Công dụng thuốc Pancal

Thuốc Pancal thường được dùng để bổ sung lượng canxi cần thiết cho những đối tượng bệnh nhân dễ bị thiếu hụt loại khoáng chất này, đồng thời hỗ trợ điều trị các tình trạng xảy ra do thiếu canxi. Bệnh nhân nên tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo dùng thuốc của bác sĩ, bao gồm cả liều lượng, cách dùng và thời gian điều trị nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

1. Thuốc Pancal là thuốc gì?

Thuốc Pancal thuộc nhóm thuốc khoáng chất và vitamin, giúp hỗ trợ bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể, đồng thời điều trị, kiểm soát, dự phòng và cải thiện các tình trạng như suy tuyến cận giáp, gầy yếu, loãng xương,... Hiện nay, thuốc với dạng bào chế chính là dung dịch uống, mỗi hộp thuốc bao gồm 10 ống hoặc 20 ống x 10ml, hay một chai dung tích 60ml, 100ml.

Trong mỗi 10ml thuốc Pancal có chứa các thành phần sau:

  • Hoạt chất chính: Calci lactat pentahydrat hàm lượng 500mg.
  • Các tá dược khác vừa đủ: Đường trắng, Sucralose, Polyethylen glycol 6000, Sorbitol 70%, Acid citric khan, Methylparaben, Propylen glycol, hương cam (dạng lỏng), Propylparaben, vàng tartrazin và nước tinh khiết.

2. Thuốc Pancal có tác dụng gì?

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Pancal

Thuốc Pancal thường được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm giúp bổ sung canxi cho những trường hợp bị thiếu hụt loại khoáng chất này,bao gồm:

  • Phụ nữ sau mãn kinh, phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con bú.
  • Thiếu niên đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh (dậy thì).
  • Người bị nhuyễn xương, loãng xương, còi xương,
  • Người bị giảm hấp thụ canxi sau cắt dạ dày hoặc thường xuyên phải điều trị bằng Corticoid.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Pancal

Không sử dụng thuốc Pancal cho những đối tượng dưới đây:

  • Người bệnh quá mẫn cảm hoặc bị dị ứng với các thành phần trong thuốc Pancal.
  • Chống chỉ định thuốc Pancal cho bệnh nhân có dấu hiệu tăng canxi huyết và canxi niệu, chẳng hạn như cường cận giáp, thừa vitamin D, loãng xương do bất động, suy thận nặng, các khối u gây ung thư xương di căn hoặc ung thư máu.
  • Thuốc Pancal không được sử dụng cho bệnh nhân bị rung thất.
  • Tránh dùng thuốc Pancal cho người đang được điều trị bằng Glycosid tim, điển hình như Digoxin.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Pancal hiệu quả

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Pancal

Liều dùng cho người lớn:

  • Liều Pancal trung bình dự phòng tình trạng hạ canxi huyết: Uống 1g canxi nguyên tố / ngày.
  • Liều Pancal thường dùng để điều trị thiếu canxi huyết: Uống từ 1 – 2g canxi nguyên tố / ngày hoặc cao hơn.
  • Liều dự phòng tình trạng loãng xương cho phụ nữ: Uống từ 1 – 1,5g canxi nguyên tố / ngày.
  • Liều giúp giảm nguy cơ loãng xương do sử dụng dài ngày Glucocorticoid: Uống 1,5g canxi nguyên tố / ngày.

Liều dùng cho trẻ em:

  • Liều bổ sung canxi thường ngày cho trẻ: Uống từ 45 – 65mg canxi nguyên tố / kg.
  • Liều cho trẻ sơ sinh bị hạ canxi huyết: Uống từ 50 – 150ng canxi nguyên tố / kg / ngày, không nên vượt quá 1g / ngày.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách và hiệu quả thuốc Pancal

Thuốc Pancal được sử dụng bằng đường uống. Liều dùng thuốc thường ngày có thể chia thành 3 – 4 lần và uống sau khi ăn uống 1 – 1,5 tiếng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tuân thủ theo mọi khuyến cáo của bác sĩ trong suốt quá trình dùng thuốc Pancal để ngăn ngừa nguy cơ gặp các tác dụng phụ ngoại ý.

3.3 Cách xử trí quá liều thuốc Pancal

Việc uống thuốc Pancal quá liều lượng cho phép có thể dẫn đến các triệu chứng tăng canxi huyết và canxi niệu, bao gồm buồn nôn, biếng ăn, nôn ói, đau bụng, táo bón, khát nước, khô miệng và đa niệu. Để xử trí tình trạng quá liều thuốc Pancal, bệnh nhân sẽ được bác sĩ đề nghị thực hiện một số biện pháp sau:

  • Bù nước nhanh chóng cho cơ thể bằng đường uống hoặc tĩnh mạch trong giai đoạn đầu.
  • Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, ví dụ như Furosemide nhằm làm tăng thải trừ canxi, tuy nhiên tránh dùng thuốc lợi tiểu loại Thiazide bởi nó có thể làm tăng sự tái hấp thu canxi ở thận.
  • Phương pháp thẩm phân máu giúp xử trí quá liều thuốc Pancal.
  • Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cẩn thận nồng độ các chất điện giải quan trọng trong huyết thanh trong suốt quá trình điều trị.

4. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Pancal

Dưới đây là một số tác dụng phụ ngoài ý muốn có nguy cơ xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc Pancal:

  • Triệu chứng trên hệ tiêu hoá như kích ứng đường tiêu hoá hoặc táo bón.
  • Tăng canxi máu, đặc biệt có nguy cơ cao xảy ra ở bệnh nhân uống quá liều thuốc Pancal hoặc người bị suy thận mạn.
  • Tăng nhẹ canxi máu không kèm triệu chứng hoặc có các biểu hiện như chán ăn, táo bón, buồn nôn, ói mửa.
  • Tăng canxi máu rõ rệt có triệu chứng thay đổi tâm thần, chẳng hạn như mê sảng hoặc lú lẫn.

Khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào được đề cập ở trên, người bệnh nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ để có biện pháp khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý và thận trọng khi điều trị bằng thuốc Pancal

5.1 Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Pancal?

Trong thời gian điều trị với thuốc Pancal, người bệnh cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Thận trọng khi dùng Pancal cho những bệnh nhân bị sỏi thận, suy thận, mắc Sarcoidose hoặc bệnh tim mạch.
  • Nếu cần phải dùng thuốc cho người sỏi thận, đối tượng bệnh nhân này nên uống nhiều nước trong quá trình điều trị để làm giảm nguy cơ tiến triển nặng tình trạng bệnh.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Pancal cho trẻ em bị hạ kali máu, bởi nồng độ canxi cao trong huyết thanh có thể khiến nồng độ kali máu bị giảm xuống.
  • Tránh dùng thuốc Pancal để điều trị dài ngày khi chưa được bác sĩ chấp thuận.
  • Theo dõi thường xuyên nồng độ canxi huyết và canxi trong nước tiểu đối với những bệnh nhân phải dùng canxi liều cao, nhất là trẻ em.
  • Ngưng dùng Pancal ngay nếu nồng độ canxi trong máu > 2,625 – 2,75 mmol / L, tương đương 105 – 110mg / L; hoặc nồng độ canxi trong nước tiểu > 5mg / kg.
  • Có nguy cơ xảy ra tình trạng tăng canxi huyết trong thời gian điều trị bằng Pancal do chức năng thận bị suy giảm. Khi đó, liều dùng thuốc có thể giảm hoặc cân nhắc ngưng sử dụng.
  • Không sử dụng thuốc Pancal cho người có tiền sử mắc sỏi thận hoặc bị sỏi thận calcium.
  • Tránh sử dụng vitamin D liều cao khi đang điều trị bằng Pancal.
  • Thuốc Pancal đã được chứng minh an toàn khi dùng trong thai kỳ, do đó phụ nữ có thai nên dùng thuốc theo nhu cầu hằng ngày.
  • Có thể dùng thuốc Pancal cho phụ nữ đang nuôi con bú và người bệnh có công việc thường xuyên vận hành máy móc hoặc lái xe.

5.2 Thuốc Pancal tương tác với thuốc nào khác?

Một số loại thuốc có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với thuốc Pancal, bao gồm:

  • Vitamin D.
  • Thuốc lợi tiểu Thiazid.
  • Thuốc Corticosteroid.
  • Các thuốc Biphosphonat như Etidronat, Alendronat, Risedronat và Ibandronat.
  • Các Glycosid trợ tim.
  • Các chế phẩm sắt đường uống.
  • Các thuốc nhóm Quinolon, ví dụ như Ciprofloxacin.
  • Các thuốc Tetracyclin.

Những thông tin quan trọng về thuốc Pancal trên đây không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Vì thế cách tốt nhất vẫn là tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ, dược sĩ giúp việc dùng thuốc có được kết quả tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan