Công dụng thuốc Orinadol

Orinadol là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Phương Đông với thành phần chính là hoạt chất Naftidrofuryl. Vậy thuốc Orinadol có tác dụng gì và được sử dụng như thế nào?

1. Thuốc Orinadol có tác dụng gì?

Hoạt chất Naftidrofuryl trong Orinadol có 2 tác dụng hiệp lực để chống lại tình trạng thiếu máu cục bộ lan tỏa.

  • Ở cấp độ mạch máu: Naftidrofuryl là một chất đối kháng đặc hiệu với thụ thể 5-HT2 của Serotonin, qua đó chống lại hoạt động co mạch và tiền kết tập tiểu cầu của chất này;
  • Ở cấp độ tế bào: Naftidrofuryl là một chất hoạt hóa để sản sinh ra ATP, qua đó giúp tăng cường quá trình chuyển hóa của tế bào trong điều kiện thiếu máu cục bộ.

Hiệu quả của Naftidrofuryl trong các nghiên cứu lâm sàng:

  • Trong giai đoạn II của bệnh động mạch ngoại biên, Naftidrofuryl giúp gia tăng đáng kể quãng đường đi bộ trên thảm lăn khi so sánh với giả dược;
  • Trong một nghiên cứu ở những bệnh nhân đau cách hồi, kết quả cho thấy việc sử dụng Naftidrofuryl đã giúp cải thiện cả về cường độ và tần suất các cơn đau khi gắng sức, từ đó giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hằng ngày tốt hơn.

Đặc điểm dược động học của Naftidrofuryl:

  • Hấp thu: Hoạt chất trong thuốc Orinadol hấp thu nhanh tại ruột. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 2.5 giờ uống thuốc;
  • Phân bố: Tỷ lệ Naftidrofuryl gắn kết với protein huyết tương là 80%, đồng thời hoạt chất này có thể đi qua hàng rào máu não và qua được nhau thai;
  • Chuyển hoá: Naftidrofuryl chuyển hóa chủ yếu thông qua phản ứng thủy phân thành các chất chuyển hoá bất hoạt;
  • Thải trừ: 80% Naftidrofuryl bài tiết qua nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa kết hợp. Thời gian bán thải khoảng 3 đến 4 giờ.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Orinadol

Thuốc Orinadol được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị triệu chứng đau cách hồi của bệnh tắc động mạch mãn tính chi dưới giai đoạn II;
  • Điều trị chứng sa sút trí tuệ hoặc mất khả năng nhận thức (trừ bệnh lý Alzheimer);
  • Khuyến cáo hỗ trợ điều trị di chứng tai biến thiếu máu não cục bộ;
  • Hỗ trợ điều trị hội chứng Raynaud

Chống chỉ định của thuốc Orinadol:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với Naftidrofuryl hoặc bất kỳ thành phần nào khác của Orinadol;
  • Bệnh nhân được xác định có tăng oxalate niệu;

Tiền sử sỏi thận canxi tái phát.

3. Liều dùng, cách dùng thuốc Orinadol

Thuốc Orinadol bào chế dạng viên nén bao phim nên chỉ sử dụng theo đường uống. Thời điểm phù hợp để uống Orinadol là trong các bữa ăn, đồng thời người bệnh nên nuốt trọn viên thuốc với 1 cốc nước to và không được nhai hay cắn nát.

Liều dùng của thuốc Orinadol 200mg cụ thể như sau:

  • Điều trị đau cách hồi trong bệnh tắc nghẽn mãn tính động mạch chi dưới: 3 viên Orinadol chia làm 3 lần uống mỗi ngày, tương đương 600mg Naftidrofuryl oxalate;
  • Các chỉ định còn lại: 2 viên Orinadol chia làm 2 lần uống mỗi ngày, tương đương 400mg Naftidrofuryl oxalate.

Một số lưu ý về liều dùng thuốc Orinadol:

  • Điều trị đau cách hồi trong tắc động mạch chi dưới mãn tính bằng thuốc Orinadol chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng và cải thiện vừa phải khoảng cách đi bộ trong vòng 6 tháng. Do đó Orinadol chỉ nên được sử dụng như một thuốc hỗ trợ cho các liệu pháp khác để điều trị giai đoạn II của bệnh tắc động mạch ngoại biên mạn tính (bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch, tập thể dục đều đặn và ngưng hút thuốc lá);
  • Bệnh nhân cần được đánh giá đáp ứng điều trị với thuốc Orinadol sau 6 tháng, sau đó cân nhắc xem có nên tiếp tục dùng thuốc nếu bệnh nhân không có sự cải thiện;
  • Sử dụng Orinadol cho người già: Thuốc Orinadol chủ yếu chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi, do đó tuổi tác cao sẽ không ảnh hưởng đến đặc tính dược động học của Naftidrofuryl nên không cần thiết điều chỉnh liều;
  • Sử dụng Orinadol cho trẻ em: Sản phẩm này không được chỉ định ở trẻ em.

Quá liều Orinadol và cách xử trí:

  • Các trường hợp dùng quá liều Orinadol có thể gặp các biểu hiện độc tính như giảm dẫn truyền tim, lẫn lộn và co giật;
  • Điều trị quá liều Orinadol chủ yếu là rửa dạ dày, dùng than hoạt tính (khi cần thiết), theo dõi sát chức năng tim mạch và điều trị triệu chứng nếu có;
  • Bệnh nhân co giật có thể kiểm soát bằng Diazepam.

Xử trí khi quên 1 liều Orinadol:

  • Nếu quên một liều Orinadol, bệnh nhân hãy uống bù càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm nhớ ra gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và vẫn dùng liều Orinadol kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch;
  • Lưu ý: Không nên dùng gấp đôi liều Orinadol theo hướng định.

4. Tác dụng phụ của thuốc Orinadol

Trong quá trình sử dụng thuốc Orinadol, người bệnh có thể gặp những tác dụng không mong muốn như sau:

  • Các rối loạn dạ dày ruột:
    • Hiếm gặp: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói và đau thượng vị;
    • Chưa xác định tần suất:m Một vài trường hợp sử dụng Orinadol mà không uống nước trước khi đi ngủ dẫn đến viên thuốc bị kẹt ở cổ gây viêm thực quản tại chỗ;
    • Những trường hợp loét niêm mạc miệng do Orinadol cũng đã được báo cáo;
  • Rối loạn thận và tiết niệu: Sỏi thận canxi oxalat, rối loạn da và mô dưới da, phát ban;
  • Các rối loạn chức năng gan mật: Orinadol có thể gây tổn thương gan. Một số trường hợp rất nghiêm trọng gặp tác dụng tiêu tế bào gan cấp tính đã được báo cáo.

5. Tương tác thuốc của Orinadol

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được các tương tác thuốc liên quan đến Naftidrofuryl. Do đó để tránh tương tác có thể xảy ra khi sử dụng Orinadol với các thuốc khác, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về bất kỳ chế phẩm nào đang sử dụng.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Orinadol

  • Việc sử dụng thuốc Orinadol có thể dẫn đến thay đổi các thành phần trong nước tiểu và thúc đẩy sự hình thành sỏi thận dạng sỏi calcium oxalate.
  • Hàm lượng oxalate trong 1 viên thuốc Orinadol 200mg là 38mg. Vì vậy, bệnh nhân nên uống đủ nước trong khi điều trị để duy trì đủ lượng nước tiểu cần thiết. Một số bệnh nhân uống thuốc Orinadol trước khi đi ngủ mà không uống đủ nước đã được báo cáo gặp tác dụng phụ viêm thực quản tại chỗ. Do đó, hướng dẫn sử dụng thuốc luôn yêu cầu bệnh nhân điều trị bằng Orinadol phải uống thuốc với 1 ly nước lớn.
  • Những trường hợp sử dụng Orinadol bị tổn thương gan nghiêm trọng loại tiêu tế bào cấp đã được báo cáo. Do đó những trường hợp nghi ngờ có tổn thương gan phải được kiểm tra nồng độ transaminase kịp thời và nên ngưng thuốc Orinadol nếu có những triệu chứng gợi ý tổn thương gan kèm theo có sự gia tăng nồng độ transaminase (thậm chí chỉ tăng ở mức độ vừa phải).
  • Lưu ý hoạt chất Naftidrofuryl không phải thuốc hạ áp, do đó không dùng thuốc Orinadol để điều trị bệnh tăng huyết áp.
  • Do thành phần thuốc Orinadol có chứa đường lactose, do đó chống chỉ định sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn galactose huyết bẩm sinh, hội chứng rối loạn hấp thu glucose–galactose hoặc trong trường hợp thiếu men lactase.
  • Naftidrofuryl không ảnh hưởng lên khả năng lái xe hay vận hành máy móc, do đó đối tượng này được sử dụng thuốc Orinadol nếu đúng chỉ định.
  • Orinadol được chỉ định sử dụng chủ yếu ở bệnh nhân cao tuổi và không còn khả năng mang thai. Do thiếu các dữ kiện lâm sàng liên quan nên không khuyến cáo sử dụng thuốc Orinadol trong thời kỳ mang thai hoặc thời kỳ cho con bú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan