Công dụng thuốc Sandostatin

Thuốc Sandostatin có thành phần dược chất chính là Octreotide acetate và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Thuốc được sử dụng trong điều trị các khối u, ung thư,...

1. Thuốc Sandostatin là thuốc gì?

Thuốc Sandostatin có hoạt chất chính là Octreotide. Đây là một loại hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ hoạt chất Somatostatin. Sandostatin thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế ảnh hưởng của một số hormone như hormone tăng trưởng. Hoạt chất Sandostatin mạnh hơn và tác dụng kéo dài hơn hoạt chất Somatostatin.

Thành phần của 1 ống thuốc Sandostatin:

  • Hoạt chất Octreotide acetate, tương ứng với Octreotide (một loại peptide tự do) 50mg, 100mg, 500mg.
  • Lactic acid, mannitol.

Thành phần của mỗi ống Sandostatin 0.1 mg/ml (lọ đa liều)

  • Hoạt chất Octreotide acetate, tương ứng với Octreotide (một loại peptide tự do) 200mg.
  • Lactic acid, mannitol.

Các dạng bào chế của thuốc Sandostatin:

  • Dung dịch tiêm loại 50 mg/ml: Ống 1 ml, hộp 5 ống;
  • Dung dịch tiêm loại 100 mg/ml: Ống 1 ml, hộp 5 ống;
  • Dung dịch tiêm loại 500 mg/ml: Ống 1 ml, hộp 5 ống;
  • Dung dịch tiêm loại 200 mg/ml: Lọ đa liều 5 ml.

2. Tác dụng của thuốc Sandostatin

Thuốc Sandostatin được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Thông thường, hormone tăng trưởng có tác dụng kiểm soát sự phát triển của các mô, cơ quan và xương. Do đó, thuốc Sandostatin có tác dụng làm giảm rõ rệt các dấu hiệu triệu chứng của bệnh to đầu chi bao gồm: Đau đầu, đau mỏi khớp, ra mồ hôi tại các chi nhiều, tê bàn tay và bàn chân, mệt mỏi.
  • Kiểm soát các dấu hiệu và giảm nồng độ hormone tăng trưởng và IGF - 1 trong huyết tương ở những người bị to viễn cực đáp ứng không đầy đủ với can thiệp ngoại khoa hoặc xạ trị.
  • Sandostatin thuốc cũng được chỉ định điều trị đối với những người bị to viễn cực không thể can thiệp phẫu thuật, hoặc trong giai đoạn chờ cho đến khi đạt được tác dụng của phương pháp xạ trị.
  • Làm giảm các dấu hiệu triệu chứng do khối u chức năng thuộc hệ nội tiết dạ dày - ruột - tụy (GEP):
    • U carcinoid với những dấu hiệu của hội chứng Carcinoid;
    • VIPoma;
    • U tế bào alpha tiểu đảo tụy;
    • Gastrinomas/hội chứng Zollinger - Ellison thường kết hợp với điều trị ức chế bơm proton, hay thuốc kháng H2;
    • U đảo tụy trong việc kiểm soát hạ đường máu trước khi phẫu thuật và trong điều trị duy trì;
    • GRFoma.
  • Thuốc Sandostatin không phải là trị liệu chống khối u và không điều trị khỏi được các bệnh này.
  • Phòng ngừa những biến chứng sau phẫu thuật tụy.
  • Điều trị cấp cứu để ngưng chảy máu và tránh xuất huyết tái phát do giãn tĩnh mạch dạ dày - thực quản nguyên nhân do xơ gan.
  • Thuốc Sandostatin được sử dụng kết hợp với điều trị đặc hiệu, cụ thể là liệu pháp xơ hóa qua nội soi.

3. Cách dùng thuốc Sandostatin

  • Tiêm dưới da, thường là 2-3 lần/ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Sử dụng thuốc Sandostatin cùng 1 thời điểm trong ngày để tránh quên. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà thuốc có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng theo đường tiêm vào tĩnh mạch.
  • Nếu bác sĩ hướng dẫn bạn tự tiêm thuốc Sandostatin dưới da, hãy tìm hiểu tất cả các hướng dẫn sử dụng từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
  • Trước khi sử dụng, kiểm tra trực quan thuốc Sandostatin xem có xuất hiện hạt hoặc bị đổi màu hay không. Trước khi tiêm, nhân viên y tế sẽ làm sạch vị trí tiêm bằng cồn sát khuẩn. Đồng thời, người điều dưỡng cũng sẽ thay đổi vị trí của vị trí tiêm mỗi lần để tránh các khu vực có vấn đề dưới da.
  • Liều điều trị dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn và khả năng đáp ứng với điều trị.
  • Sử dụng thuốc Sandostatin thường xuyên để có được lợi ích cao nhất từ thuốc.
  • Hãy cho bác sĩ điều trị biết nếu tình trạng không cải thiện hoặc nếu nó trở nên tồi tệ hơn.

4. Liều điều trị của thuốc Sandostatin

  • Đối với bệnh to viễn cực: Liều điều trị ban đầu là 0,05-0,1 mg tiêm dưới da mỗi 8 giờ, sau đó điều chỉnh liều điều trị tùy theo đánh giá về lượng GH hàng tháng và các triệu chứng lâm sàng, và khả năng dung nạp thuốc.
  • Đối với khối u thuộc hệ nội tiết đường dạ dày - ruột - tụy; Liều điều trị ban đầu 0,05 mg, 1-2 lần/ngày, tiêm dưới da, tăng dần liều tới 0,2 mg và sử dụng 3 lần/ngày tùy theo tình trạng dung nạp và đáp ứng với điều trị. Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liều cao hơn trong một số trường hợp. Liều duy trì cần được điều chỉnh tùy theo từng trường hợp cụ thể.
  • Các biến chứng sau phẫu thuật tụy: Sử dụng thuốc Sandostatin 0,1 mg x 3 lần hàng ngày tiêm dưới da trong 7 ngày liên tiếp, bắt đầu vào ngày trước phẫu thuật ít nhất 1 giờ trước khi phẫu thuật.
  • Đối với xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: Sử dụng thuốc Sandostatin 0,025 mg/giờ truyền tĩnh mạch liên tục tối đa 5 ngày. Thuốc Sandostatin có thể được pha loãng với nước muối sinh lý.
  • Hiện nay thì kinh nghiệm điều trị với thuốc Sandostatin ở trẻ em còn rất hạn chế.

Lưu ý: Những người tự tiêm thuốc dưới da phải được nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể. Để giảm các phản ứng tại chỗ có thể xảy ra, dịch thuốc cần đạt tới nhiệt độ phòng trước khi tiêm. Trường hợp cần tiêm nhiều lần và cách nhau trong thời gian ngắn, cần tránh tiêm thuốc vào cùng một vị trí. Đối với người bị suy gan xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày-thực quản, thuốc Sandostatin được dung nạp tốt với liều điều trị 0,05 mg/giờ truyền tĩnh mạch liên tục trong thời gian 5 ngày.

5. Trường hợp quá liều/ quên liều dùng thuốc

  • Trong trường hợp quá liều thuốc: Sử dụng thuốc Sandostatin quá liều không gây đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng của quá liều bao gồm nhịp tim không đều, huyết áp thấp, ngừng tim, giảm cung oxy lên não, đau dạ dày nghiêm trọng, vàng da, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy, yếu, mệt mỏi, thiếu năng lượng, giảm cân, khó chịu và nồng độ acid lactic trong máu ở mức cao. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã sử dụng quá liều thuốc Sandostatin và gặp các triệu chứng như vậy, hãy gọi ngay cho bác sĩ.
  • Trong trường hợp quên liều: Sử dụng thuốc Sandostatin một liều ngay khi nhớ, sau đó tiếp tục như bình thường. Hiệu quả của điều trị bệnh sẽ không giảm đáng kể nếu quên một liều, nhưng có thể xuất hiện lại các triệu chứng tạm thời cho đến khi tiếp tục sử dụng thuốc. Không tiêm liều Sandostatin gấp đôi để bù liều đã quên.

6. Tác dụng không mong muốn khi điều trị với thuốc Sandostatin

Để hiểu rõ hơn về thuốc Sandostatin bạn phải đặc biệt quan tâm chú ý đến tác dụng phụ của thuốc:

  • Gây rối loạn tiêu hóa như: nôn, đau bụng dữ dội, đau nhiều ở vùng bụng phía trên rồi lan ra sau lưng hoặc gây ra táo bón nặng; tiêu chảy, đầy hơi;
  • Xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim: nhịp tim đập chậm hoặc không đều hoặc nhịp tim nhanh;
  • Đường huyết cao do đó làm người sử dụng có cảm giác khát nước, uống nhiều nên đi tiểu nhiều, nhanh đói, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây, buồn ngủ, khô rát da, mờ mắt và sụt cân;
  • Ngược lại, trường hợp gây ra đường huyết thấp, bạn sẽ xuất hiện cảm giác nhức đầu, đổ mồ hôi, lú lẫn, khó chịu, đói, chóng mặt, nhịp tim nhanh, hoặc cảm giác bồn chồn;
  • Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, khô rát trên da, đau mỏi khớp hoặc cứng khớp, đau yếu cơ, giọng nói trở nên khàn, nhạy cảm hơn với nhiệt độ lạnh, tăng cân. Các tác dụng này là do sự hoạt động quá mức của tuyến giáp.
  • Cảm giác đau tại vị trí tiêm.

7. Tương tác của thuốc Sandostatin

  • Hãy cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ biết nếu gần đây bạn đã, đang hoặc có thể sẽ dùng bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Một số loại thuốc có thể gây tương tác với thuốc Sandostatin nếu sử dụng kết hợp với các thuốc như Cimetidine, Cyclosporin, Bromocriptine, Quinidine và Terfenadine.
  • Bạn đang sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp bao gồm các thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn calci.
  • Nếu bạn đang mắc đái tháo đường, bác sĩ điều trị có thể cần điều chỉnh liều thuốc Insulin mà bạn đang dùng.

8. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Sandostatin

8.1. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Sandostatin

Thông báo với bác sĩ điều trị trước khi sử dụng Sandostatin:

  • Nếu bạn đang sỏi mật hoặc đã có trước đây; nói với bác sĩ vì sử dụng kéo dài thuốc Sandostatin có thể dẫn đến hình thành sỏi mật.
  • Trường hợp lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp khi sử dụng thuốc Sandostatin được sử dụng để điều trị chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Làm xét nghiệm và kiểm tra: Nếu điều trị bằng thuốc Sandostatin trong một thời gian dài, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra chức năng tuyến giáp theo định kỳ.
  • Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng gan, vitamin B12 định kỳ.

8.2. Sử dụng thuốc với những đối tượng đặc biệt khác

Đối với đối tượng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Sandostatin không có hoặc ít ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tuy nhiên, một số tác dụng không mong muốn bạn có thể gặp trong khi sử dụng thuốc Sandostatin, chẳng hạn như đau đầu và mệt mỏi, có thể làm giảm khả năng lái xe và vận hành máy móc một cách an toàn.

Đối với phụ nữ đang trong thời gian mang thai hay đang cho con bú

  • Trường hợp đang mang thai hoặc cho con bú hoặc bạn nghĩ rằng mình có thể đang mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh con, bạn cần trao đổi với bác sĩ để được cho lời khuyên trước khi sử dụng thuốc này.
  • Thuốc Sandostatin chỉ nên được sử dụng trong khi mang thai nếu thực sự cần thiết sau khi đã được bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc sử dụng thuốc.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên sử dụng các phương pháp tránh thai hiệu quả trong quá trình điều trị với thuốc Sandostatin.
  • Không cho con bú trong khi sử dụng thuốc Sandostatin.

Trên đây là công dụng, liều dùng thuốc Sandostatin. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan