính bao gồm:

Thuốc Novator được bào chế dưới dạng viên nén.

2. Công dụng của thuốc Novator 500

Chỉ định dùng thuốc Novator 500:

  • Thuốc Novator 500 được chỉ định quá liều sắt chủ yếu ở bệnh nhân thalassaemia. Thuốc cũng được chỉ định trong trường hợp khi điều trị với deferoxamine bị chống chỉ định hoặc không đủ.

Dược lực học của thuốc Novator 500

  • Hoạt chất chính là deferiprone có công thức là (3-hydroxy-1,2-dimethylpyridin-4-one), đây là một phức chất hóa trị hai gắn kết vào sắt theo một tỉ lệ 3:1.
  • Nghiên cứu trên lâm sàng đã chứng minh rằng hoạt chất deferiprone hiệu quả trong việc đào thải sắt, một liều 25mg/ kg 3 lần/ ngày có thể ngăn ngừa tiến trình tích lũy sắt đánh giá được bằng ferritin huyết thanh đối với các bệnh nhân thalassaemia phụ thuộc truyền máu.

Dược động học thuốc Novator 500:

  • Hấp thu: Hoạt chất Deferiprone được hấp thu nhanh chóng qua đường dạ dày ruột. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh được báo cáo khi dùng Novator 500 từ 45 đến 60 phút sau đơn liều ở bệnh nhân nhịn đói. Sau 2h có thể đạt được nồng độ đỉnh trong huyết thanh ở bệnh nhân ăn no.
  • Chuyển hóa: Hoạt chất Deferiprone được chuyển hóa chủ yếu qua liên hợp với acid glucuronic.
  • Thải trừ: Ở người, hoạt chất deferiprone có trong thuốc Novator 500 được đào thải chủ yếu qua thận; 75% đến 90% liều uống vào được báo cáo phát hiện được trong nước tiểu trong 24 giờ đầu, dưới dạng hoạt chất deferiprone tự do, dạng liên hợp với acid glucuronic và phức hợp iron-deferiprone. Thời gian bán thải của thuốc novator hầu hết bệnh nhân là 2 đến 3 giờ.

3. Liều dùng thuốc Novator 500

Cách dùng: thuốc Novator 500 dùng bằng đường uống.

Liều dùng thuốc cụ thể phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Liều dùng tham khảo:

  • Điều trị bằng Novator nên được khởi đầu và duy trì bởi bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân thalassaemia vì trong suốt quá trình dùng thuốc bệnh nhân cần được theo dõi sát.
  • Novator thường được dùng đường uống ở liều khuyến cáo là: 25mg/ kg cân nặng, uống 3 lần/ ngày cho tổng liều hằng ngày 75mg/ kg cân nặng.
  • Bác sĩ phải lựa chọn hàm lượng viên thuốc phù hợp với liều dùng cho bệnh nhân, vì viên thuốc Novator 500 không phân liều được.
  • Trong quá trình dùng thuốc novator 500 phải kiểm tra nồng độ ferritin huyết thanh mỗi 2 đến 3 tháng để đánh giá hiệu quả trong việc kiểm soát lượng sắt trong cơ thể.
  • Cần điều chỉnh liều thuốc novator dựa vào đáp ứng của bệnh nhân và mục đích điều trị (duy trì hay giảm gánh nặng sắt cho cơ thể).
  • Ngừng điều trị tạm thời novator 500 nếu lượng ferritin trong huyết thanh xuống dưới 500mcg/ l.
  • Sử dụng novator 500 cho trẻ em: Dữ liệu lâm sàng của việc sử dụng novator ở trẻ em từ 6 đến 10 tuổi hạn chế và không có dữ liệu việc sử dụng thuốc này ở trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Sử dụng novator 500 cho người cao tuổi: Chính vì tính an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc cho người cao tuổi vẫn chưa được thiết lập nên cần thận trọng khi chọn liều novator cho bệnh nhân cao tuổi, thông thường nên bắt đầu liều thuốc với mức giới hạn dưới trong khoảng liều quy định, do đa số người cao tuổi thường có tần suất bị suy chức năng gan lớn hơn, thận, tim, mắc tiền sử các bệnh khác và sử dụng các thuốc khác kèm theo.

Lưu ý: Liều dùng novator trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng thuốc cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng Novator phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Hiện nay, chưa có báo cáo quá liều cấp tính đối với Novator 500. Do vậy, khi dùng quá liều thuốc bạn cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Nếu bạn quên một liều thuốc novator 500, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu liều đã quên gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua chúng và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch bác sĩ chỉ định. Lưu ý rằng bệnh nhân không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ của thuốc Novator 500

Khi sử dụng thuốc Novator bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

  • Rất thường gặp các triệu chứng: Buồn nôn, nôn, đau bụng.
  • Thường gặp: Tăng men gan, giảm bạch cầu, đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, mệt mỏi,...

Trước khi sử dụng thuốc Novator, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa tác dụng phụ.

5. Chống chỉ định dùng thuốc Novator 500

Thuốc Novator 500 chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân có dị ứng hay phản ứng quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ tá dược nào của thuốc Novator 500.
  • Chống chỉ định Novator cho bệnh nhân có tiền sử giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
  • Không dùng Novator cho phụ nữ có thai và cho con bú.

6. Tương tác thuốc novator 500

  • Tương tác giữa Novator 500 và các thuốc khác chưa được báo cáo. Tuy nhiên, do hoạt chất Deferiprone gắn kết với các cation kim loại, có khả năng tồn tại tương tác giữa thuốc Novator và các thuốc phụ thuộc cation hóa trị ba như thuốc kháng acid có gốc aluminium. Vì vậy, không nên dùng đồng thời novator và thuốc kháng acid có gốc aluminium.
  • Dựa trên báo cáo về tương tác có hại có thể xảy ra giữa novator và vitamin C. Vì vậy, người bệnh nên thận trọng khi dùng đồng thời Deferiprone và vitamin C.
  • Do không rõ cơ chế của hoạt chất Deferiprone gây ra giảm bạch cầu trung tính, bệnh nhân không nên chung với các thuốc làm giảm bạch cầu trung tính hoặc gây mất bạch cầu hạt.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Novator 500, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Novator là thuốc kê đơn do bác sĩ chuyên khoa huyết học kê đơn và giám sát quá trình dùng thuốc, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan