Công dụng thuốc Uforgan

Uforgan có thành phần chính là Acid ursodeoxycholic, có tác dụng điều trị sỏi mật bằng cách làm giảm nồng độ cholesterol trong dịch mật. Thuốc Uforgan được chỉ định điều trị sỏi túi mật, xơ gan nguyên phát, viêm đường mật nguyên phát, bệnh gan ứ mật hoặc phòng ngừa sự hình thành sỏi mật.

1. Uforgan là thuốc gì?

Thuốc Uforgan có thành phần chính Acid ursodeoxycholic, là muối mật tự nhiên có mặt với một hàm lượng rất thấp trong cơ thể. Khác với các muối mật nội sinh khác, Acid ursodeoxycholic rất ái nước và không có tính tẩy rửa. Acid ursodeoxycholic có tác dụng lên chu trình gan ruột của các acid mật nội sinh, giúp làm tăng tiết dịch mật, giảm tái hấp thu dịch mật bằng cách ức chế tái hấp thu chủ động tại ruột, từ đó làm giảm nồng độ các acid mật nội sinh trong máu. Acid ursodeoxycholic có tác dụng điều trị sỏi mật bằng cách làm giảm nồng độ cholesterol trong dịch mật.

Ngoài ra, acid ursodeoxycholic còn giúp duy trì cholesterol ở dạng hòa tan trong dịch mật. Trong bệnh gan ứ mật mãn tính, sự hiện diện acid ursodeoxycholic làm giảm tính bào mòn của muối mật và làm giảm tính độc của chúng. Acid ursodeoxycholic cũng có thể bảo vệ tế bào gan khỏi tác hại của các acid mật độc hại như iithocholat, deoxycholat và chenodeoxycholat ở những bệnh nhân bị bệnh gan mãn tính.

2. Công dụng của thuốc Uforgan

Thuốc Uforgan được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Sỏi túi mật ở bệnh nhân bị sỏi cản quang túi mật không vôi hóa có đường kính nhỏ hơn 20mm không bắt buộc phẫu thuật cắt bỏ túi mật hoặc bệnh nhân có nguy cơ cao khi phẫu thuật như người lớn tuổi, phản ứng khi gây mê toàn thân.
  • Ngăn ngừa sự hình thành sỏi mật ở bệnh nhân béo phì và đang giảm cân nhanh.
  • Cải thiện chức năng gan trong bệnh xơ gan nguyên phát.
  • Bệnh gan ứ mật.
  • Rối loạn gan mật liên quan đến xơ nang ở trẻ từ 6 tuổi đến 18 tuổi.
  • Viêm đường mật nguyên phát.

Thuốc Uforgan chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Dị ứng với acid mật.
  • Bệnh nhân có biến chứng sỏi mật như viêm loét dạ dày-tá tràng, viêm ống mật, viêm túi mật, tắc nghẽn ống mật, viêm tụy hoặc cơn đau do sỏi mật.
  • Bệnh nhân có sỏi calci.
  • Suy giảm khả năng co bóp của túi mật hoặc túi mật không hoạt động.
  • Bệnh viêm ruột.
  • Bệnh nhân có các tình trạng ảnh hưởng tới sự tái tuần hoàn của acid mật trong gan như ứ mật ngoài gan, ứ mật trong gan, tụ máu hồi tràng...

3. Liều lượng và cách dùng của thuốc Uforgan

3.1 Liều dùng thuốc Uforgan

Điều trị làm tan sỏi mật:

  • Liều thuốc Uforgan khuyến cáo là 8 - 10mg/kg/ngày (chia làm 2-3 lần, uống trong bữa ăn). Thời gian điều trị từ 6 - 12 tháng. Sau khi sỏi đã tan, khuyến cáo bệnh nhân tiếp tục sử dụng tối thiểu 3 tháng để đẩy nhanh sự hòa tan các phần tử nhỏ.

Phòng ngừa sự hình thành sỏi mật:

  • Liều thuốc Uforgan khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân béo phì và đang giảm cân nhanh là 800mg x 2 lần/ ngày, uống trong bữa ăn.

Bệnh gan ứ mật:

  • Khuyến cáo sử dụng Uforgan với liều 13 - 15mg/kg/ngày, chia làm 2 lần, dùng trong bữa ăn.

Xơ gan nguyên phát:

  • Liều thuốc Uforgan khuyến cáo là 10-15mg/kg/ngày, chia theo thể trọng

3.2. Cách dùng thuốc Uforgan

Bệnh nhân có thể uống 1 lần vào buổi tối hoặc chia thành 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Thời gian điều trị thông thường kéo dài 6 tháng, tuy nhiên nếu sỏi có kích thước lớn hơn 1cm thì thời gian điều trị có thể lên đến 1 năm.

4. Tác dụng phụ của thuốc Uforgan là gì?

Bệnh nhân sử dụng thuốc Uforgan có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

  • Thường gặp: Dị ứng, viêm túi mật, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm bạch cầu, tiêu chảy, phân nhão.
  • Hiếm gặp: Mề đay, vôi hóa sỏi mật, đau bụng trên, bên phải nghiêm trọng khi điều trị xơ gan mật nguyên phát.
  • Không xác định tần suất: Ngứa, buồn nôn và nôn. Triệu chứng ngứa ngáy, mề đay gia tăng khi bắt đầu điều trị chứng ứ mật nặng. Do đó, liều khởi đầu khuyến cáo của bệnh nhân trong trường hợp này là 200mg/ngày.

5. Lưu ý chung khi sử dụng thuốc Uforgan

  • Nếu bệnh nhân khó nuốt do kích thước của thuốc, có thể bẻ đôi viên thuốc nếu cần theo vạch chia sẵn.
  • Bệnh nhân sử dụng acid ursodeoxycholic nên kiểm tra các chỉ số SGPT (ALT), SGOT (AST), GGT, ALP, bilirubin tại thời điểm trước và sau trị liệu để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Theo dõi chỉ số huyết thanh ngay khi bắt đầu điều trị, sau 1 tháng đến 3 tháng đầu và sau mỗi 6 tháng trong suốt quá trình điều trị. Bệnh nhân nên ngưng sử dụng ursodeoxycholic acid khi men gan tăng.
  • Để đánh giá quá trình điều trị và phát hiện kịp thời sự vôi hóa của sỏi mật, nên kiểm tra hiệu quả điều trị bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh vào thời điểm 6-10 tháng sau khi bắt đầu điều trị. Nếu không thể nhìn thấy túi mật trên hình ảnh X-quang hoặc trường hợp sỏi mật đã vôi hóa, suy giảm khả năng co bóp của túi mật hay các cơn đau quặn mật thường xuyên, không nên sử dụng acid ursodeoxycholic.
  • Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy khi dùng thuốc, phải giảm liều tùy và theo dõi triệu chứng. Trường hợp tiêu chảy nặng và kéo dài, nên ngừng thuốc Uforgan.
  • Nên tránh ăn quá nhiều calo và cholesterol vì một chế độ ăn uống ít cholesterol có thể giúp cải thiện hiệu quả điều trị của acid ursodeoxycholic.
  • Bệnh nhân bị xơ gan kết hợp với suy giảm chức năng tế bào gan hoặc ứ mật nên được theo dõi chức năng gan định kỳ
  • Trường hợp ứ mật gây mẩn ngứa, liều dùng của acid ursodeoxycholic nên được tăng lên với liều khởi đầu là 200mg/ngày. Trong trường hợp này, việc sử dụng đồng thời Cholestyramin là cần thiết với điều kiện Cholestyramin phải được dùng cách 5 giờ so với acid ursodeoxycholic.
  • Bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc Uforgan có thể xảy ra tiêu chảy. Khi xảy ra tình trạng này, có thể xử trí bằng cách điều trị triệu chứng và phục hồi cân bằng nước, điện giải. Nhựa trao đổi ion có thể hữu ích để liên kết các acid mật trong ruột. Theo dõi các xét nghiệm chức năng gan cũng được khuyến khích trong trường hợp quá liều Uforgan.
  • Phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy khả năng gây quái thai. Do vậy không sử dụng thuốc Uforgan trong thời kỳ mang thai và người có ý định mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú: Không sử dụng thuốc Uforgan ở phụ nữ đang cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể thay đổi hiệu quả điều trị và/hoặc gia tăng tác dụng không mong muốn của thuốc. Sau đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng thuốc Uforgan:

  • Bệnh nhân không nên sử dụng với các loại thuốc kích thích tố estrogen do các thuốc này có thể làm gia tăng cholesterol mật.
  • Tránh sử dụng Uforgan với các thuốc gắn với acid mật khác như các thuốc kháng acid, than hoạt tính vì có thể làm giảm hiệu quả trị liệu.
  • Không dùng đồng thời thuốc Uforgan với Cholestyramin vì tác dụng của acid ursodeoxycholic sẽ bị giảm do gắn kết với cholestyramin và bị thải ra ngoài. Nếu cần dùng chung, nên dùng cách 5 giờ với thời điểm dùng acid ursodeoxycholic.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Uforgan, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Uforgan là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan