Công dụng thuốc Trixlazi

Thuốc Trixlazi được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính gồm canxi, magie, kẽm và vitamin D3. Thuốc được dùng để bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất này cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau.

1. Thuốc Trixlazi có tác dụng gì?

Thuốc Trixlazi có thành phần gồm: Calci carbonat (canxi), Magnesium hydroxide (magie) , Zinc sulfate (kẽm) và Cholecalciferol (vitamin D3). Các thành phần của thuốc Trixlazi có công dụng như sau:

  • Calci: Calci dạng uống được sử dụng để điều trị hạ calci huyết mạn tính và thiếu calci. Hạ calci huyết xảy ra trong những trường hợp suy cận giáp mạn, giả suy cận giáp, còi xương, nhuyễn xương, suy thận mạn, hạ calci huyết do dùng thuốc chống co giật, thiếu vitamin D. Thiếu calci huyết xảy ra khi chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ lượng calci cần thiết cho nhu cầu cơ thể. Giảm calci huyết gây co giật, cơn tetani, chậm lớn, rối loạn hành vi và nhân cách, chậm phát triển trí não, biến dạng xương, gây còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người trưởng thành;
  • Magnesi: Là nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Cùng với calci, magnesi tham gia vào nhiều chức năng cơ thể. Nếu không cung cấp đủ magnesi thì calci sẽ không được bổ sung vào xương;
  • Kẽm: Là nguyên tố vi lượng thiết yếu có trong nhiều hệ enzyme. Sự thiếu hụt kẽm trầm trọng có thể gây tiêu chảy, tổn thương da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm phát triển ở trẻ em. Triệu chứng thiếu hụt kẽm gồm mất cảm nhận vị giác và khứu giác, vết thương chậm lành;
  • Vitamin D3: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng trên chuyển hóa các chất vô cơ (chủ yếu là calci và phosphat). Khi thiếu vitamin D3, ruột sẽ không hấp thu đủ calci và phospho, làm calci máu giảm. Lúc này, calci được huy động từ xương ra để ổn định nồng độ calci máu, gây hậu quả trẻ chậm lớn, còi xương, chậm biết đi, chậm kín thóp, chân vòng kiềng. Còn người lớn có nguy cơ loãng xương, xốp xương và xương thưa dễ gãy. Phụ nữ mang thai bị thiếu vitamin D3 có thể sinh ra trẻ bị khuyết tật ở xương.

Chỉ định sử dụng thuốc Trixlazi: Bổ sung canxi, magie, kẽm và vitamin D3 trong chế độ ăn ở những người bị thiếu hụt khoáng chất, đặc biệt là:

  • Trong thời kỳ mãn kinh, sau mãn kinh;
  • Trẻ em đang lớn;
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú;
  • Người lớn tuổi.

Thuốc Trixlazi không được phép kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Người bị mẫn cảm, dị ứng với các tá dược/thành phần của thuốc;
  • Liên quan tới calci carbonat: Rung thất trong hồi sức tim, tăng calci huyết, bệnh tim và bệnh thận, đang sử dụng digitalis (nguy cơ ngộ độc digitalis), calci niệu nặng và loãng xương do bất động, u ác tính phá hủy xương.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Trixlazi

Thuốc Trixlazi được dùng bằng đường uống. Liều dùng khuyến cáo của thuốc là 2 viên/ngày hoặc 1 viên x 2 lần/ngày, uống thuốc trước bữa ăn.

Hiện chưa ghi nhận trường hợp quá liều khi sử dụng thuốc Trixlazi. Khi nồng độ calci máu vượt quá 2,6mmol/L (10,5mg/100mL) được coi là tăng calci huyết. Nếu ngừng sử dụng calci có thể giải quyết được tình trạng nhẹ ở bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, có chức năng thận bình thường.

Khi nồng độ calci huyết vượt quá 2,9mmol/L (12mg/100mL) thì ngay lập tức sử dụng các biện pháp can thiệp gồm: Bù dịch bằng truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9%; cho lợi tiểu cưỡng bức bằng furosemid hoặc acid ethacrynic nhằm tăng thải trừ calci và natri nếu dùng quá nhiều dung dịch natri clorid 0,9%; theo dõi nồng độ kali và magie trong máu, thay thế máu sớm để đề phòng biến chứng; theo dõi điện tâm đồ, có thể sử dụng các chất chẹn β-adrenergic để phòng ngừa loạn nhịp tim nặng; có thể thẩm phân máu, sử dụng calcitonin và adreno corticoid trong điều trị; xác định nồng độ calci máu trong từng khoảng thời gian nhất định để có định hướng điều trị thích hợp.

Nếu quên dùng 1 liều thuốc Trixlazi, người bệnh nên uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu gần với liều kế tiếp thì bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo vào đúng thời điểm như đã lên kế hoạch từ trước.

3. Tác dụng phụ của thuốc Trixlazi

Khi sử dụng thuốc Trixlazi, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ hiếm gặp như: Táo bón, mặt đỏ bừng, ra mồ hôi, huyết áp thấp,... Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, xử trí.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Trixlazi

Trước và trong khi sử dụng thuốc Trixlazi, người bệnh nên lưu ý:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Trixlazi trong các trường hợp tăng calci niệu nhẹ, chứng suy thận mãn tính, có triệu chứng tích tụ calci ở thận. Nên thường xuyên theo dõi nồng độ calci trong nước tiểu;
  • Thuốc Trixlazi không gây hại cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú khi dùng liều theo nhu cầu thông thường hằng ngày.

5. Tương tác thuốc Trixlazi

Một số tương tác thuốc của Trixlazi gồm:

  • Các thuốc ức chế thải trừ calci qua thận gồm: Các thiazid, chlorthalidon, clopamid, ciprofloxacin, thuốc chống co giật;
  • Calci làm giảm hấp thu các thuốc: Fleroxacin, levofloxacin, lomefloxacin, demeclocyclin, doxycyclin, metacyclin, oxytetracyclin, tetracyclin, minocyclin, enoxacin, norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin, kẽm, sắt và các khoáng chất thiết yếu khác;
  • Calci làm tăng độc tính trên tim của các glycosid digitalis (vì tăng nồng độ calci huyết làm tăng tác dụng ức chế Na+-K+-ATPase của glycosid tim;
  • Các thuốc glucocorticoid, phenytoin sẽ làm giảm hấp thu calci qua đường tiêu hóa;
  • Một chế độ ăn có thành phần phytat, oxalat sẽ làm giảm hấp thu calci vì các thành phần này kết hợp với nhau tạo thành những phức hợp khó hấp thu;
  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc Trixlazi với cholestyramin hoặc colestipol hydroclorid vì sẽ làm giảm hấp thu vitamin D3 ở ruột;
  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc Trixlazi với phenobarbital và hoặc phenytoin vì các thuốc này có thể làm giảm nồng độ 25-hydroxy-cholecalciferol và 25-hydro ergocalciferol trong huyết tương, tăng chuyển hóa vitamin D3 thành các chất không có hoạt tính;
  • Không nên sử dụng đồng thời thuốc Trixlazi với corticosteroid vì sẽ cản trở tác dụng của vitamin D3.

Thuốc Trixlazi giúp bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cho cơ thể, ngăn ngừa tình trạng còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn,... Khi dùng thuốc, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả tốt nhất và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan