Công dụng thuốc Tiphagliptin 50

Thuốc Tiphagliptin 50 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Sitagliptin. Thuốc được sử dụng trong điều trị tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

1. Tiphagliptin là thuốc gì?

Tiphagliptin là thuốc gì? 1 viên thuốc Tiphagliptin 50 có thành phần chính là 50mg Sitagliptin (dưới dạng Sitagliptin phosphat monohydrat). Sitagliptin thuộc nhóm thuốc uống điều trị tăng đường huyết, gọi là chất ức chế dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4) với tác dụng cải thiện đường huyết ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách làm tăng nồng độ các hormone incretin thể hoạt động. Các hormone incretin này là thành phần của hệ thống nội sinh, tham gia vào sự điều hòa sinh lý cân bằng nội môi glucose.

Bằng cách tăng nồng độ của incretin dạng hoạt động, Sitagliptin làm tăng phóng thích insulin, đồng thời làm giảm nồng độ glucagon theo cách thức phụ thuộc vào glucose. Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2 có tình trạng tăng đường huyết, sự thay đổi của nồng độ insulin và glucagon này dẫn tới giảm nồng độ hemoglobin A1c (HbA1c) và nồng độ glucose sau ăn/lúc đói.

Chỉ định sử dụng thuốc Tiphagliptin 50

  • Điều trị đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác như sulfamid hạ đường huyết, metformin, chất chủ vận PPARy nhằm cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tiphagliptin 50

  • Người bệnh quá mẫn với Sitagliptin hoặc thành phần khác của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tiphagliptin 50

Cách dùng: Đường uống. Bệnh nhân nên uống thuốc cùng với 1 cốc nước lọc.

Liều dùng:

  • Liều khuyến cáo: 100mg/ngày/lần khi sử dụng đơn trị liệu hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác (khi đói hoặc no);
  • Khi dùng Sitagliptin kết hợp với sulfamid hạ đường huyết thì có thể xem xét sử dụng sulfamid hạ đường huyết với liều thấp hơn nhằm làm giảm nguy cơ hạ đường huyết do thuốc sulfamid hạ đường huyết;
  • Người bệnh suy thận: Điều chỉnh liều dùng thuốc Tiphagliptin theo độ thanh thải creatinin. Do đó, cần đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với thuốc. Liều dùng cụ thể:
    • Suy thận nhẹ (Clcr ≥ 50ml/phút): Không cần phải thay đổi liều dùng thuốc;
    • Suy thận trung bình Clcr 30 - 50ml/phút): Dùng liều 50mg/lần/ngày;
    • Suy thận nặng (Clcr < 30ml/phút) hoặc bệnh thận giai đoạn cuối cần thẩm phân phúc mạc/thẩm phân máu: Dùng liều 25mg/lần/ngày. Người bệnh có thể dùng thuốc Sitagliptin bất kỳ lúc nào, không liên quan tới thời điểm thẩm phân máu.

Quá liều: Trong những thử nghiệm lâm sàng ở người khỏe mạnh, Sitagliptin liều đơn tới 800mg được dung nạp khá tốt. Hiện chưa có kinh nghiệm về việc sử dụng liều trên 800mg ở người. Trong các nghiên cứu về chế độ nhiều liều trong ngày, hiện chưa phát hiện các phản ứng bất lợi liên quan tới liều khi dùng Sitagliptin với liều 600mg/ngày trong 10 ngày hoặc 400mg/ngày trong 28 ngày.

Trong trường hợp sử dụng thuốc Tiphagliptin 50 quá liều, người bệnh sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ thường dùng như loại bỏ chất chưa kịp hấp thu ra khỏi đường tiêu hóa, theo dõi trên lâm sàng (gồm làm điện tâm đồ) và điều trị hỗ trợ khi cần thiết. Sitagliptin có thể được xem xét thẩm phân máu kéo dài nếu phù hợp trên lâm sàng.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Tiphagliptin 50, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Bệnh nhân không được tự ý uống bù liều khi chưa được bác sĩ cho phép.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tiphagliptin 50

Khi sử dụng thuốc Tiphagliptin 50, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp, ít nguy hiểm: Nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, viêm mũi họng, phù mạch, nhiễm trùng đường hô hấp trên, hạ đường huyết, viêm da do nấm;
  • Hiếm gặp, nghiêm trọng: Sốc phản vệ hoặc phản ứng da nặng như hội chứng Stevens - Johnson.

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi dùng thuốc Tiphagliptin 50 để được tư vấn về cách xử lý, ứng phó phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tiphagliptin 50

Trước và trong khi dùng thuốc Tiphagliptin 50, người bệnh cần lưu ý:

  • Không nên sử dụng Sitagliptin ở người bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc dùng để điều trị nhiễm acid ceton ở bệnh nhân tiểu đường;
  • Sitagliptin được đào thải qua thận. Để đạt nồng độ Sitagliptin trong huyết tương tương tự như người có chức năng thận bình thường thì nên giảm liều dùng thuốc ở bệnh nhân suy thận trung bình và nặng, người mắc bệnh thận giai đoạn cuối cần thẩm phân máu/thẩm phân phúc mạc;
  • Tỷ lệ hạ đường huyết do sulfamid hạ đường huyết tăng lên ở những bệnh nhân sử dụng Sitagliptin kết hợp với sulfamid hạ đường huyết. Do vậy, để giảm nguy cơ hạ đường huyết do sulfamid hạ đường huyết thì nên xem xét giảm liều sulfamid;
  • Đã có các trường hợp gặp phản ứng quá mẫn nghiêm trọng khi sử dụng thuốc Sitagliptin. Các phản ứng này bao gồm phù mạch, phản vệ và bệnh lý tróc da (kể cả hội chứng Stevens - Johnson). Các phản ứng trên thường bắt đầu xuất hiện trong 3 tháng đầu sau khi bắt đầu dùng thuốc Sitagliptin. Nếu nghi ngờ có phản ứng quá mẫn, người bệnh nên ngưng dùng thuốc Sitagliptin, đánh giá các nguyên nhân tiềm ẩn và bắt đầu các phương pháp điều trị thay thế về bệnh tiểu đường;
  • Hiện chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của thuốc Sitagliptin ở bệnh nhi dưới 18 tuổi;
  • Trong các nghiên cứu lâm sàng, tính an toàn và hiệu quả của thuốc Sitagliptin ở người cao tuổi (trên 65 tuổi) tương tự bệnh nhân trẻ hơn (dưới 65 tuổi). Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc theo độ tuổi. Với những bệnh nhân cao tuổi có khả năng suy thận thì có thể cần điều chỉnh liều dùng nếu bị suy thận từ trung bình đến nặng;
  • Không khuyến cáo sử dụng Sitagliptin trong thai kỳ;
  • Sitagliptin được bài tiết vào sữa (ở động vật). Hiện chưa rõ Sitagliptin có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Do vậy, không nên dùng thuốc Sitagliptin ở phụ nữ đang nuôi con bú;
  • Thuốc Tiphagliptin 50 có thể gây buồn ngủ, chóng mặt ở một số ít bệnh nhân. Do vậy, nên thận trọng khi sử dụng thuốc với người lái xe, vận hành máy móc. Việc sử dụng thuốc trước khi ngủ sẽ giúp làm giảm các tác động trên trong ngày.

5. Tương tác thuốc Tiphagliptin 50

Một số tương tác thuốc của Tiphagliptin 50 gồm:

  • Trong các nghiên cứu tương tác thuốc, Sitagliptin không gây những tác động lâm sàng lên dược động học của các thuốc gồm: Metformin, simvastatin, warfarin, rosiglitazone, glyburide và viên uống tránh thai. Dựa trên các dữ liệu này, Sitagliptin không gây ức chế các isoenzyme CYP là CYP3A4, 2C8 và 2C9. Ngoài ra, Sitagliptin cũng không có tác dụng ức chế CYP2D6, 1A2, 2C19, 2B6 hoặc cảm ứng CYP3A4;
  • Sử dụng metformin với liều lặp lại 2 lần/ngày cùng với Sitagliptin đều không làm thay đổi ý nghĩa dược động học của Sitagliptin ở người bệnh tiểu đường tuýp 2;
  • Các thuốc dùng đồng thời không có ý nghĩa lâm sàng trên dược động học của Sitagliptin như: Thuốc trị tăng cholesterol máu (statin, fibrat, ezetimibe), thuốc kháng tiểu cầu (clopidogrel), thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid (naproxen, diclofenac, celecoxib), thuốc trị tăng huyết áp (thuốc chẹn beta, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc ức chế ACE, thuốc ức chế kênh calci, hydrochlorothiazide), thuốc kháng histamin (cetirizin), thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lansoprazol), các thuốc trị rối loạn cương dương (sildenafil);
  • Diện tích dưới đường cong và trung bình nồng độ đỉnh của thuốc digoxin tăng nhẹ khi dùng đồng thời với Sitagliptin. Mức tăng này không có ý nghĩa trên lâm sàng. Dù vậy, vẫn nên giám sát người bệnh đang sử dụng thuốc digoxin. Không khuyến cáo điều chỉnh liều dùng Sitagliptin hay digoxin;
  • Khi sử dụng 1 liều đơn Sitagliptin 100mg cùng với 1 liều đơn cyclosporin 600mg thì AUC và Cmax của Sitagliptin tăng lên. Những thay đổi này không có ý nghĩa trên lâm sàng. Không khuyến cáo điều chỉnh liều dùng Sitagliptin khi dùng chung với cyclosporin hoặc các chất ức chế p-glycoprotein khác.

Khi sử dụng thuốc Tiphagliptin 50, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt theo mọi chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng và thời gian dùng thuốc. Việc này đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh của thuốc và hạn chế đáng kể nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan