Công dụng thuốc uniferon b9

Thuốc Uniferon B9 là một trong những sản phẩm được ưa chuộng sử dụng nhất hiện nay. Vậy để tìm hiểu cụ thể xem thuốc Uniferon B9 là thuốc gì? Thuốc Uniferon B9 công dụng là gì? Cách sử dụng ra sao? Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Uniferon B9? Cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin cần thiết về Uniferon B9 công dụng qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Uniferon B9 công dụng

1.1. Uniferon B9 là thuốc gì?

Thuốc Uniferon B9 với ba thành phần là Ferrous ion - 33mg, Acid folic - 350mg, Vitamin B12 - 5mg, thuộc nhóm thuốc vitamin và khoáng chất, được bào chế dưới dạng viên nén bọc đường do công ty Cổ Phần Dược Tw Mediplantex sản xuất. Được biết đến với tác dụng bổ sung thiếu máu do thiếu sắt và acid folic ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Với giá cả hợp lý, thành phần hoạt chất cao, Uniferon B9 hứa hẹn là sản phẩm đáng để cạnh tranh với các loại thuốc có cùng thành phần.

1.2. Uniferon B9 công dụng là gì?

Sắt là thành phần không thể thiếu trong việc kết hợp với Hemoglobin, quan trọng trong tạo máu. Acid Folic (hay còn được biết đến với cái tên là Vitamin B9) là một Vitamin thiết yếu, vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp Nucleotid và ổn định hình dạng hồng cầu bình thường.

Thuốc Uniferon B9 được các bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Điều trị thiếu máu do thiếu sắt và Acid Folic.
  • Dự phòng thiếu sắt với những đối tượng có nhu cầu cao về khoáng chất này nhưng việc cung cấp bằng đường ăn uống không đáp ứng được như phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Dùng cho những người mà sự hấp thu sắt giảm như bệnh nhân bị viêm ruột mạn, những người sau phẫu thuật cắt dạ dày.
  • Cơ thể mắc các tình trạng dẫn đến kém hấp thu sắt: Cắt đoạn dạ dày, viêm ruột mạn, viêm teo niêm mạc dạ dày.
  • Hỗ trợ làm giảm chứng xanh xao ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt và thiếu nữ đang phát triển.

2. Cách sử dụng của thuốc Uniferon B9

2.1. Cách dùng thuốc Uniferon B9

  • Thuốc dùng đường uống.
  • Thuốc được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói, nhưng thuốc có khả năng gây kích ứng niêm mạc dạ dày nên thường uống trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Chú ý không nhai viên thuốc khi uống.

2.2. Liều dùng của thuốc Uniferon B9

  • Người lớn không có thai dùng dự phòng thiếu máu do thiếu sắt, acid folic: Uống 2 viên/tuần.
  • Người lớn bị thiếu máu do thiếu sắt, acid folic: Uống 2 viên/ngày. Đợt điều trị khoảng 8 - 12 tuần.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: Uống 2 viên/ngày, dùng đều đặn suốt thời gian mang thai cho tới 1 tháng sau khi sinh.

2.3. Quá liều

  • Triệu chứng:

Liều gây chết 80 - 250 mg Fe2+/ngày. Dưới 30 mg Fe2+/ngày: gây độc mức độ trung bình. Trên 60 mg Fe2+/ngày: gây độc nghiêm trọng.

Triệu chứng: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy kèm ra máu, nhiễm acid, mất nước, sốc kèm ngủ gà. Sau đó có thể giai đoạn tưởng bình phục.

Khoảng 6 - 24 giờ tiếp theo, triệu chứng lại xuất hiện trở lại với bệnh trụy tim mạch, bệnh đông máu, biểu hiện như: Glucose huyết, sốt cao, nhiễm độc gan, hôn mê, cơn co giật, suy thận. Nguy cơ thủng ruột tăng khi uống liều cao. Giai đoạn hồi phục có thể gây hẹp môn vị, xơ gan, nhiễm khuẩn huyết.

  • Xử trí:
    • Rửa dạ dày ngay bằng sữa (hoặc dung dịch cacbonat). Nếu có thể, định lượng sắt trong huyết thanh.
    • Sau khi rửa sạch dạ dày, bơm dung dịch deferoxamine (5 - 10 g Deferoxamine hòa tan trong 50 - 100 mL nước) vào dạ dày qua ống thông.

Nếu lỡ dùng quá liều và xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng, đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời.

3. Chống chỉ định của thuốc Uniferon B9

  • Bệnh nhân mẫn cảm với sắt (II) sulfate hoặc acid folic.
  • Không sử dụng Uniferon B9 khi cơ thể thừa sắt như nhiễm hemosiderin, bệnh mô nhiễm sắt và thiếu máu tán huyết.
  • Hẹp thực quản, túi cùng đường tiêu hóa.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi và người cao tuổi.

4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Uniferon B9

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc
  • Không được dùng thuốc Uniferon B9 phối hợp cùng với vitamin B12 với liều không đủ để điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Uniferon B9 cho người bệnh có viêm ruột, nghi ngờ loét dạ dày hoặc viêm loét ruột kết mạn.
  • Thuốc cung cấp những chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và của người mẹ. Do đó an toàn, không gây tác động xấu tới thai nhi. Nên được phép sử dụng cho phụ nữ có thai.
  • Thuốc Uniferon B9 không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Không nên uống thuốc khi nằm
  • Trong trường hợp khi vào cơ thể bệnh nhân mà thuốc không dung nạp được thì lập tức dừng việc sử dụng.
  • Người có nồng độ sắt trong máu ở mức bình thường tránh dùng trong 1 khoảng thời gian lâu.
  • Tránh trường hợp dùng thuốc quá hạn.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia để xử lý thuốc quá hạn 1 cách an toàn, không gây hại môi trường.
  • Lưu ý sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú: Thuốc dùng tốt cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú.

5. Tác dụng phụ của thuốc Uniferon B9

Thuốc khá an toàn nên gần như có rất ít tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể gặp phải một số tình trạng như các rối loạn tiêu hóa ví dụ như đau bụng, tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy, phân có thể sẫm màu hoặc đen (điều này không có ý nghĩa về mặt lâm sàng) hoặc ngứa, nổi ban, mày đay. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc nếu có bất kỳ biểu hiện nào khác thường bạn cần phải báo lại ngay với chúng tôi để có thể xử trí một cách kịp thời và chính xác nhất.

6. Cách bảo quản thuốc Uniferon B9

  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, trong bao bì kín, để thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Không để thuốc gần nơi có các thiết bị mà khi sử dụng phát ra nhiệt độ cao hơn nhiệt độ phòng như tivi, tủ lạnh, lò vi sóng.
  • Không để thuốc ở nơi có độ ẩm cao như nhà tắm, chú ý để xa tầm với của trẻ em.
  • Không sử dụng khi hết hạn sử dụng in trên bao bì.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan