Phacodolin là thuốc gì?

Thuốc Phacodolin là một thuốc kháng sinh, được bào chế dưới dạng tiêm truyền hoặc dạng viên nén dùng đường uống. Thuốc được dùng trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn kỵ khí hay dự phòng nhiễm khuẩn cho một số đối tượng có nguy cơ cao.

1. Phacodolin là thuốc gì?

Phacodolin là một dạng kháng sinh được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền, có thành phần chính là Tinidazol 500 mg trong mỗi chai 100ml hoặc được bào chế dưới dạng viên nén 500mg.

Tinidazol là một kháng sinh thuộc nhóm Tinidazole. Đây là một dẫn xuất thay thế của hợp chất imidazole có tác động kháng nguyên sinh động vật và kháng vi khuẩn kỵ khí.

Tác dụng của kháng sinh Tinidazole:

  • Tinidazole có tác dụng chống lại vi khuẩn kỵ khí và cả động vật đơn bào là do thuốc xâm nhập vào tế bào vi sinh vật, sau đó tác dụng gây tổn hại trên các chuỗi ADN hay ức chế sự tổng hợp của chúng.
  • Tinidazole có hoạt tính điều trị trên cả nguyên sinh động vật và vi khuẩn kỵ khí bắt buộc. Tác động kháng động vật nguyên sinh bao gồm một số loại như Trichomonas vaginalis, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia.
  • Tinidazole có hoạt tính chống lại hầu hết các vi khuẩn kỵ khí bao gồm: Bacteroides fragilis, Bacteroides spp., Bacteroides melaninogenicus, Clostridium spp., Eubacterium spp., Fusobacterium spp., Peptococcus spp., Peptostreptococcus spp., Veillonella spp.

Nhờ tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn và động vật nguyên bào mà nó được dùng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Phacodolin

Thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp sau đây:

  • Ngăn ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do các loại vi khuẩn kỵ khí gây ra, đặc biệt là những nhiễm khuẩn sau phẫu thuật đại tràng, đường tiêu hóa và phụ khoa.
  • Nhiễm khuẩn kỵ khí như: Viêm phúc mạc, áp-xe, nhiễm khuẩn phụ khoa như viêm nội mạc tử cung, viêm cơ tử cung, viêm âm đạo không đặc hiệu, áp-xe tử cung-buồng trứng, nhiễm khuẩn huyết.
  • Nhiễm khuẩn trên da và mô mềm.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới: Viêm phổi, viêm mủ ở màng phổi, áp-xe phổi.
  • Viêm loét lợi cấp tính.
  • Bệnh Trichomonas đường sinh dục, tiết niệu ở cả nam lẫn nữ.
  • Bệnh Giardia.
  • Bệnh amip ruột, amip gan.

Thuốc không dùng trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với imidazol hoặc các dẫn chất khác của nhóm nitro imidazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị hội chứng Stevens – Johnson.
  • Tiền sử rối loạn huyết học, rối loạn thần kinh thực thể.
  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu và phụ nữ khi cho con bú.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Phacodolin

Cách dùng thuốc: Thuốc được bào chế dưới dạng tiêm tĩnh mạch sẽ được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Còn dạng viên uống thì được uống cùng nước trong hoặc sau bữa ăn.

Liều dùng thuốc như sau:

Truyền tĩnh mạch 400 ml dung dịch 2 mg/ml ( tương đương 800 mg tinidazol) với tốc độ 10 ml/phút. Tiếp tục truyền hàng ngày 800 mg/1 lần hoặc 400 mg/2 lần/ngày, cho đến khi người bệnh uống được thuốc.

Dùng đường uống tùy theo từng trường hợp:

  • Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật: Người lớn uống liều duy nhất 2g tinidazol trước phẫu thuật 12 giờ.
  • Ðiều trị nhiễm khuẩn kỵ khí: Người lớn ngày đầu uống 2 g, sau đó uống 1g dùng 1 lần mỗi ngày hoặc uống 500 mg, hai lần/ngày. Người bệnh thường được chỉ định điều trị trong 5 đến 6 ngày và thời gian điều trị còn tùy thuộc vào kết quả lâm sàng; Khi điều trị triệt để nhiễm khuẩn ở một số vị trí khó khăn thì cần thiết phải kéo dài điều trị trên 7 ngày. Trẻ em dưới 12 tuổi không có đủ dữ liệu dùng trong liều điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí ở trẻ dưới 12 tuổi.
  • Viêm âm đạo không đặc hiệu: Uống liều duy nhất 2g, nhưng tỷ lệ thành công cao hơn nếu dùng liều 2g uống một lần mỗi ngày trong hai ngày liên tiếp.
  • Viêm loét lợi cấp: Uống liều thuốc duy nhất 2g.
  • Bệnh nhiễm trichomonas đường tiết niệu: Khi đã xác định nhiễm khuẩn do Trichomonas vaginalis, người bệnh nên điều trị cùng lúc với bạn tình. Phác đồ dành cho người lớn dùng một liều duy nhất 2g. Trẻ em: Nên dùng liều duy nhất 50 đến 75mg/kg trọng lượng. Ðôi khi có thể cần phải lặp lại liều này một lần nữa.
  • Bệnh Giardia: Với người lớn có thể dùng liều duy nhất 2g mỗi ngày hay một viên 150mg và hai lần mỗi ngày trong vòng 7 ngày. Trẻ em: Uống liều duy nhất 50 đến 75mg/kg trọng lượng. Ðôi khi, bác sĩ có thể chỉ định lại liều này một lần nữa.
  • Amip ruột: Người lớn dùng liều duy nhất 2g trong vòng từ 2 hay 3 ngày hay 600mg hai lần mỗi ngày trong vòng 5 ngày. Trong một vài trường hợp, liều dùng duy nhất trong 3 ngày không hữu hiệu, có thể tiếp tục điều trị cho đến 6 ngày. Khi điều trị hai lần mỗi ngày trong 5 ngày nhưng không hữu hiệu, có thể tiếp tục điều trị thuốc uống cho đến 10 ngày. Trẻ em có thể uống một liều đơn 50 đến 60 mg/kg trọng lượng mỗi ngày trong vòng ba ngày liên tiếp.
  • Amip gan: Khi điều trị có thể cần phải kết hợp với chọc hút mủ. Dùng liều khởi đầu theo đường uống với liều đơn là 1,5 đến 2g mỗi ngày trong vòng 3 ngày. Nếu dùng 3 ngày không hiệu lực, có thể tiếp tục điều trị thuốc uống cho đến 6 ngày. Có thể dùng theo cách khác đó là uống 600mg hai lần mỗi ngày trong vòng 5 ngày. Nếu điều trị năm ngày không có hiệu lực, có thể tiếp tục điều trị tiếp cho đến 10 ngày. Trẻ em dùng liều duy nhất 50 đến 60mg/kg trọng lượng mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp.

Liều dùng thuốc trên có thể dùng tham khảo, bạn nên dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao nhất.

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Phacodolin

Các tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng không xảy ra thường xuyên, thường nhẹ và tự khỏi. Các tác dụng phụ bao gồm:

  • Trên đường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng và lưỡi có vị kim loại.
  • Các phản ứng quá mẫn hiếm gặp nhưng lại rất nghiêm trọng, có thể thấy các biểu hiện như khó thở, phù mạch, phát ban,... Khi thấy các dấu hiệu này thì người bệnh cần phải tới cơ sở y tế ngay.
  • Dị ứng có thể xuất hiện dưới dạng nổi ban da, ngứa, mề đay.
  • Các rối loạn thần kinh đi kèm với việc sử dụng Tinidazole bao gồm chóng mặt, choáng váng, mất điều phối vận động, bệnh thần kinh ngoại vi (dị cảm, rối loạn giác quan, giảm cảm giác) và hiếm khi có xuất hiện co giật.
  • Giống như các thuốc tương tự trong nhóm, Tinidazole có thể gây giảm bạch cầu thoáng qua. Các tác dụng phụ hiếm hơn được báo cáo khác là nhức đầu, mệt mỏi và nước tiểu có màu sẫm.

Người bệnh nên thông báo với bác sĩ khi thấy các tác dụng phụ, đặc biệt các tác dụng phụ nghiêm trọng.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Phacodolin

Trước khi dùng thuốc bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Bạn nên thông báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng, các thuốc đang sử dụng và tình trạng bệnh lý khác nếu có.
  • Những người có tiền sử rối loạn máu hay rối loạn thần kinh trước đó có nguy cơ cao hơn gặp phải tác dụng phụ này. Vì thế, nếu xuất hiện tình trạng co giật hay bệnh thần kinh ngoại vi thì cần ngừng thuốc và báo với bác sĩ.
  • Đây là thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn kỵ khí hay ký sinh trùng nhạy cảm với loại kháng sinh này. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc dùng không đúng liều chỉ định để tránh tình trạng đề kháng với kháng sinh.
  • Thuốc chống chỉ định dùng ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, vì nó có thể qua hàng rào nhau thai. Thuốc chưa có bằng chứng về mức độ an toàn với thời kỳ mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, cho nên khuyến cáo không dùng và chỉ dùng khi lợi ích lớn hơn nguy cơ.
  • Bảo quản thuốc ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời, để xa tầm tay của trẻ em. Không dùng thuốc khi có những dấu hiệu hư hỏng, quá hạn sử dụng.

Thuốc Phacodolin được dùng dưới chỉ định của bác sĩ, bạn không tự ý dùng khi chưa được chỉ định. Tránh tình trạng đề kháng với thuốc và gây những tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan