Công dụng thuốc Tiphator

Thuốc Tiphator có thành phần hoạt chất chính là Atorvastatin, thường được sử dụng để làm giảm nồng độ Cholesterol ở bệnh nhân có tăng Cholestrol máu.

1. Tiphator là thuốc gì?

Thuốc Tiphator được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco – Việt Nam và lưu hành trên thị trường với số đăng ký là VD – 24284 – 16. Tiphator được xếp vào nhóm thuốc tim mạch, thành phần hoạt chất chính của thuốc là Atorvastatin.

Dạng bào chế: Viên nén bao phim, mỗi viên chứa 20mg Atorvastatin (dưới dạng Atorvastatin calcium trihydrat) và các tá dược khác của nhà sản xuất.

Dạng đóng gói: Hộp 3 vỉ x 10 viên hoặc chai 100 viên.

2. Công dụng thuốc Tiphator

Atorvastatin là chất ức chế HMG- CoA reductase, có công dụng làm giảm Cholesterol máu. Atorvastatin có công dụng làm giảm Cholesterol toàn phần cũng như LDL-Cholesterol – là 1 loại Cholesterol xấu đóng vai trò chủ yếu trong bệnh mạch vành. LDL-Cholesterol giảm có ý nghĩa làm chậm tiến triển, thậm chí đảo ngược bệnh mạch vành.

Khác với các thuốc khác cùng nhóm, Atorvastatin có thể làm giảm nồng độ triglyceride máu.

3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Tiphator

Thuốc Tiphator thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị hỗ trợ cùng với liệu pháp ăn uống để làm giảm nồng độ Cholesterol toàn phần và LDL-Cholesterol, apolipoprotein B, triglycerid và làm tăng HDL-Cholesterol ở những bệnh nhân tăng Cholesterol máu nguyên pháp, rối loạn lipid máu thể hỗn hợp, tăng Cholesterol máu có tính gia đình dị hợp tử, tăng triglyceride máu.
  • Dự phòng biến cố tim mạch ở người bệnh tăng Cholesterol máu nhằm giảm nguy cơ tai biến mạch vành (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, phải làm thủ thuật tái tạo mạch vành, đột quỵ, tử vong).
  • Ngăn ngừa sự tiến triển của xơ vữa động mạch vành.

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng Tiphator trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Tiphator.
  • Người có bệnh gan tiến triển hoặc tăng men transaminase huyết thanh liên tục.
  • Phụ nữ có thai
  • Phụ nữ cho con bú

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Tiphator

Tiphator là thuốc kê đơn vì vậy người bệnh chỉ được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ theo liệu trình điều trị. Bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều lượng và đường dùng của thuốc. Đồng thời, không nên sử dụng chung thuốc Tiphator với người khác hoặc đưa thuốc cho người khác sử dụng ngay cả khi họ có cùng chẩn đoán.

Liều lượng:

  • Tăng Cholesterol máu (có tính gia đình dị hợp tử và không có tính gia đình), rối loạn lipid máu thể hỗn hợp: Khởi đầu với liều 10 – 20mg / lần / ngày. Với những bệnh nhân cần giảm LDL-Cholesterol trên 45% có thể khởi đầu với 40mg / lần / ngày. Khoảng liều điều trị của Tiphator là 10 – 80mg / lần / ngày. Sau khi điều trị hoặc sau khi tăng liều thuốc, cần đánh giá lại chỉ số lipid máu trong 2 – 4 tuần để điều chỉnh liều thích hợp.
  • Tăng Cholesterol máu có tính gia đình đồng hợp tử: 10 – 80 mg / ngày, phối hợp với các biện pháp hạ lipid máu khác.
  • Ngoài ra, Tiphator có thể được phối hợp với Resin nhằm tăng hiệu quả điều trị.
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều thuốc Tiphator

Cách dùng: Thuốc Tiphator được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và dùng theo đường uống, có thể uống thuốc bất kỳ lúc nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn.

Xử trí khi quên liều thuốc Tiphator:

  • Nếu thời điểm phát hiện quên liều cách thời điểm uống thuốc chỉ 1 – 2 giờ thì có thể bổ sung liều khác càng sớm càng tốt. Nếu thời điểm phát hiện quên liều gần với lần dùng thuốc tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên, tiếp tục dùng liều tiếp theo như bình thường. Không sử dụng thêm thuốc để bù liều đã quên. Bệnh nhân nên chú ý dùng thuốc đúng chỉ dẫn, không nên để quên liều nhiều lần trong một liệu trình điều trị.

Xử trí khi quá liều thuốc Tiphator:

  • Khi nghi ngờ bệnh nhân quá liều, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Không có điều trị đặc hiệu khi quá liều Tiphator, điều cần thiết là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân. Vì thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương nên thẩm tách máu không giúp loại trừ thuốc ra khỏi cơ thể đáng kể.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Tiphator

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Tiphator có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác trong quá trình sử dụng như:

  • Thường gặp: táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, suy nhược, tăng men gan hồi phục sau khi ngưng thuốc.
  • Ít gặp: bệnh cơ.

Nếu các tác dụng không mong muốn do Tiphator tiến triển nghiêm trọng hoặc bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác, hãy liên lạc ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

6. Tương tác thuốc

Để sử dụng thuốc Tiphator an toàn và hiệu quả, tránh hiện tượng tương tác thuốc, bệnh nhân cần liệt kê và thông báo với bác sĩ về tất cả thuốc đang dùng để điều trị những bệnh khác. Một vài loại thực phẩm và đồ uống như nước ép bưởi, thức ăn lên men, rượu bia, nước trà, nước chè, cà phê, ... có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng những loại thực phẩm này trong quá trình điều trị với Tiphator.

Các thuốc đã được chứng minh là có tương tác với Tiphator như:

  • Thuốc chống đông máu, Indandione khi kết hợp với Tiphator sẽ làm tăng thời gian chảy máu hoặc thời gian prothrombin. Do đó, cần theo dõi thời gian prothrombin ở bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông.
  • Thuốc ức chế miễn dịch, Niacin, Cyclosporine, Erythromycin, Gemfibrozil khi dùng chung với Tiphator làm tăng nguy cơ bệnh cơ.
  • Digoxin: Khi phối hợp với Tiphator gây tăng nhẹ nồng độ Digoxin trong huyết thanh.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tiphator

  • Sử dụng thuốc Tiphator cho phụ nữ có thai: Chống chỉ định sử dụng ở phụ nữ có thai. Chỉ dùng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh để khi đã thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn. Nếu có thai khi đang dùng thuốc thì nên ngưng thuốc và thông báo với bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc Tiphator cho phụ nữ đang cho con bú: Chưa có đủ bằng chứng về việc Tiphator có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do khả năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng lên trẻ bú mẹ, chống chỉ định sử dụng thuốc Tiphator ở phụ nữ cho con bú.
  • Thuốc Tiphator có thể gây chóng mặt nên cần thận trọng khi sử dụng cho người lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao, ...
  • Trước khi bắt đầu điều trị với Tiphator cần loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu thứ phát và thực hiện định lượng các chỉ số lipid và làm định kỳ ít nhất mỗi 4 tuần.
  • Nếu trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tăng creatine kinase tăng, viêm cơ hoặc nồng độ men gan tăng gấp 3 lần giới hạn bình thường thì nên giảm liều hoặc ngưng thuốc.
  • Bệnh nhân cần có chế độ ăn kiêng hợp lý trước khi điều trị và duy trì chế độ ăn này trong suốt quá trình điều trị.
  • Thận trọng khi sử dụng ở thuốc Tiphator người bệnh rối loạn chức năng gan, uống nhiều rượu.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Tiphator trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, không ẩm ướt (độ ẩm dưới 80%), tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng cường độc cao, nhiệt độ từ 5 – 30 độ C.
  • Để Tiphator tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Không dùng thuốc Tiphator đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, mùi vị, không còn nguyên tem nhãn.
  • Không vứt thuốc Tiphator vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi được yêu cầu.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Tiphator, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng. Lưu ý, Tiphator là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, gây biến chứng nặng nề.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

308 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan