Sử dụng thuốc chống động kinh thế nào để đạt tác dụng tối đa?

Điều trị động kinh tập trung vào 3 mục đích chính: Kiểm soát cơn động kinh, hạn chế tối đa các tác dụng phụ và phục hồi chất lượng sống cho bệnh nhân. Người bệnh cần hiểu rõ loại thuốc chống động kinh mình đang sử dụng và tuân thủ điều trị để có tác dụng tối đa và hạn chế tác dụng phụ.

1. Khi nào cần sử dụng thuốc động kinh?

Bác sĩ thường chỉ kê đơn thuốc chống co giật khi bệnh nhân có ít nhất từ 2 cơn co giật trở lên, với mục đích loại trừ trường hợp cơn co giật đầu tiên như một sự cố. Nếu bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra cơn co giật thứ 2, hoặc cơn co giật có thể dẫn đến chấn thương nặng, bác sĩ sẽ kê thuốc chống co giật ngay sau cơn co giật đầu tiên.

Thuốc chống co giật có thể gây ra một vài tác dụng không mong muốn và tăng các nguy cơ. Do vậy, nếu bệnh nhân không muốn uống thuốc hàng ngày, bác sĩ sẽ trao đổi thêm với bệnh nhân lúc nào cần bắt đầu sử dụng thuốc cho phù hợp.

2. Các yếu tố cân nhắc khi lựa chọn thuốc chống động kinh?

Việc lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại động kinh của bệnh nhân, các tác dụng không mong muốn của thuốc, tương tác thuốc có thể gặp phải khi dùng kèm với các thuốc điều trị bệnh lý nền của bệnh nhân, các bệnh mắc kèm, tuổi tác, kế hoạch mang thai đối với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, chi phí....

  • Đề lựa chọn được loại thuốc thích hợp với từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ điều chỉnh dần loại thuốc và liều dùng. Do đó, trong giai đoạn đầu tiên sau khi uống thuốc, bệnh nhân cần đến khám để bác sĩ hiệu chỉnh liều thuốc nhằm tìm ra liều dùng thấp nhất mà vẫn có hiệu quả.
  • Chỉ có khoảng 50% bệnh nhân mới dùng thuốc đáp ứng với thuốc tốt ngay từ đầu. Khá nhiều trường hợp cần đổi thuốc để chọn được loại phù hợp nhất. Loại thuốc phù hợp với từng người là thuốc có khả năng ngăn ngừa cơn co giật và ít tác dụng phụ nhất.
  • Nếu bệnh nhân không đáp ứng với 1 loại thuốc, bác sĩ sẽ kết hợp thêm các thuốc chống co giật khác. Giải pháp kết hợp thuốc sẽ được tính đến sau khi bệnh nhân đã thử 2 loại thuốc chống động kinh mà không đáp ứng tốt.

3. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc chống động kinh

Bảng dưới đây trình bày một số tác dụng không mong muốn thường gặp của các thuốc động kinh phổ biến hiện nay:

Tên thuốc Tác dụng không mong muốn thường gặp
Carbamazepine Nôn ói, tiêu chảy, hạ natri máu, phát ban, ngứa
Đau đầu, chóng mặt, mờ mắt
Levetiracetam Mệt mỏi, nhiễm khuẩn
Chóng mặt, lo âu, bồn chồn
Lamotrigine Nổi mẩn, nôn ói
Chóng mặt, run, chứng nhìn đôi
Oxcarbazepine Nôn ói, nổi mẩn, hạ natri máu
Đau đầu, chóng mặt
Phenobarbital Nôn ói, mẩn ngứa
Thay đổi chu kỳ giấc ngủ, thay đổi tính cách, đi loạng choạng
Phenytoin Phì đại nướu (lợi), mẩn ngứa
Lú lẫn, nhìn đôi, đi loạng choạng
Valproate Tăng cân, nôn ói, rụng tóc, các vết bầm trên da
Run, chóng mặt

Người bệnh nên báo ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu/triệu chứng sau:

  • Bắt đầu trầm cảm và có những ý nghĩ liên quan tự tử khi đang dùng thuốc
  • Sốt, nổi mụn nước, xuất hiện ban trên da - Đây có thể là dấu hiệu của hội chứng Stevens-Johnson - một loại phản ứng trên da tuy hiếm gặp nhưng rất nặng. Hội chứng này có thể xảy ra khi dùng carbamazepin, oxcarbazepine, phenytoin, lamotrigine và có thể xảy ra trong vòng 2 tháng đầu sau khi dùng thuốc.

4. Lưu ý để thuốc chống động kinh đạt được tác dụng tối đa

  • Người bệnh cần uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc và cách xử trí với các phản ứng đó. Đặc biệt, trước khi có ý định ngừng thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Không nên dừng thuốc đột ngột vì dễ xảy ra nguy cơ khởi phát cơn động kinh.
  • Thuốc chống co giật có thể tương tác với một số thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng. Do vậy, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thể dùng khi đang uống thuốc chống co giật.
  • Hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn, bởi cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các thuốc. Việc uống quá nhiều bia rượu cũng tăng nguy cơ co giật, đặc biệt vào những ngày sau khi uống.

5. Có thể mang thai khi sử dụng thuốc chống động kinh không?

Các thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai nhi và hiệu quả của các biện pháp tránh thai. Do vậy, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tư vấn với bác sĩ về việc mang thai để bác sĩ có sự điều chỉnh thuốc hoặc biện pháp tránh thai cho phù hợp cho bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan