Công dụng thuốc Uloviz

Uloviz có chứa hoạt chất chính là Furosemid. Ở bệnh nhân suy tim, bệnh gan, thận, thường có một lượng nước dư thừa được tích tích trữ trong cơ thể gây ra hiện tượng phù nề. Khi đó, Furosemide thường được chỉ định như một loại thuốc lợi tiểu, đào thải bớt nước và muối cho người bệnh, làm giảm tình trạng phù.

1. Thuốc Uloviz công dụng là gì?

Thuốc Uloviz có hoạt chất chính là Furosemid hàm lượng 40 mg, thuộc nhóm thuốc lợi tiểu quai. Furosemid có tác dụng ngăn cơ thể hấp thụ quá nhiều muối, từ đó cho phép muối đi qua nước tiểu. Thuốc Uloviz thường được sử dụng để điều trị giữ nước, phù nề ở những người bị suy tim sung huyết, bệnh gan, thận hoặc tăng huyết áp.

Furosemid thuộc nhóm thuốc lợi tiểu dẫn chất sulfonamid, có tác dụng mạnh, nhanh và phụ thuộc vào liều lượng. Furosemid tác dụng tại nhánh lên của quai Henle, do vậy thuốc được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai. Cơ chế tác dụng chủ yếu của Furosemid là ức chế hệ thống đồng vận chuyển các chất điện giải Na+, K+, 2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, giúp tăng thải trừ những chất trên kèm theo tăng bài xuất nước. Đồng thời, Furosemid cũng làm tăng đào thải Ca2+ và Mg2+. Thuốc có tác dụng lợi tiểu mạnh, từ đó kéo theo tác dụng hạ huyết áp, nhưng thường yếu. Ở người bệnh phù phổi, Furosemid làm tăng thể tích tĩnh mạch, do đó làm giảm huyết áp tiền gánh cho thất trái trước khi thấy rõ tác dụng lợi tiểu.

Thuốc Uloviz hấp thu tốt qua đường uống, tác dụng lợi tiểu xuất hiện nhanh (sau 30 phút), đạt nồng độ tối đa sau 1 - 2 giờ và duy trì tác dụng từ 4 - 6 giờ. Tác dụng chống tăng huyết áp có thời gian kéo dài hơn. Với người bệnh phù nặng, do ảnh hưởng trực tiếp của việc giảm hấp thu đường tiêu hóa nên có thể làm giảm sinh khả dụng của thuốc. Sự hấp thu của Furosemid có thể giảm và thời gian hấp thu có thể kéo dài bởi thức ăn. 1/3 lượng thuốc hấp thu sẽ được thải trừ qua thận, còn lại thải trừ qua nước tiểu, chủ yếu dưới dạng không chuyển hóa, thuốc thải trừ hoàn toàn trong 24 giờ.

Thuốc Uloviz thường được chỉ định trong điều trị:

2. Cách dùng thuốc Uloviz

Thuốc Uloviz được bào chế ở dạng viên nén, dùng bằng đường uống.

Liều dùng:

Điều trị phù:

  • Người lớn: Dùng liều 20 - 80 mg/lần/ngày vào buổi sáng. Nếu thuốc không đáp ứng, tăng liều thêm 20 - 40 mg/lần x 3 - 4 lần/ngày cho tới khi đạt hiệu quả. Khi thuốc đạt hiệu quả thì có thể uống 1 - 2 lần/ngày hoặc cho uống 2 - 4 ngày liên tiếp/tuần. Nếu triệu chứng phù nặng thì có thể cân nhắc và thận trọng điều chỉnh liều lên tới 600 mg/ngày.
  • Trẻ em: Dùng liều 2 mg/kg/lần/ngày. Nếu thuốc không đáp ứng thì có thể tăng thêm 1 - 2 mg/kg x 3 - 4 lần/ngày cho tới liều tối đa 6 mg/kg.

Điều trị tăng huyết áp:

  • Người lớn: Dùng liều 20 - 40 mg/lần x 2 lần/ngày. Theo dõi chặt chẽ huyết áp của người bệnh khi dùng Furosemid đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác. Khi dùng liều 40 mg x 2 lần/ngày mà huyết áp không giảm, khuyến nghị nên thêm một thuốc chống tăng huyết áp khác sẽ tốt hơn là tăng liều Furosemid. Liều tối đa 1 ngày là 480 mg chia làm nhiều lần.
  • Trẻ em: Khởi đầu bằng liều 0,5 - 2 mg/kg x 1 - 2 lần/ngày. Nếu cần thiết có thể tăng lên đến 6 mg/kg/ngày.

Lưu ý:

Tùy vào từng đối tượng với những độ tuổi và tình trạng bệnh khác nhau mà sẽ liều dùng được chỉ định khác nhau. Người bệnh nên tuân thủ liều dùng cũng như lịch trình dùng thuốc thật chính xác và đầy đủ để đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp quên liều thuốc Uloviz thì cần dùng ngay sau khi nhớ ra đã quên liều. Nếu lúc đó gần với thời điểm dùng liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và dùng tiếp theo đúng lịch trình dùng thuốc. Không dùng gấp đôi để bù vào liều đã quên để tránh tình trạng quá liều.

Khi quá liều thuốc Uloviz, các triệu chứng thường gặp:

  • Mất nước.
  • Bị giảm thể tích máu.
  • Tình trạng hạ huyết áp.
  • Mất cân bằng điện giải, hạ K+ huyết, nhiễm kiềm giảm Cl-.

Xử trí tình trạng quá liều:

  • Bù nước và điện giải.
  • Đánh giá nồng độ điện giải trong huyết thanh, mức CO2 và huyết áp thường xuyên. Phải luôn đảm bảo dẫn lưu đầy đủ ở những bệnh nhân bị tắc đường ra của nước tiểu từ trong bàng quang (như phì đại tuyến tiền liệt).
  • Không cần thiết thực hiện phương pháp thẩm phân máu vì phương pháp này không giúp tăng thải trừ Furosemid.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Uloviz

3.1. Chống chỉ định của thuốc Uloviz

  • Người bệnh mẫn cảm với thành phần của thuốc là Furosemid hoặc với các dẫn chất sulfonamid như sulfamid chữa đái tháo đường.
  • Người bệnh có tình trạng tiền hôn mê gan hoặc hôn mê gan.
  • Người bệnh có tình trạng vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.

3.2. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Uloviz

Tác dụng không mong muốn chủ yếu xảy ra khi sử dụng Uloviz ở liều cao (chiếm 95% trong số phản ứng có hại). Thường gặp nhất là triệu chứng mất cân bằng điện giải (5% người bệnh đã điều trị). Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở người bệnh suy giảm chức năng gan và người bệnh suy thận khi điều trị liều cao Furosemid trong thời gian dài. Ngoài ra, còn có một số trường hợp nhiễm cảm ánh sáng.

Thường gặp (ADR > 1/100):

  • Tuần hoàn: Giảm thể tích máu trong trường hợp liệu pháp điều trị bằng Furosemid liều cao. Hạ huyết áp thế đứng.
  • Chuyển hóa: Giảm K+ huyết, giảm Na+ huyết, giảm Mg2+ huyết, giảm Ca2+ huyết, tăng acid uric huyết, nhiễm kiềm do giảm Cl- huyết.

Ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100):

  • Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn.

Hiếm gặp (ADR < 1/1000):

  • Máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
  • Da: Ban da, viêm mạch, dị cảm (chỉ những cảm giác, xúc giác không bình thường như tê rần, kim châm, kiến bò, buốt lạnh, nhồn nhột,... trên da)
  • Chuyển hóa: Tăng glucose niệu, tăng glucose huyết.
  • Thính giác: Ù tai, giảm thính lực có hồi phục (thường gặp khi dùng liều cao).

Cách xử trí khi gặp tác dụng không mong muốn:

  • Tình trạng mất cân bằng điện giải bao gồm các triệu chứng như đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút, thường xảy ra khi dùng thuốc Uloviz ở liều cao và trong thời gian kéo dài. Do vậy cần kiểm tra thường xuyên điện giải đồ. Việc bổ sung K+ hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ K+ có thể được chỉ định cho người bệnh có nguy cơ cao phát triển hạ K+ huyết.
  • Việc sử dụng thuốc lợi tiểu tác dụng mạnh như Furosemid có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não. Vì vậy không dùng thuốc để dự phòng tăng huyết áp cho người cao tuổi.

3.3. Tương tác thuốc

Một số thuốc có thể gây tương tác khi dùng chung với thuốc Uloviz:

  • Các thuốc lợi niệu khác.
  • Kháng sinh (cephalosporin, aminoglycosid, vancomycin): Có thể gây tăng độc tính trên thận.
  • Muối lithium: Làm tăng nồng độ lithium, có thể gây độc.
  • Glycosid tim: Làm tăng độc tính của thuốc do hạ K+ máu.
  • Thuốc chống viêm không steroid.
  • Corticosteroid.
  • Thuốc chống đái tháo đường.
  • Thuốc giãn cơ không khử cực.
  • Thuốc chống đông.
  • Cisplatin: Làm tăng độc tính trên thính giác.
  • Thuốc hạ huyết áp.
  • Phenytoin, carbamazepin.
  • Cloral hydrat.
  • Probenecid.
  • Clopromazin, diazepam, clonazepam, halothan, ketamin.

3.4. Một số lưu ý khác khi dùng thuốc Uloviz.

  • Thận trọng khi dùng thuốc Uloviz cho những người mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tiểu khó, vì có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp.
  • Đối với phụ nữ mang thai: Furosemid qua được hàng rào nhau thai và gây rối loạn nước, chất điện giải cho thai nhi. Ngoài ra, nhiều trường hợp có thể gây giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, trong 3 tháng cuối thai kỳ, thuốc Uloviz chỉ được dùng khi không có thuốc thay thế và chỉ với liều thấp nhất trong thời gian ngắn.
  • Đối với phụ nữ cho con bé: Dùng Furosemid trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế tiết sữa. Nếu bắt buộc cần dùng thuốc Uloviz thì nên ngừng cho con bú.

Thuốc Uloviz và các thuốc lợi tiểu quai thường được dùng để chỉ định trong các các trường hợp phù nề do tăng huyết áp, suy tim, bệnh gan, thận bởi tác dụng nhanh, mạnh. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho cơ thể. Do vậy, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc có bất cứ triệu chứng bất thường nào thì cần liên hệ y tế khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan