Công dụng thuốc Ozapine 10

Ozapine 10 chứa hoạt chất chính là Olanzapine, là thuốc an thần được sử dụng trong điều trị tâm thần phân liệt và một số bệnh loạn thần khác. Vậy công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Ozanpine 10 là gì?

1. Công dụng của thuốc Ozapine 10 là gì?

Thuốc Ozapine 10 chứa hoạt chất chính là Olanzapine, 1 thuốc an thần và là dẫn chất của dibenzodiazepine. Thuốc có hiệu quả trên cả các biểu hiện dương tính, âm tính và ức chế của bệnh tâm thần phân liệt. Cơ chế tác dụng liên quan đến tính đối kháng ở các thụ thể serotonin typ 2, typ 3, typ 6 và dopamine ở hệ thần kinh trung ương. Olanzapine còn làm ổn định tâm trạng do một phần ức chế thụ thể D2 của dopamine.

Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng đối kháng với các thụ thể muscarine giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp và đối kháng thụ thể H1 của histamin và thụ thể alpha-1 adrenergic gây ngủ gà, hạ huyết áp tư thế. Olanzapine ít làm tăng tiết prolactin, ít gây rối loạn vận động muộn khi điều trị kéo dài.

Thuốc Ozapine 10 được chỉ định trong điều trị tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác có các biểu hiện rõ rệt của những triệu chứng dương tính hoặc âm tính. Chống chỉ định sử dụng thuốc Ozapine 10 ở bệnh nhân quá mẫn với Olanzapine và glaucoma góc hẹp.

2. Liều lượng và cách dùng của thuốc Ozapine 10

Người lớn:

Liều khởi đầu là 5 -10 mg/ ngày, sau đó tăng khoảng 5mg/ ngày trong vòng 5 - 7 ngày cho tới liều mục tiêu là 10mg/ ngày. Bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân mỗi lần 5mg/ ngày, cách nhau không dưới 7 ngày cho tới liều tối đa là 20mg/ ngày. Liều duy trì thông thường là 10 - 20mg x 1 lần/ ngày

  • Đợt hưng cảm:

Đơn trị liệu: Liều khởi đầu khuyến cáo là 10 -15mg/ ngày uống 1 lần. Bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều mỗi lần 5mg/ ngày, cách nhau không dưới 24 giờ. Liều duy trì thông thường là 5 - 20mg/ ngày và liều tối đa khuyến cáo là 20mg/ ngày.

Liệu pháp phối hợp: Liều khởi đầu khuyến cáo là 10-15mg/ ngày, uống 1 lần. Liều dùng có thể trong khoảng 5 - 20mg/ ngày.

Khoảng liều thông thường là 5 - 20mg/ ngày. Nếu đã được điều trị đợt hưng cảm bằng Olanzapin, bác sĩ có thể sẽ cho bệnh nhân tiếp tục dùng liều như vậy để phòng ngừa tái phát rối loạn lưỡng cực. Nếu xuất hiện hưng cảm, hỗn hợp hoặc đợt trầm cảm, bác sĩ có thể cho bệnh nhân tiếp tục điều trị với Olanzapin nhưng liều sẽ được điều chỉnh phù hợp và đi kèm với các biện pháp điều trị hỗ trợ triệu chứng cảm xúc.

Trẻ em:

  • Trẻ em dưới 13 tuổi: Chưa xác định độ an toàn và hiệu quả của Ozapine 10 ở đối tượng này.
  • Trẻ em từ 13 -17 tuổi: Khi sử dụng Olanzapin cần phải thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tâm thần phân liệt: Liều khởi đầu khuyến cáo là 2,5 - 5 mg/ ngày uống 1 lần. Liều mục tiêu là 10 mg/ ngày. Bác sĩ có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm liều 2,5 mg hoặc 5 mg, tối đa 20 mg/ ngày.
  • Bệnh lưỡng cực: Liều khởi đầu khuyến cáo là 2,5 - 5mg/ ngày uống 1 lần. Liều mục tiêu là 10mg/ ngày. Bác sĩ có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm liều 2,5 mg hoặc 5 mg, tối đa 20mg/ ngày.

Đối tượng khác:

  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều lượng thuốc Ozapine ở bệnh nhân suy thận.
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều lượng ngoại trừ khi được sử dụng kết hợp với Fluoxetine (dưới dạng các thành phần riêng biệt), liều Olanzapine ban đầu nên được giới hạn ở 2,5 đến 5 mg mỗi ngày. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ozapine ở các trường hợp viêm gan và tổn thương gan.

Cách dùng:

Bệnh nhân nên dùng thuốc 1 lần/ ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ, cùng hoặc không cùng với thức ăn. Nên nuốt nguyên viên với nước và dùng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Ozapine 10

Bệnh nhân sử dụng thuốc Ozapine 10 có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Thường gặp: Ngủ gà, hội chứng ngoại tháp, chóng mặt, rối loạn phát âm, mất ngủ, ác mộng, sốt, giảm trí nhớ, hưng cảm, buồn nôn, nôn, khó tiêu, táo bón, tăng cân, khô miệng, tăng cảm giác thèm ăn, tăng me gan, yếu cơ, run, ngã, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, phù ngoại vi, đau ngực, cảm giác bỏng rát trên da, tăng cholesterol máu, tăng prolactin máu, tăng đường huyết, giảm thị lực và viêm kết mạc.
  • Ít gặp: Giảm bạch cầu trung tính, nhịp tim chậm, kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, tăng nhạy cảm với ánh sáng và động kinh.
  • Hiếm gặp: Viêm tụy, hội chứng an thần kinh ác tính gồm các triệu chứng như tăng thân nhiệt, co cứng cơ, thay đổi tâm trí kèm theo rối loạn hệ thần kinh tự quản, nhịp tim và huyết áp không ổn định).

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Ozapine và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ozapine 10 là gì?

  • Thuốc Ozapine có thể gây tăng nồng độ prolactin liên quan đến liều lượng. Biểu hiện lâm sàng của việc tăng nồng độ prolactin bao gồm các biến cố liên quan đến kinh nguyệt, tình dục và thay đổi ở vú.
  • Ý định tự sát: Sử dụng thận trọng thuốc Ozapine ở những bệnh nhân có nguy cơ cao trong khi bắt đầu điều trị. Đơn thuốc nên được kê với số lượng nhỏ nhất phù hợp với việc chăm sóc bệnh nhân
  • Thận trọng khi dùng Ozapine cho bệnh nhân bị bệnh tim nặng, huyết động không ổn định, nhồi máu cơ tim trước đó, bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc tăng cholesterol máu.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ozapine cho bệnh nhân giảm nhu động đường tiêu hóa như bệnh liệt ruột vì tác dụng kháng cholinergic có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Ozapine cho bệnh nhân bị bệnh gan hoặc suy gan.
  • Thận trọng khi dùng Ozapine cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson vì thuốc chống loạn thần có thể làm trầm trọng thêm rối loạn vận động.
  • Sử dụng thận trọng thuốc Ozapine cho những bệnh nhân có nguy cơ co giật, bao gồm cả những người có tiền sử co giật, chấn thương đầu, tổn thương não, nghiện rượu hoặc điều trị đồng thời với các thuốc có thể làm giảm ngưỡng co giật. Bệnh nhân cao tuổi có thể bị tăng nguy cơ co giật.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ozapine cho bệnh nhân bí tiểu (bệnh nhân tăng sản tuyến tiền liệt) vì tác dụng kháng cholinergic có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Nồng độ Olanzapine có thể thấp hơn ở những bệnh nhân hút thuốc. Người hút thuốc có thể yêu cầu tăng liều hàng ngày. Khi ngừng hút thuốc cũng nên giảm liều vì nồng độ Olanzapine có thể cao hơn khi ngừng hút.
  • Phụ nữ mang thai: Hiện tại dữ liệu có đầy đủ dữ liệu về tính an toàn của Ozapine trên phụ nữ mang thai, do vậy chỉ sử dụng thuốc trong thai kỳ khi lợi ích cao hơn nguy cơ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Olanzapine được bài tiết vào sữa mẹ nên có thể gây tác dụng phụ trên thần kinh trung ương ở trẻ bú mẹ. Không dùng thuốc Ozapine 10 ở phụ nữ đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời Ozapine 10 với một số thuốc có thể gây tương tác, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và/hoặc gia tăng độc tính. Tốt nhất bệnh nhân nên thông báo cho y bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn. Dưới đây là một số tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Ozapine:

  • Levomethadyl: Tăng độc tính trên tim như kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh và ngừng tim.
  • Metoclopramid: Tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp và hội chứng an thần kinh ác tính.
  • Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Rượu và các dẫn chất benzodiazepin có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp tư thế của Olanzapine.
  • Các thuốc ức chế CYP450 như Cafein, Erythromycin, Ciprofloxacin, Cimetidin, Quinidin và một số thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nồng độ trong máu và tăng độc tính của thuốc Olanzapine.
  • Không nên sử dụng Dopamin, Adrenalin hoặc các thuốc có tác động giống giao cảm trên thụ thể beta ở bệnh nhân đang điều trị với Olanzapine, vì vậy có thể gây hạ huyết áp quá mức.
  • Các thuốc gây cảm ứng CYP450 như Phenobarbital, Phenytoin, Carbamazepin, Rifampicin và Omeprazol có thể làm giảm nồng độ Olanzapine trong máu.
  • Thuốc Ozapine có thể làm tăng tác dụng của các thuốc kháng cholinergic và tăng tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Ozapine có thể làm giảm tác dụng và độc tính của các thuốc điều trị Parkinson

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về thuốc Ozapine 10. Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế hướng dẫn của nhân viên y tế. Vì Ozapine là thuốc kê đơn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

734 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan