Phản ứng phụ khi sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Quang Ánh Nguyệt - Dược sĩ phụ trách nhà thuốc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Thuốc kháng histamin cho trẻ em chủ yếu được sử dụng để trị sổ mũi và dị ứng. Vậy thuốc kháng histamin dùng cho trẻ sơ sinh có được không, phản ứng phụ khi sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ em là gì?

1. Sơ lược về thuốc kháng histamin

Trong cơ thể, histamin tồn tại trong các mô của da, phổi, niêm mạc miệng, dạ dày. Khi cơ thể bị dị ứng, các tác nhân dị ứng sẽ tác động lên phức hợp protein và giải phóng histamin, gây ra sự gia tăng tính thấm thành mạch, làm cho chất lỏng thoát ra từ mao mạch vào các mô. Lúc này trên lâm sàng cơ thể phản ứng lại bằng hiện tượng dị ứng bao gồm các triệu chứng từ sổ mũi và chảy nước mắt đến phát ban, đỏ da, phù nề, khó thở, ngứa, ho, buồn nôn...trầm trọng hơn là gây sốc phản vệ.

Thuốc kháng histamine mà mục tiêu là thụ thể histamin H1 được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng ở mũi (ví dụ như, ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi), nổi mày đay, ban da, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, các trường hợp bị côn trùng cắn... Ngoài ra, một số thuốc được dùng làm thuốc chống say tàu xe do có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, an thần nhẹ, làm giảm các rối loạn tiền đình, chóng mặt và buồn nôn, cũng như đối với chứng mất ngủ. Thuốc kháng histamin H2 chỉ cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 của tế bào thành dạ dày làm giảm tiết dịch vị nên được sử dụng trong điều trị loét dạ dày - tá tràng. Trong bài này, chỉ đề cập đến thuốc kháng histamine H1.

2. Thuốc kháng histamin cho trẻ em là thuốc gì?

Thuốc kháng histamine H1 dùng cho trẻ em chủ yếu để điều trị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, ho do kích ứng, ngứa, mề đay. Cần lựa chọn loại thuốc và dạng bào chế an toàn cho từng độ tuổi của trẻ.

Dưới 6 tháng: theo chỉ định của bác sỹ.

Từ 6 tháng đến 2 tuổi: Cetirizin, Desloratadin, Fexofenadine (chỉ dùng dạng xi rô)

Từ 2 tuổi đến 6 tuổi: 3 thuốc trên, Clarityne (có thể dùng viên nhưng phải nghiền ra)

Từ 12 tuổi trở lên: 4 thuốc trên, Levocetirizin (có thể nuốt viên).

chlorpheniramine
Thuốc chlorpheniramine 4mg

3. Phản ứng phụ khi sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ em

Trẻ em và người cao tuổi là hai đối tượng dễ gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng histamin. Dưới đây là một số phản ứng phụ khi sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ em:

  • Tăng huyết áp, nhịp tim rối loạn, chóng mặt, choáng váng.
  • Khó ngủ, giấc ngủ bị rối loạn.
  • Lừ đừ, khó thở, phát ban đỏ.
  • Chức năng gan, tuần hoàn máu bị rối loạn.
  • Trẻ bị kích thích quá mức (do không dung nạp thuốc).

3. Ngộ độc thuốc kháng histamin cho trẻ em

Ngoài một số tác dụng phụ nêu trên, việc sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ em cần đặc biệt lưu tâm. Nếu trẻ không nằm trong độ tuổi sử dụng hoặc dùng thuốc quá liều hoặc lạm dụng thuốc sẽ dẫn đến ngộ độc thuốc kháng histamin với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Sốt cao, co giật, gồng người, vẹo cổ, thè lưỡi, mắt trợn.
  • Suy hô hấp, ngừng thở, đồng tử giãn, tim ngừng đập.
  • Xuất huyết não.
Trẻ sốt bao nhiêu độ thì co giật? (Phần 2)
Trẻ có thể gặp tình trạng sốt cao co giật khi lạm dụng thuốc kháng histamin

4. Phòng tránh các phản ứng phụ do thuốc kháng histamin cho trẻ em gây ra

Để phòng tránh những phản ứng phụ do thuốc kháng histamin cho trẻ em gây ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần đặc biệt chú ý:

  • Không tự ý mua và sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Trẻ dưới 1 tuổi không được tự ý dùng thuốc kháng histamin trị sổ mũi vì có thể khiến bệnh khó điều trị, đồng thời làm dày niêm mạc mũi. Nguy hiểm nhất là có thể gây ngộ độc do các chức năng và cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện.
  • Nếu có dấu hiệu bị ngộ độc, trẻ cần được đến cơ sở y tế ngay lập tức để được theo dõi và điều trị đúng cách.

Thuốc kháng histamin cho trẻ em có thể gây ra một số phản ứng phụ mà nhiều bậc phụ huynh không lưu ý, thường cho qua. Khi sử dụng thuốc kháng histamin cho trẻ cần đặc biệt chú ý, tốt nhất là phải có chỉ định và hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan