Tác dụng của thuốc Atovaquone

Atovaquone là thuốc bào chế dưới dạng hỗn dịch dùng đường uống được sử dụng để điều trị bệnh viêm phổi do Pneumocystis carinii ở thanh thiếu niên và người lớn. Vậy thuốc Atovaquone là thuốc gì? Cách sử dụng ra sao?

1. Atovaquone công dụng là gì?

Atovaquone là một chất kháng khuẩn, thuộc nhóm thuốc kháng nấm, được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống 5ml có chứa 750 mg atovaquone.

Thuốc Atovaquone được bác sĩ kê đơn chỉ định cho các trường hợp:

  • Để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh viêm phổi do Pneumocystis pneumonia;
  • Thuốc cũng được chỉ định để điều trị đường uống cấp tính của Pneumocystis jiroveci (PCP) nhẹ đến trung bình ở những bệnh nhân không dung nạp với TMP-SMX;
  • Bệnh sốt rét do Plasmodium falciparum;
  • Bệnh viêm phổi do viêm phổi Jiroveci;
  • Bệnh viêm não do Toxoplasma gondii;
  • Bệnh sốt rét cấp tính, không biến chứng do plasmodium falciparum;
  • Bệnh Babesiosis nhẹ;
  • Bệnh viêm phổi nhẹ do Pneumocystis jiroveci;
  • Bệnh Babesiosis vừa phải;
  • Bệnh viêm phổi do Pneumocystis jiroveci mức độ trung bình.

2. Cách sử dụng của thuốc Atovaquone

Cách dùng thuốc Atovaquone

  • Atovaquone có dạng hỗn dịch (chất lỏng) để uống. Khi Atovaquone được sử dụng để điều trị viêm phổi, nó thường được dùng trong bữa ăn 2 lần một ngày trong 21 ngày. Uống Atovaquone vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Không dùng nhiều hoặc ít hay uống thường xuyên hơn so với quy định của bác sĩ.
  • Cần dùng đủ liều Atovaquone theo quy định, cùng thức ăn. Sự hiện diện của thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm giàu chất béo sẽ làm tăng khả dụng sinh học lên gấp 2-3 lần.
  • Nếu thuốc của bạn được đóng trong chai, hãy lắc nhẹ chai trước mỗi lần sử dụng để trộn đều thuốc. Sử dụng thìa đo liều lượng hoặc cốc để đo lượng chất lỏng chính xác, không sử dụng thìa thông thường trong gia đình.
  • Uống thuốc này cho đến khi kết thúc liệu trình theo chỉ định của bác sĩ. Không ngừng thuốc sớm ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn.

Liều dùng thuốc Atovaquone:

Người trưởng thành mắc bệnh viêm phổi Pneumocystis carinii:

  • 750 mg mỗi lần (tương đương 5ml), uống ngày hai lần liên tục trong vòng 21 ngày.
  • Điều trị liệu pháp thay thế có thể cần thiết nếu các chỉ số trong khí máu động mạch không cải thiện hoặc xấu đi sau từ 7 đến 10 ngày điều trị, hay nếu tình trạng của bệnh nhân trên lâm sàng trầm trọng hơn sau 4 ngày dùng thuốc.

Liều dùng thông thường cho người lớn dự phòng viêm phổi Pneumocystis carinii:

  • 1500 mg (tương đương 10ml), uống một liều duy nhất trong ngày.

Liều dùng thông thường cho người trưởng thành bị nhiễm ký sinh trùng Babesia:

  • 750 mg (tương đương 5ml), uống hai lần mỗi ngày kết hợp với azithromycin (500 đến 600 mg vào ngày đầu tiên, tiếp theo dùng liều từ 250 đến 600 mg mỗi ngày một lần vào các ngày sau đó
  • Hoặc 1000 mg (tương đương 7,5ml), liều duy nhất mỗi ngày trong 3 ngày, tiếp theo dùng một liều 500 mg một lần mỗi ngày cho các ngày sau đó) trong vòng từ 7 đến 10 ngày.

Liều dùng thông thường cho người trưởng thành mắc bệnh sốt rét:

  • 500 đến 750 mg (tương đương 3,5 đến 5ml), dùng cách nhau 12 giờ một lần trong 7 ngày liên tiếp; nên sử dụng thuốc Atovaquone kết hợp với các thuốc trị sốt rét khác.

Liều dùng thông thường cho người trưởng thành bị nhiễm kí sinh trùng Toxoplasma:

  • 750 mg (tương đương 5ml), uống mỗi liều cách nhau 6 giờ trong 2 đến 6 tháng.
  • Liều tương tự cho mỗi 6-8 giờ được sử dụng để điều trị duy trì nhiễm kí sinh trùng Toxoplasma.

Liều dùng thông thường cho trẻ em mắc bệnh viêm phổi Pneumocystis carinii:

  • 1 tháng đến 12 tuổi: 20 mg/kg, đường uống mỗi ngày hai lần.
  • 13 tuổi trở lên: 750 mg (tương đương 5ml), uống mỗi ngày hai lần trong vòng 21 ngày .
  • Liều tối đa: 1500mg/ngày (tương đương 10ml).

Liều dùng thông thường cho trẻ em dự phòng viêm phổi Pneumocystis carinii:

  • 1-3 tháng tuổi: 30mg/kg, đường uống mỗi ngày một lần.
  • 4 tháng đến 2 tuổi: 45 mg/kg, đường uống mỗi ngày một lần.
  • 2-12 tuổi: 30 mg/kg, đường uống mỗi ngày một lần.
  • 13 tuổi trở lên: 1500 mg (tương đương 10ml) uống mỗi ngày một lần.
  • Liều tối đa: 1500mg/ngày (tương đương 10ml).

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị nhiễm ký sinh trùng Babesia

  • 1-12 tuổi: 20 mg/kg, đường uống mỗi ngày hai lần cùng với azithromycin (12 mg/kg, mỗi ngày một lần) trong 7 đến 10 ngày.
  • 13 tuổi trở lên: 750 mg (tương đương 5ml), uống mỗi ngày hai lần cùng với azithromycin (500-600 mg vào ngày đầu tiên, tiếp theo một liều từ 250 đến 600 mg mỗi ngày một lần cho các ngày sau đó hoặc 1000mg mỗi ngày một lần trong 3 ngày, tiếp theo một liều 500 mg mỗi ngày một lần cho các ngày sau đó) trong vòng 7-10 ngày.
  • Liều tối đa: 1500mg/ngày (tương đương 10ml).

3. Chống chỉ định của thuốc Atovaquone

  • Bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần hay tá dược nào của thuốc Atovaquone
  • Phụ nữ có thai: Atovaquone không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai trừ khi lợi ích của việc điều trị cho người mẹ lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra đối với thai nhi.
  • Phụ nữ cho con bú: Người ta không biết liệu Atovaquone có bài tiết qua sữa mẹ hay không, do đó không nên dùng ở phụ nữ cho con bú.

4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Atovaquone

Tiêu chảy khi bắt đầu điều trị đã được chứng minh là có liên quan đến nồng độ Atovaquone trong huyết tương thấp hơn. Những điều này lại tương quan với tỷ lệ thất bại trị liệu cao và tỷ lệ sống sót thấp hơn. Do đó, các liệu pháp thay thế nên được xem xét cho những bệnh nhân.

Bệnh nhân dùng đồng thời Tetracyclin cần được theo dõi chặt chẽ. Nên tránh sử dụng đồng thời Atovaquone và Efavirenz hoặc các chất ức chế Protease tăng cường bất cứ khi nào có thể.

Một số lưu ý khác:

  • Không khuyến cáo sử dụng đồng thời Atovaquone và Rifampicin.
  • Không khuyến cáo sử dụng đồng thời Metoclopramide.
  • Atovaquone có thể làm tăng nồng độ Etoposide và chất chuyển hóa của nó.
  • Không có sẵn dữ liệu về bệnh nhân bị tổn thương miễn dịch không nhiễm HIV đang điều trị với PCP.
  • Chưa có kinh nghiệm lâm sàng về điều trị Atovaquone ở bệnh nhân cao tuổi. Do đó, việc sử dụng ở người cao tuổi cần được theo dõi chặt chẽ.
  • Không nên dùng thuốc quá 7 ngày cho trẻ nhỏ (dưới 3 tuổi) do tăng nguy cơ tích lũy.
  • Nên sử dụng thuốc thận trọng và chỉ dùng khi thật cần thiết, đặc biệt ở bệnh nhân là phụ nữ có thai hoặc cho con bú hay bệnh nhân suy gan, suy thận nặng vì nguy cơ tích lũy cao và tăng độc tính (nhiễm toan chuyển hóa).
  • Bệnh nhân bị bệnh viêm phổi cần được các bác sĩ đánh giá cẩn thận về các nguyên nhân gây bệnh ngoài PCP và nên được điều trị bằng các thuốc bổ sung nếu phù hợp.
  • Thuốc Atovaquone không phát huy hiệu quả đối với các bệnh nấm, virus, vi khuẩn, vi khuẩn Mycobacterium.
  • Trước khi dùng Atovaquone, bạn nên: Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bị dị ứng với Atovaquone hoặc bất kỳ thành phần nào trong hỗn dịch thuốc; đang sử dụng các loại thuốc kê đơn và không kê đơn khác; đang bị hoặc đã từng bị rối loạn đường ruột, rối loạn dạ dày hay bị bệnh về gan; bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú.

5. Tác dụng phụ của thuốc Atovaquone

Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: khó thở; phát ban; sưng mặt, lưỡi, môi hoặc họng. Thông báo cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Da rất dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, suy nhược cơ thể bất thường;
  • Sốt hay các triệu chứng cúm;
  • Xuất hiện mảng trắng trong miệng hoặc cổ họng;
  • Ho nặng tiếng hơn;
  • Triệu chứng co thắt phế quản (tức ngực, khó thở, thở khò khè);
  • Đau họng, sốt và đau đầu kèm rộp da nặng, có bong tróc, hay phát ban da đỏ;
  • Chán ăn, buồn nôn, nước tiểu đậm màu, phân có màu đất sét, vàng da hoặc vàng mắt.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Buồn nôn, hay nôn thực sự, đau bụng hoặc khó chịu bụng ở mức độ nhẹ;
  • Táo bón, tiêu chảy;
  • Đau đầu;
  • Suy nhược có thể, chóng mặt;
  • Đau cơ;
  • Phát ban da nhẹ;
  • Ra mồ hôi;
  • Có các vấn đề giấc ngủ (mất ngủ).

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ khoảng 15-25°C. Giữ thuốc Atovaquone và tất cả các loại thuốc khác ngoài tầm với của trẻ em, không bao giờ chia sẻ thuốc của bạn với người khác và chỉ sử dụng thuốc này dưới sự kê đơn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: go.drugbank.com, medlineplus.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan