Tác dụng của thuốc Eplerenone

Eplerenone là thuốc chẹn thụ thể aldosterone, được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim và các vấn đề về thận. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị suy chứng tim sung huyết sau cơn đau tim. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tác dụng của thuốc Eplerenone.

1. Eplerenone là thuốc gì?

Eplerenone là thuốc đối kháng thụ thể aldosterone, được sử dụng để điều trị suy tim sung huyết sau cơn đau tim, và cũng được sử dụng để điều trị huyết áp cao (tăng huyết áp).

Thuốc Eplerenone được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, khối lượng 25 mg, 50 mg.

2. Chỉ định thuốc Eplerenone khi nào?

Thuốc Eplerenone được chỉ định khi:

  • Điều trị hỗ trợ ở những bệnh nhân ổn định sau nhồi máu cơ tim có bằng chứng suy tim với phân suất tống máu thất trái ≤ 40%, (bắt đầu điều trị trong vòng 3–14 ngày sau biến cố).
  • Điều trị hỗ trợ trong suy tim mãn tính nhẹ với phân suất tống máu thất trái ≤ 30%.
  • Tăng huyết áp (Lưu ý: Không dùng để khởi trị ban đầu tăng huyết áp).

3. Tác dụng của thuốc Eplerenone

Thuốc Eplerenone được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị chứng tăng huyết áp. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn chất hóa học (aldosterone) trong cơ thể gây giảm lượng muối và giảm lượng nước cơ thể giữ lại.

Điều trị tăng huyết áp giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim và các vấn đề về thận. Thuốc cũng được sử dụng để điều trị suy chứng tim sung huyết sau cơn đau tim.

4. Chống chỉ định dùng Eplerenone khi nào?

Chống chỉ định dùng thuốc trong trường hợp:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thuốc hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân có nồng độ kali huyết thanh >5,0 mmol / L trước khi điều trị.
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng (eGFR <30 mL mỗi phút trên 1,73 m2).
  • Bệnh nhân suy gan nặng (Child-Pugh Class C).
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali hoặc thuốc ức chế mạnh CYP 3A4 (ví dụ: Itraconazole, ketoconazole, ritonavir, nelfinavir, clarithromycin, telithromycin và nefazodone).
  • Phối hợp thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) với Eplerenone.

5. Cách dùng, liều lượng thuốc Eplerenone

Cách dùng:

  • Có thể uống hoặc dùng thuốc Eplerenone trong khi ăn cơm hoặc không. Chỉ định uống thuốc thường một hoặc hai lần 1 ngày, hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Cần sử dụng thuốc Eplerenone thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất nó. Nên sử dụng thuốc vào một thời điểm nhất định trong ngày.
  • Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe và mục đích điều trị của mỗi bệnh nhân (tăng huyết áp, suy tim sung huyết), kết quả thử nghiệm và khả năng đáp ứng với việc điều trị.
  • Có thể chỉ định uống thuốc đến 4 tuần để thuốc phát huy hoàn toàn tác dụng.
  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu phải duy trì dùng thuốc này ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn. Hầu hết những người bị tăng huyết áp không cảm thấy bị bệnh.

Liều lượng:

  • Điều trị nhồi máu cơ tim ở người lớn

Điều trị hỗ trợ ở những bệnh nhân ổn định sau nhồi máu cơ tim có bằng chứng suy tim với phân suất tống máu thất trái ≤ 40%, (bắt đầu điều trị trong vòng 3–14 ngày sau biến cố)/ Điều trị hỗ trợ trong suy tim mãn tính nhẹ với phân suất tống máu thất trái ≤ 30%:

Sử dụng đường uống, liều khởi đầu 25mg mỗi ngày, sau đó tăng lên 50 mg mỗi ngày (trong vòng 4 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị).

  • Bệnh nhân tăng huyết áp

Không được khuyến cáo để khởi trị nhưng có thể được coi là liệu pháp hỗ trợ đối với tăng huyết áp kháng trị ở những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp phối hợp ưu tiên ban đầu.

Liều khởi đầu: 50mg x 1 lần / ngày; sau 4 tuần tăng liều khi cần thiết dựa trên đáp ứng và khả năng dung nạp lên đến tối đa 50 mg x 2 lần / ngày

  • Đối tượng khác

Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của Eplerenone ở trẻ em và thanh thiếu niên vẫn chưa được chứng minh.

Bệnh nhân bị suy thận:

  • Điều trị suy tim:
    • eGFR ≥50 mL / phút / 1,73 m2: Không cần điều chỉnh liều ban đầu.
    • eGFR 31 đến 49 mL / phút / 1,73 m2: Liều khởi đầu 25 mg uống cách ngày; có thể tăng gấp đôi liều sau 4 tuần nếu kali huyết thanh vẫn <5 mEq / L và chức năng thận ổn định, có thể tăng lên đến liều mục tiêu tối đa 25 mg x 1 lần / ngày.
    • eGFR ≤30 mL / phút / 1,73 m2: Không khuyến cáo sử dụng.
  • Điều trị tăng huyết áp:
    • CrCl ≥50 mL / phút: Không có khuyến cáo điều chỉnh liều lượng theo hướng dẫn được cung cấp trong nhãn của nhà sản xuất.
    • CrCl <50 mL / phút hoặc creatinin huyết thanh >2 mg / dL (nam) hoặc >1,8 mg / dL (nữ): Chống chỉ định sử dụng; nguy cơ tăng kali máu tăng khi chức năng thận suy giảm.

6. Tác dụng phụ thuốc Eplerenone

Trong quá trình sử dụng thuốc Eplerenone có thể xuất hiện phản ứng phụ. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sỹ ngay lập để được tư vấn và hướng dẫn cách xử lý.

Phổ biến:

  • Nhiễm trùng, tăng kali huyết, tăng cholesterol máu;
  • Mất ngủ;
  • Chóng mặt, ngất, nhức đầu, suy thất trái, rung nhĩ;
  • Hạ huyết áp, ho;
  • Tiêu chảy, buồn nôn, táo bón, nôn mửa;
  • Phát ban, ngứa;
  • Co thắt cơ, đau cơ xương, đau lưng;
  • Suy thận;
  • Suy nhược;
  • Tăng urê máu, tăng creatinin máu.

Ít gặp

  • Viêm bể thận, viêm họng;
  • Tăng bạch cầu ái toan, suy giáp;
  • Hạ natri máu;
  • Mất nước, tăng triglyceride máu;
  • Tê, giảm cảm giác;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Huyết khối động mạch chi, hạ huyết áp tư thế đứng;
  • Đầy hơi, viêm túi mật;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Phù mạch;
  • To vú, suy nhược, giảm số lượng thụ thể EGF (Eplerenoneidermal growth factor recEplerenonetor), tăng đường huyết.

7. Xử trí khi quên liều, quá liều

Quên liều:

Nếu quên dùng 1 liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều:

Người bệnh nếu dùng quá liều thuốc Eplerenone cần theo dõi liên tục. Biểu hiện có thể xảy ra khi quá liều ở người có thể là tình trạng hạ huyết áp hoặc tăng kali huyết.

Nếu thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường cần thông báo cho bác sĩ hoặc người phụ trách y tế, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

8. Lưu ý khác

  • Cần thận trọng khi kê toa Eplerenone cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Eplerenone không gây buồn ngủ hoặc suy giảm chức năng nhận thức nhưng khi điều khiển phương tiện hoặc vận hành máy móc cần lưu ý rằng có thể xảy ra tình trạng chóng mặt.
  • Bảo quản thuốc trong hộp kín ở nhiệt độ phòng, tránh xa nguồn nhiệt, độ ẩm và ánh sáng trực tiếp.
  • Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em, thú nuôi.
  • Không giữ thuốc quá hạn sử dụng hoặc thuốc không còn cần thiết.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Eplerenone người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Eplerenone là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

871 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan