Tác dụng của thuốc Biocotron

Thuốc ho Biocotron dạng dung dịch uống thường được kê đơn sử dụng cho các bệnh nhân bị cảm lạnh kèm theo ho có đờm. Thuốc giúp làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, giúp loãng đờm, tống ra được nhiều đờm hơn làm giảm cảm giác tắc nghẽn khó chịu.

1. Thuốc Biocotron là thuốc gì?

Thuốc Biocotron là một thuốc giảm ho long đờm có chứa thành phần chính trong 5ml dung dịch thuốc gồm: Guaifenesin 100mg và Dextromethorphan 10mg, cùng với hệ thống các tá dược như: axit citric, hương anh đào, methylparaben, propylene glycol, propylparaben, nước tinh khiết, natri citrat và sucralose.

Guaifenesin là hoạt chất có tác dụng long đờm, hoạt chất này hoạt động bằng cách làm loãng và làm lỏng chất nhầy có mặt trong đường hô hấp, làm thông đường thở và giúp việc thở của bệnh nhân trở nên dễ dàng hơn. Phối hợp với hoạt chất Dextromethorphan có tác dụng giảm ho nhờ tác động lên trung tâm ho. Thuốc Biocotron được bào chế dưới dạng dung dịch uống, mỗi chai thuốc có thể tích 473 mL.

2. Thuốc Biocotron có tác dụng gì?

Thuốc Biocotron được sử dụng để làm giảm ho do cảm lạnh thông thường, viêm phế quản và các bệnh về hô hấp khác. Thuốc Biocotron làm giảm ho do các nguyên nhân gây kích thích nhẹ cổ họng và phế quản, làm loãng đờm (chất nhầy) và chất tiết trong phế quản giúp ho ra nhiều đờm hơn.

Cần lưu ý, thuốc Biocotron không chữa khỏi hoặc rút ngắn thời gian mắc bệnh cảm lạnh thông thường mà chỉ sử dụng thuốc Biocotron để làm giảm triệu chứng, mang lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Bên cạnh đó, thuốc Biocotron không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Biocotron

Thuốc Biocotron được sử dụng theo đường uống, việc sử dụng thuốc Biocotron đúng cách sẽ giúp tăng hấp thu hoạt chất có trong thuốc, đồng thời đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Không dùng quá 6 liều thuốc Biocotron trong bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ nào, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Mỗi liều thuốc Biocotron được quy định như sau:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 2 muỗng cà phê (10mL) sau mỗi 4 giờ;
  • Trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi: 1 thìa đầy (5mL) sau mỗi 4 giờ;
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: cần phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Biocotron nếu bạn có:

  • Ho có quá nhiều đờm (chất nhầy);
  • Ho kéo dài hoặc mãn tính như ho do hút thuốc, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính hoặc khí phế thũng;
  • Ngừng sử dụng thuốc Biocotron và hỏi bác sĩ nếu ho kéo dài hơn 7 ngày, ho tái phát hoặc kèm theo sốt, phát ban hoặc nhức đầu dai dẳng, vì ho dai dẳng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Biocotron

Khi sử dụng thuốc Biocotron để giảm ho do cảm lạnh, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Liều lượng thuốc Biocotron có thể được bác sĩ điều chỉnh dựa trên tình trạng sức khỏe, tuổi, giới tính và đáp ứng điều trị của mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, không dùng thuốc Biocotron nhiều hơn 7 ngày trừ khi có yêu cầu đặc biệt của bác sĩ.
  • Người bệnh không nên tự ý tăng liều sử dụng thuốc Biocotron hoặc dùng thuốc giảm ho thường xuyên hơn hoặc lâu hơn so với chỉ dẫn.
  • Chỉ sử dụng dụng cụ hoặc thìa đong thuốc để đo liều lượng thuốc Biocotron được chỉ định một cách cẩn thận.
  • Người sử dụng có thể dùng thuốc Biocotron gần hoặc xa bữa ăn, điều này không làm ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, nếu bị đau dạ dày, bệnh nhân nên dùng thuốc Biocotron cùng với thức ăn giúp hạn chế cảm giác khó chịu.
  • Uống nhiều nước trong khi dùng thuốc Biocotron giúp làm loãng chất nhầy và thông tắc nghẽn hiệu quả hơn.

5. Tác dụng phụ của thuốc Biocotron

Bên cạnh tác dụng điều trị, sử dụng thuốc Biocotron có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn bao gồm: Chóng mặt, buồn ngủ, buồn nôn và nôn.

Phản ứng dị ứng được xếp vào mức nghiêm trọng của thuốc Biocotron rất hiếm xảy ra với các triệu chứng: Phát ban, ngứa, sưng mặt, ngứa và/hoặc sưng lưỡi, cổ họng, chóng mặt, cảm giác khó thở.

Thuốc Biocotron có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm như xét nghiệm xác định nồng độ axit trong nước tiểu, do đó bệnh nhân cần cho nhân viên xét nghiệm và bác sĩ biết nếu đang dùng thuốc Biocotron.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc Biocotron có thể xảy ra, nếu nhận thấy các tác dụng không mong muốn khác không được liệt kê hoặc nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào trầm trọng, kéo dài hãy ngừng thuốc Biocotron và báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh hoặc thay đổi phương hướng điều trị.

Trước khi sử dụng thuốc Biocotron, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tiền sử dị ứng với hoạt chất Guaifenesin hoặc Dextromethorphan, tiền sử khó thở trong bệnh khí phế thũng, viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, ho do hút thuốc, ho có máu và chất nhầy, vấn đề về gan, nghiện rượu, sử dụng cần sa... để bác sĩ có sự lựa chọn và điều chỉnh liều lượng thuốc Biocotron phù hợp hơn.

Nếu lạm dụng thuốc Biocotron có thể dẫn tới quá liều và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như: cực kỳ buồn ngủ, mờ mắt, lú lẫn, ảo giác, thở chậm, thở nông, co giật, bất tỉnh... Nếu bỏ lỡ một liều thuốc Biocotron, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều thuốc Biocotron tiếp theo vào đúng thời điểm như bình thường. Để đảm bảo an toàn và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn thuốc Biocotron trước khi sử dụng hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.

6. Tương tác thuốc của thuốc Biocotron

Các tương tác thuốc của thuốc Biocotron có thể làm thay đổi tác dụng, hiệu quả hoặc thậm chí là làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, vì thế trước khi sử dụng thuốc Biocotron hãy cho bác sĩ biết tất cả các thuốc và sản phẩm khác bệnh nhân đang sử dụng.

  • Các thuốc có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc Biocotron bao gồm: Rolapitant, Isocarboxazid, Moclobemide, Phenelzine, Procarbazine, Safinamide, Selegiline, Tranylcypromine;
  • Sử dụng một số chất ức chế MAO với thuốc Biocotron có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Thuốc ho Biocotron dạng dung dịch uống thường được kê đơn sử dụng cho các bệnh nhân bị cảm lạnh kèm theo ho có đờm. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: .drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

87 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan