Công dụng thuốc Vacocerin

Vacocerin là thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid, được chỉ định cho các trường hợp cần giảm đau, hạ sốt. Để tìm hiểu chi tiết về thuốc Vacocerin, mời bạn đọc cùng theo dõi qua bài viết ngay sau đây.

1. Thuốc Vacocerin là thuốc gì?

Thuốc Vacocerin là thuốc gì? Vacocerin thuốc biệt dược có thành phần chính là Diacerein 50mg, có tác dụng điều trị gút và các bệnh liên quan tới xương khớp, được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược Vacopharm.

  • Tên dược phẩm: Vacocerin.
  • Phân loại: Thuốc.
  • Nhóm thuốc: Thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc điều trị gút và các bệnh liên quan tới xương khớp, nhóm chống viêm không Steroid.
  • Thành phần: Diacerein 50mg.
  • Dạng bào chế: Viên nang cứng.
  • Quy cách đóng gói: Đóng gói theo hộp 200 viên, 500 viên, 1000 viên hoặc hộp 3 vỉ, 5 vỉ, 10 vỉ, 50 vỉ, 100 vỉ x 10 viên hoặc chai 100 viên, 200 viên, 500 viên.

2. Công dụng thuốc Vacocerin

Theo kết quả của các cuộc nghiên cứu in-vitro và in-vivo đã chỉ ra rằng Diacerein và Rhein - chất chuyển hoá có hoạt tính của nó có khả năng ức chế quá trình sản xuất và hoạt động của Interleukin-1, chất tiền viêm và tiền dị hoá, ở cả lớp sâu lãn nông của sụn trong dịch màng hoàng dịch và màng hoạt dịch. Đồng thời nó còn kích thích khả năng sản xuất yếu tố tăng trưởng chuyển dạng (TGF-b) cùng những thành phần của chất căn bản ngoài tế bào như acid hyaluronic, aggrecan, proteoglycan và chất tạo keo type II.

Bên cạnh đó, các chất này còn có tác dụng ức chế thực bào cũng như sự di chuyển của đại thực bào. Kết quả của một số nghiên cứu trên một số mô hình viêm xương khớp ở động vật cho thấy, Diacerein khiến cho hằng định sự thoái hoá sụn giảm so với nhóm không được điều trị.

Ngoài ra, nghiên cứu lâm sàng còn chỉ ra khả năng giảm đau đáng kể và cải thiện chức năng khớp đáng kể khi so với việc dùng giả dược (placebo) sau thời gian 1 tháng điều trị với Diacerein. Còn ở những nghiên cứu khác, kết quả cho thấy tác dụng có lợi của quá trình điều trị bằng Diacerein còn kéo dài ít nhất trong 2 tháng sau khi đã dừng điều trị.

Chính vì những tác động kể trên, thuốc Vacocerin được chỉ định để điều trị triệu chứng của các bệnh liên quan tới xương khớp.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Vacocerin

3.1. Liều dùng

Liều dùng và thời gian uống thuốc đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

  • Liều thông thường: Sử dụng mỗi lần 1 viên, ngày uống 2 lần vào 2 bữa ăn chính trong một thời gian dài.
  • Người bệnh nên bắt đầu điều trị với liều 1 viên/ngày trong 2 tuần đầu tiên, bởi Diacerein có thể làm tăng nhanh thời gian thức ăn qua ruột ở 2 tuần đầu, sau đó có thể tăng lên liều 2 viên/ngày.
  • Các tác dụng có lợi quan sát được sau khoảng 2 - 4 tuần điều trị, chính vì vậy người bệnh không nên ngừng điều trị trước khi hiệu quả của thuốc được thể hiện rõ ràng.
  • Do tác động ban đầu khá chậm (sau 2 - 4 tuần điều trị) cùng khả năng dung nạp tốt qua đường tiêu hoá nên Diacerein có thể kết hợp cùng thuốc giảm đau hoặc một thuốc kháng viêm trong 2 - 4 tuần điều trị đầu tiên.

3.2. Cách dùng

Thuốc được khuyến cáo nên uống nguyên viên thuốc trong các bữa ăn chính với một ly nước đầy, không nên nghiền nhỏ hoặc nhai nhỏ viên thuốc.

3.3. Xử lý khi quá liều, quên liều thuốc Vacocerin

Quá liều: Trong trường hợp sử dụng quá liều hoặc khẩn cấp, xuất hiện biểu hiện nguy hiểm, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được hướng dẫn cách xử lý an toàn và kịp thời.

Quên liều: Nếu bỏ quên một liều trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh nên dùng bổ sung càng sớm càng tốt (có thể uống thuốc cách khoảng 1 - 2 giờ so với thời gian mà bác sĩ yêu cầu).

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vacocerin

4.1. Chống chỉ định

Thuốc Vacocerin chống chỉ định trong các trường hợp cụ thể sau đây:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với Diacerein và các thành phần hoạt chất, tá dược của thuốc.
  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn với dẫn xuất anthraquinone.

4.2. Tác dụng phụ

Những tác dụng phụ không mong muốn thường gặp khi người bệnh điều trị bằng Diacerein là làm sự tăng nhanh thời gian thức ăn đi qua ruột và gây đau bụng. Các triệu chứng trên có thể xảy ra trong những ngày đầu tiên điều trị, đồng thời bắt gặp trong hầu hết trường hợp, chúng sẽ tự giảm dần và biến mất trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, điều trị bằng Diacerein còn có thể khiến cho nước tiểu có màu vàng sậm hơn.

Có thể thấy, các tác dụng phụ xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc đều không quá nguy hiểm. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần theo dõi tình trạng sức khỏe, các biểu hiện của cơ thể, nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ.

4.3. Chú ý đề phòng

  • Không nên kê đơn Diacerein cho trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, bởi cho tới nay vẫn chưa có các nghiên cứu lâm sàng của thuốc dành cho nhóm tuổi này.
  • Không nên sử dụng kết hợp Diacerein cùng với các thuốc nhuận tràng.
  • Diacerein cũng có thể xảy ra tương tác với các thuốc khác. Chính vì vậy, cần tránh sử dụng đồng thời với oxide hoặc hydroxide nhôm, magie, calci hoặc các thuốc chứa muối. Bởi chúng có thể làm giảm khả năng hấp thụ Diacerein, trong trường hợp bắt buộc phải dùng chung hai loại thuốc trên, người bệnh nên sử dụng vào các thời điểm khác nhau (cách ít nhất 2 giờ sau khi uống Diacerein).
  • Trong quá trình sử dụng thuốc, nên kiêng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích... bởi chúng có chứa các hoạt chất khác, có nguy cơ gây hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng với thuốc.
  • Không nên sử dụng Diacerein cho phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nguyên nhân là do có báo cáo cho thấy vẫn có một lượng nhỏ các dẫn xuất của Diacerein đi vào tuyến sữa của mẹ và có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ nhỏ.

Trên đây là thông tin về công dụng thuốc Vacocerin cũng như thành phần, liều lượng, cách dùng và những lưu ý quan trọng. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

529 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan