Công dụng thuốc Tilhazem

Thuốc Tilhazem được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Diltiazem hydrochloride. Thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp vô căn, và điều trị/dự phòng cơn đau thắt ngực.

1. Thuốc Tilhazem là thuốc gì?

1 viên thuốc Tilhazem 60mg có thành phần chính là 60mg Diltiazem cùng các tá dược khác. Diltiazem là 1 chất đối kháng canxi, làm giảm sự giải phóng canxi từ các kho dự trữ ở mạng lưới nội cơ chất. Điều này dẫn tới làm giảm lượng canxi nội bào sẵn có, giảm tiêu thụ oxy của cơ tim. Thuốc giúp làm tăng khả năng tập vận động, cải thiện các chỉ số của tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim ở bệnh nhân đau thắt ngực.

Diltiazem cũng làm giãn các động mạch vành nhỏ và lớn, làm giảm cơn đau thắt ngực do co thắt mạch, giảm các đáp ứng với catecholamine nhưng ít gây ảnh hưởng tới mạch ngoại vi. Do đó, thuốc Diltiazem không gây nhịp tim nhanh phản xạ. Nhịp tim giảm nhẹ đi kèm theo tăng cung lượng tim, đồng thời cải thiện tưới máu cơ tim và giảm công của cơ tim.

Chỉ định sử dụng thuốc Tilhazem:

  • Điều trị và dự phòng cơn đau thắt ngực (chủ yếu đau tự phát, đau thắt ngực do gắng sức và đau thắt kiểu Prinzmetal);
  • Điều trị tăng huyết áp vô căn từ nhẹ tới trung bình.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tilhazem:

  • Người bệnh mẫn cảm với Diltiazem hydrochloride hoặc các thành phần có trong thuốc;
  • Người bị rối loạn hoạt động nút xoang;
  • Bệnh nhân có nhịp tim rất chậm (dưới 40 nhịp/phút);
  • Người bệnh block nhĩ - thất độ 2 và độ 3 nhưng không đặt máy tạo nhịp tim;
  • Bệnh nhân suy thất trái đi kèm sung huyết phổi, người bị nhồi máu cơ tim cấp và sung huyết phổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tilhazem

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên nuốt nguyên viên thuốc với 1 ly nước, không được nghiền nát hoặc nhai viên thuốc.

Liều dùng:

  • Liều thông thường: Uống 1 viên 60mg/lần x 3 lần/ngày, uống ngay trước bữa ăn chính;
  • Cơn đau thắt ngực hoặc đau thắt ngực biến thể: Với người lớn, dùng liều khởi đầu là 1 viên 60mg/lần x 3 lần/ngày hoặc 30mg/lần x 4 lần/ngày. Có thể tăng liều khi cần thiết sau khoảng 1 - 2 ngày;
  • Tăng huyết áp vô căn (mức độ nhẹ tới trung bình): Liều dùng thông thường đối với người lớn là 30 - 60mg/lần x 3 lần/ngày. Có thể điều chỉnh liều dùng thuốc tùy theo tuổi tác của bệnh nhân và mức độ trầm trọng của các triệu chứng. Có thể sử dụng thuốc Tilhazem đơn độc hoặc phối hợp với các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác (thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta);
  • Người cao tuổi: Nên giảm liều dùng thuốc;
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận: Nên giảm liều dùng thuốc;
  • Bệnh nhân nhịp tim chậm dưới 50 nhịp/phút: Không được tăng liều.

Quá liều: Hầu hết bệnh nhân uống thuốc Diltiazem quá liều sẽ dẫn đến hạ đường huyết sau khoảng 8 giờ sử dụng thuốc. Người bệnh cũng có thể bị chậm nhịp xoang, block nhĩ thất độ 1 - độ 3, có thể dẫn tới ngừng tim.

Nếu phát hiện quá liều sớm và nhập viện ngay, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định rửa dạ dày hoặc uống than hoạt tính để làm giảm khả năng hấp thu của Diltiazem, bài niệu thẩm thấu. Với trường hợp hạ huyết áp, người bệnh có thể được truyền calci gluconat, các thuốc dobutamin, dopamin hoặc isoprenaline,... cùng các biện pháp nâng đỡ tuần hoàn khác. Với trường hợp loạn nhịp tim hoặc block nhĩ thất mức độ cao, người bệnh có thể sử dụng atropin, isoprenaline. Nếu thất bại thì có thể bệnh nhân sẽ phải đặt máy tạo nhịp tim.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Tilhazem, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới liều tiếp theo có thể bỏ qua liều đã quên, tiếp tục lịch dùng thuốc với việc uống liều kế tiếp như kế hoạch ban đầu. Người bệnh không nên dùng liều gấp đôi để bù cho liều thuốc đã bị bỏ lỡ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tilhazem

Khi sử dụng thuốc Tilhazem, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp:
    • Toàn thân: Phù chi dưới, suy nhược, mệt mỏi;
    • Thần kinh: Mất ngủ, chóng mặt;
    • Tim mạch: Chậm nhịp tim, block nhĩ thất độ 1;
    • Tiêu hoá: Buồn nôn;
    • Da: Nổi ban dị ứng;
  • Ít gặp:
    • Tim mạch: Loạn nhịp tim, đau thắt ngực, phong bế bó nhánh, block nhĩ thất độ 2 và 3, bất thường ECG, hạ huyết áp, suy tim sung huyết, ngất, đánh trống ngực, tim đập nhanh, ngoại tâm thu tâm thất;
    • Thần kinh: Suy nhược, mơ bất thường, chứng quên, ảo giác, mất ngủ, dáng đi bất thường, dị cảm, căng thẳng, ngủ mơ, ù tai, rùng mình, thay đổi tính cách;
    • Tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy, biếng ăn, khô miệng, buồn nôn, nôn ói, tăng cân;
    • Gan mật: Tăng nhẹ và thoáng qua các men gan (SGPT, SGOT, LDH và phosphatase kiềm) trong thời gian đầu điều trị;
    • Da: Đốm xuất huyết, ngứa da, ban đỏ đa dạng, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc tia UV, viêm da tróc vảy.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Tilhazem, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tilhazem

Một số vấn đề người bệnh cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Tilhazem:

  • Thành phần Diltiazem trong thuốc làm giảm dẫn truyền và kéo dài thời kỳ trơ nút nhĩ thất, không có sự kéo dài đáng kể thời gian phục hồi nút xoang (trừ những bệnh nhân có hội chứng yếu nút xoang). Tác dụng này của thuốc hiếm khi gây ra tình trạng nhịp tim chậm bất thường hoặc block nhĩ thất độ 2 và độ 3;
  • Ở người bệnh block nhĩ thất độ 1 hoặc khoảng PR (tức thời gian dẫn truyền nút nhĩ thất) kéo dài tình trạng chậm nhịp tim (do nhịp xoang và dẫn truyền tim có thể đang bị ức chế quá mức) cần được theo dõi tăng cường. Ngược lại, không cần phải có lưu ý đặc biệt đối với những trường hợp chỉ bị block 1 nhánh;
  • Ở người bệnh đau thắt ngực kiểu Prinzmetal, tăng thời kỳ vô tâm thu (2 - 5 giây) sau khi dùng liều đơn Diltiazem 60mg;
  • Thành phần Diltiazem làm xấu đi tình trạng suy tim sung huyết ở những bệnh nhân đã bị suy giảm chức năng tâm thất trái trước đó;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tilhazem ở người bệnh huyết áp thấp (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg);
  • Sự tăng nhẹ, thoáng qua của transaminase (LDH, SGOT, SGPT), có/không kèm theo tăng phosphatase kiềm và bilirubin có xu hướng xảy ra sau khoảng 1 - 8 tuần đầu dùng thuốc Diltiazem. Khi ngưng dùng thuốc, các phản ứng này sẽ mất đi;
  • Khi sử dụng thuốc Diltiazem, cần theo dõi thường xuyên ở bệnh nhân tiểu đường;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Diltiazem ở bệnh nhân có rối loạn nghiêm trọng về chức năng gan, thận, người bị suy gan, suy thận hoặc người lớn tuổi (do có thể tăng nồng độ của Diltiazem trong huyết tương);
  • Không nên ngưng dùng thuốc Diltiazem đột ngột khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nên giảm liều dùng thuốc từ từ, quan sát các triệu chứng sau khi ngừng điều trị với thuốc Diltiazem;
  • Khi sử dụng thuốc Tilhazem, các tác dụng phụ ngoài da có thể xuất hiện thoáng qua và biến mất sau đó. Tuy nhiên, người bệnh nên ngưng dùng thuốc nếu các phản ứng ngoài da vẫn kéo dài dai dẳng;
  • Đặc biệt lưu ý đối với những đối tượng chống chỉ định và thận trọng khi dùng thuốc Diltiazem. Nên thường xuyên theo dõi sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là tần số tim và điện tâm đồ vào khoảng thời gian đầu dùng thuốc;
  • Với trường hợp gây mê trong phẫu thuật, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ gây mê về việc đang dùng thuốc Diltiazem;
  • Thuốc Diltiazem có thể được dùng mà không gây nguy hiểm cho những bệnh nhân gặp các rối loạn mãn tính đường hô hấp;
  • Do tác dụng làm hạ huyết áp của thuốc Tilhazem nên người bệnh có thể bị chóng mặt. Cần thận trọng khi dùng thuốc nếu lái xe, làm việc trên cao, vận hành máy móc;
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Tilhazem đối với phụ nữ mang thai hoặc có thể có thai (nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây quái thai). Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu phát hiện mình có thai để được tư vấn xem có nên tiếp tục dùng thuốc hay không. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên thông báo cho bác sĩ nếu đang mong muốn có thai;
  • Không dùng thuốc Tilhazem trong thời kỳ cho con bú do Diltiazem hydroclorid có thể bài tiết qua sữa mẹ. Nếu cần thiết phải dùng thuốc, nên ngừng cho con bú trong suốt thời gian điều trị.

5. Tương tác thuốc Tilhazem

Một số tương tác thuốc của Tilhazem gồm:

  • Nên thận trọng khi phối hợp Diltiazem với các thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển và các loại thuốc trị tăng huyết áp khác. Cần theo dõi sức khỏe người bệnh chặt chẽ do tác dụng hiệp đồng của các thuốc này sẽ làm hạ huyết áp nhiều hơn. Với thuốc chẹn thụ thể alpha, nên theo dõi chặt chẽ huyết áp động mạch, vì việc kết hợp 2 loại thuốc có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng trầm trọng;
  • Không nên sử dụng phối hợp thuốc Diltiazem với các thuốc chống loạn nhịp tim hoặc esmolol, thuốc chẹn beta dùng cho bệnh nhân suy tim (carvedilol, bisoprolol, metoprolol,...), pimozide, cisapride, dantrolene (tiêm truyền), sultopride, reserpin hoặc các thuốc alkaloid cựa lúa mạch (digoxin). Nguyên nhân vì sự phối hợp này có thể gây ức chế nhịp xoang và dẫn truyền tim do tác dụng hiệp đồng;
  • Không nên sử dụng phối hợp thuốc Diltiazem với các thuốc đối kháng canxi thuộc nhóm dihydropyridine, theophylin, benzodiazepines (triazolam, midazolam (IV)), cyclosporin, carbamazepine,thuốc trị trầm cảm nhóm imipramine, phenytoin,... vì Diltiazem ức chế enzyme gan cytochrome P450, làm tăng nồng độ các thuốc này trong máu. Do vậy, nên điều chỉnh liều dùng thuốc trong thời gian phối hợp thuốc và sau khi ngừng phối hợp thuốc;
  • Khi dùng đồng thời, các thuốc cimetidine, ranitidine hoặc thuốc ức chế HIV protease có thể làm gia tăng nồng độ Diltiazem trong máu do khả năng ức chế cytochrome P450. Hậu quả là làm giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim;
  • Nếu dùng đồng thời, thuốc Rifampicin làm giảm nồng độ của thuốc Diltiazem trong máu do thuốc có tác dụng cảm ứng enzyme gan.

Khi sử dụng thuốc Tilhazem, người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ về đường dùng, liều dùng và thời gian dùng thuốc. Đây là yêu cầu tiên quyết để điều trị bệnh đạt hiệu quả cao, hạn chế các tác dụng phụ nguy hiểm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

194 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan