Công dụng thuốc Xopenex

Thuốc Xopenex công dụng trong điều trị hoặc dự phòng cho những người bị bệnh tắc nghẽn đường thở có thể hồi phục, bao gồm hen suyễn và một số vấn đề về hô hấp liên quan đến dị ứng. Các thông tin khái quát về thành phần, công dụng, cách sử dụng và tác dụng phụ của thuốc Xopenex sẽ giúp bệnh nhân nâng cao được kết quả điều trị.

1. Các loại thuốc Xopenex:

Thuốc Xopenex được bào chế dưới 2 dạng:

1.1. Xopenex (Levalbuterol hydrochloride)

Bào chế dưới dạng dung dịch lỏng dùng cho máy phun sương (máy khí dung), một máy có thể biến đổi thuốc dạng lỏng thành dạng sương mù có thể hít vào được.

Hàm lượng:

  • 0,31 mg/3 ml;
  • 0,63 mg/3 ml;
  • 1,25 mg/3 ml;
  • Xopenex cũng có sẵn ở dạng dung dịch lỏng đậm đặc hàm lượng: 1,25 mg/0,5 ml. Dung dịch này phải được pha loãng trước khi có thể được thực hiện với máy phun sương.

1.2. Xopenex HFA (Levalbuterol tartrate)

Bào chế trong bình xịt khí dung được thực hiện bằng cách sử dụng ống hít định lượng (một ống hít giải phóng các tia thuốc có thể được hít vào).

Xopenex HFA có trong hộp khí dung 15 gam (mỗi hộp chứa 200 lần xịt). Mỗi lần xịt từ ống hít sẽ cung cấp 59 mcg Xopenex HFA, tương đương với 45 mcg Levalbuterol tartrate.

1.3. Cơ chế tác dụng

Levalbuterol hay còn gọi là Levosalbutamol là chất chủ vận adrenergic beta2, hoạt hóa các thụ thể trên mô cơ trơn của đường thở thông qua cơ chế kích hoạt Adenylate Cyclase để tăng nồng độ của Cyclic Adenosine Monophosphate (AMP). Khi nồng độ AMP vòng tăng lên sẽ kích hoạt Protein Kinase A, cản trở quá trình Phosphoryl hóa Myosin và làm giảm nồng độ Canxi trong tế bào cơ trơn. Kết quả là làm giảm cơ trơn và làm giảm các triệu chứng co thắt phế quản. Levalbuterol làm giãn đường thở từ khí quản xuống tiểu phế quản tận cùng.

2. Công dụng của các loại thuốc Xopenex

  • Xopenex (Levalbuterol hydrochloride) được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa co thắt phế quản ở những người từ 6 tuổi trở lên bị bệnh tắc nghẽn đường thở có hồi phục.
  • Xopenex HFA (Levalbuterol tartrate) được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa co thắt phế quản ở những người từ 4 tuổi trở lên bị bệnh tắc nghẽn đường thở có hồi phục.
  • Bệnh tắc nghẽn đường thở có hồi phục bao gồm các tình trạng như hen phế quản và một số vấn đề về hô hấp khác liên quan đến dị ứng.

3. Chống chỉ định của thuốc Xopenex

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Xopenex.
  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác có chứa Levalbuterol hydrochloride hay Levalbuterol tartrate.

4. Liều lượng và cách sử dụng các loại thuốc Xopenex

4.1. Xopenex (Levalbuterol hydrochloride)

Liều dùng

  • Người trên 12 tuổi: Phun khí dung 0.63 mg/lần x 3 lần/ngày (mỗi 6 đến 8 giờ). Liều tối đa của Xopenex thường là 1,25 mg/lần x 3 lần/ngày.
  • Người từ 6 đến 11 tuổi: Phun khí dung 0.31 mg/lần x 3 lần/ngày (mỗi 6 đến 8 giờ). Liều tối đa của Xopenex thường là 0,63 mg/lần x 3 lần/ngày.

Cách dùng:

  • Xopenex có dạng dung dịch lỏng được sử dụng bằng máy phun sương (máy khí dung). Với máy phun sương, thuốc dạng lỏng sẽ chuyển thành dạng sương.
  • Sau khi cho dung dịch Xopenex vào bên trong máy phun sương, đặt mặt nạ máy phun sương lên mũi và miệng, sau đó hít hơi sương được tạo ra từ máy. Thường mất khoảng 5 đến 15 phút cho mỗi lần điều trị.
  • Mỗi máy phun sương sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau. Đọc hướng dẫn của nhà sản xuất dành cho máy để đảm bảo việc vận hành máy phun sương được hiệu quả.
  • Trẻ em và người cao tuổi cần được trợ giúp để thiết lập và sử dụng máy phun sương.

4.2. Xopenex HFA (Levalbuterol tartrate)

Liều dùng:

  • Người trên 4 tuổi: Xịt 2 nhát (tổng 90 mcg)/lần mỗi 4 đến 6 giờ.

Cách sử dụng:

  • Xopenex HFA bào chế dưới dạng bình xịt khí dung được sử dụng bằng ống hít định lượng (MDI).
  • Hít sâu và chậm sau khi xịt thuốc để đảm bao hít được tất cả lượng thuốc vào trong phổi. Ống hít định lượng (MDI) thường khó sử dụng hơn máy phun sương.

5. Lưu ý khi sử dụng các loại thuốc Xopenex

Tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng Xopenex

Điều trị bằng thuốc Xopenex với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Dị ứng quá mẫn: Ban da, ngứa, đỏ bừng (nóng và ửng đỏ trên da), nặng hơn có thể gặp sưng tấy dưới da, thường ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân, sưng lưỡi/ miệng hoặc cổ họng, khó thở.
  • Thần kinh: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
  • Tim mạch: Nhịp tim tăng, tăng hoặc tụt huyết áp, đánh trống ngực.
  • Hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi và đau họng. Khó thở, khò khè, tức ngực.
  • Sinh hóa: Hạ Kali máu gây ngất xỉu, ngứa ran hoặc tê, chuột rút cơ, loạn nhịp tim.

Ngừng sử dụng thuốc Xopenex sau khi phát hiện những tác dụng phụ trên hoặc bất kỳ các bất thường khác. Bệnh nhân và người thân nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ hay dược sĩ về việc dùng thuốc Xopenex hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Lưu ý sử dụng thuốc Xopenex ở các đối tượng sau:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Xopenex ở người có tiền sử dị ứng với các thuốc giãn phế quản. Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý tim mạch, hạ Kali máu, đái tháo đường.
  • Phụ nữ có thai: Theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoạt chất Levalbuterol thuộc nhóm C, có bằng chứng về nguy cơ trên thai kỳ. Vì thế, hạn chế sử dụng thuốc Xopenex trên phụ nữ có thai trừ khi lợi ích của nó mang lại lớn hơn tác hại có thể gặp phải.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Các nghiên cứu chưa biết rõ liệu Levalbuterol trong thuốc Xopenex có đi qua sữa mẹ hay không. Những phụ nữ đang cho con bú cần trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc Xopenex.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có thể gặp phải một vài tác dụng phụ sau khi sử dụng thuốc Xopenex.

6. Tương tác thuốc Xopenex và Xopenex HFA:

Tương tác với các thuốc khác

  • Sử dụng Xopenex hoặc Xopenex HFA với Albuterol có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Dùng thuốc lợi tiểu như Hydrochlorothiazide (Microzide), Furosemide (Lasix), Bumetanide (Bumex)... kết hợp với thuốc Xopenex hoặc Xopenex HFA có thể làm giảm Kali máu.
  • Sử dụng Xopenex hoặc Xopenex HFA với các thuốc chẹn Beta như Atenolol (Tenormin), Metoprolol (Toprol), Bisoprolol (Zebeta), Labetalol (Trandate)... có thể làm giảm hiệu quả của thuốc Xopenex hoặc Xopenex HFA trong việc giảm co thắt phế quản.
  • Sử dụng Xopenex hoặc Xopenex HFA với Digoxin làm giảm hấp thu Digoxin từ đó làm giảm hiệu quả của việc điều trị.
  • Không nên dùng những loại thuốc chống trầm cảm dưới đây cùng lúc hoặc trong vòng 2 tuần kể từ khi sử dụng Xopenex hoặc Xopenex HFA:
    • Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) như Selegiline (Emsam), Phenelzine (Nardil)
    • Thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline, Desipramine (Norpramin), Nortriptyline (Pamelor).

Trên đây là thông tin cơ bản về thành phần, công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Xopenex. Nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất, bệnh nhân và người thân nên đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

142 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan