Tác dụng của thuốc Qelbree

Thuốc Qelbree được bào chế dưới dạng viên nang, có thành phần hoạt chất chính là viloxazine. Thuốc được sử dụng trong điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ em và người lớn.

1. Công dụng của thuốc Qelbree

Thành phần chính của thuốc Qelbree là viloxazine. Cơ chế hoạt động của nó là ngăn chặn sự tái hấp thu và nâng cao nồng độ norepinephrine - 1 chất truyền tin hóa học có trong não. Nó là chất ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc. Trong khi đó, bệnh tăng động giảm chú ý có liên quan tới mức độ thấp của norepinephrine trong cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như bốc đồng, hiếu động thái quá, thiếu chú ý,...

Chỉ định sử dụng thuốc Qelbree:

  • Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Qelbree:

  • Sử dụng 1 loại thuốc điều trị trầm cảm là chất ức chế MAOI;
  • Đã ngừng dùng MAOI trong 14 ngày qua;
  • Sử dụng các thuốc alosetron, ramelteon, duloxetine, tasimelteon, tizanidine hoặc theophylline.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Qelbree

Cách dùng: Đường uống, đúng theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân có thể uống thuốc kèm với thức ăn hoặc không đều được. Người bệnh nên nuốt cả viên thuốc, không cắt, nghiền nát hay nhai viên thuốc.

Nếu không thể nuốt cả viên nang, bệnh nhân có thể mở viên thuốc, rắc toàn bộ thuốc bên trong vào 1 thìa cà phê nước sốt táo hoặc bánh pudding, sau đó nuốt hỗn hợp này ngay lập tức. Nên sử dụng hỗn hợp trong vòng 15 phút nếu trộn với bánh pudding hoặc trong vòng 2 giờ nếu trộn với sốt táo. Không lưu lại hỗn hợp để sử dụng trong tương lai.

Liều dùng:

  • Người lớn: Khởi đầu với liều 200mg/lần/ngày. Có thể chuẩn độ theo mức tăng 200mg/tuần tới liều khuyến cáo tối đa là 600mg/lần/ngày;
  • Trẻ em 6 - 11 tuổi: Khởi đầu với liều 100mg/lần/ngày. Có thể chuẩn độ theo mức tăng 100mg/tuần tới liều khuyến cáo tối đa là 400mg/lần/ngày;
  • Trẻ em 12 - 17 tuổi: Khởi đầu với liều 200mg/lần/ngày. Có thể chuẩn độ sau 1 tuần, tăng thêm 200mg tới liều khuyến cáo tối đa là 400mg/lần/ngày.

Quá liều: Các triệu chứng quá liều thuốc Qelbree thường là buồn ngủ nghiêm trọng. Nên gọi cấp cứu ngay nếu bệnh nhân có những triệu chứng nghiêm trọng như bất tỉnh hoặc khó thở.

Quên liều: Nên báo cho bác sĩ để được tư vấn phù hợp.

3. Tác dụng phụ của thuốc Qelbree

Khi sử dụng thuốc Qelbree, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tăng huyết áp và nhịp tim. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về việc kiểm tra huyết áp và nhịp tim trước khi bắt đầu điều trị;
  • Ảnh hưởng tới cân nặng;
  • Các cơn hưng cảm có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực dùng thuốc Qelbree. Các triệu chứng thường gồm: Tăng năng lượng lên nhiều, ý nghĩ hoang tưởng, nói nhiều hơn hoặc nhanh hơn bình thường, khó ngủ nghiêm trọng, hành vi liều lĩnh, cáu kỉnh hoặc hạnh phúc quá mức, buồn ngủ và mệt mỏi;
  • Các tác dụng phụ phổ biến nhất ở trẻ em 6 - 17 tuổi: Buồn ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, nôn mửa, giảm cảm giác thèm ăn, khó ngủ, buồn nôn,...;
  • Các tác dụng phụ phổ biến nhất ở người lớn: Mất ngủ, buồn ngủ, khô miệng, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, giảm cảm giác thèm ăn, táo bón,...;
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng: Tăng ý nghĩ hoặc hành động tự sát, đặc biệt là trong vài tháng đầu dùng thuốc hoặc khi thay đổi liều dùng thuốc. Người bệnh nên chú ý tới những thay đổi đột ngột về tâm trạng và hành vi. Điều này rất quan trọng khi bắt đầu dùng thuốc Qelbree hoặc khi thay đổi liều lượng của thuốc;
  • Tác dụng phụ khác: Cố gắng tự tử, trầm cảm, cảm thấy kích động hoặc bồn chồn, khó ngủ (mất ngủ), hung hăng, tức giận hoặc bạo lực, gia tăng hoạt động và nói chuyện, suy nghĩ tới việc tự tử hoặc cái chết, lo lắng, hoảng loạn, hành động nguy hiểm, dễ chảy máu hoặc bầm tím, nhịp tim nhanh, sụt cân bất thường, phân đen, chất nôn giống bã cà phê,... Cần liên hệ với bác sĩ ngay;
  • Rất hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi dùng thuốc Qelbree. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng dị ứng như khó thở, chóng mặt nghiêm trọng, phát ban, ngứa/sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng,... thì bệnh nhân nên nhập viện ngay.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Qelbree

Trước và trong khi dùng thuốc Qelbree, người bệnh cần lưu ý:

  • Trước khi dùng thuốc Qelbree, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thành phần viloxazine hoặc bất kỳ loại dị ứng nào khác. Thuốc có thể chứa các thành phần khác, gây ra phản ứng dị ứng hoặc những vấn đề sức khỏe khác;
  • Trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu có tiền sử tự tử, trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lưỡng cực, có vấn đề về huyết áp và nhịp tim, có vấn đề nghiêm trọng ở gan hoặc thận;
  • Người lớn tuổi có thể bị nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là tình trạng chảy máu;
  • Thuốc Qelbree có thể gây hại cho người mẹ khi sử dụng trong thời kỳ mang thai. Do đó, người đang mang thai hoặc dự định có thai nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên dùng thuốc này hay không;
  • Hiện chưa rõ thuốc Qelbree có đi vào sữa mẹ hay không. Người mẹ đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng thuốc hay không;
  • Không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong thời gian dùng thuốc Qelbree nếu người bệnh bị mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Rượu hoặc chất kích thích có thể làm gia tăng tình trạng buồn ngủ hoặc mệt mỏi. Nên tránh đồ uống có cồn và chất kích thích khi đang sử dụng loại thuốc này;

5. Tương tác thuốc Qelbree

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc mà mình đang sử dụng (kể cả thuốc kê đơn/không kê đơn, vitamin, thuốc đông y,...). Nguyên nhân vì Qelbree và các thuốc khác có thể ảnh hưởng lẫn nhau, gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Người bệnh không nên bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào trong quá trình điều trị bằng thuốc Qelbree hoặc tự ý thay đổi liều dùng, cách dùng,... của các thuốc mà chưa xin ý kiến bác sĩ.

Một số tương tác thuốc của Qelbree gồm:

  • Các thuốc có thể tương tác với Qelbree: Những loại thuốc có thể gây chảy máu hoặc bầm tím (như thuốc kháng tiểu cầu clopidogrel, thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen/naproxen, thuốc làm loãng máu như dabigatran/warfarin);
  • Sử dụng đồng thời thuốc Qelbree với thuốc ức chế MAO có thể gây ra những tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, nên tránh dùng thuốc ức chế MAO (isocarboxazid, linezolid, phenelzine, procarbazine, metaxalone, xanh methylene, moclobemide, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine) trong khi dùng thuốc Qelbree. Đồng thời, không nên sử dụng các chất ức chế MAO trong vòng 2 tuần trước và sau khi điều trị bằng các loại thuốc này;
  • Thuốc Qelbree có thể làm chậm quá trình đào thải các loại thuốc khác ra khỏi cơ thể. Điều đó có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả trị liệu của các loại thuốc khác. Những loại thuốc bị ảnh hưởng là: Alosetron, ramelteon, tasimelteon, tizanidine, duloxetine, theophylline,...;
  • Khi sử dụng đồng thời Aspirin với thuốc Qelbree có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định bệnh nhân sử dụng aspirin với liều thấp để phòng ngừa đau tim hoặc đột quỵ (thường là liều 81 - 162mg/ngày) thì bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc. Nên hỏi ý kiến bác sĩ để được biết thêm chi tiết;
  • Một số loại thuốc khi sử dụng đồng thời với Qelbree có thể làm tăng nhịp tim hoặc huyết áp. Người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng và xin ý kiến để sử dụng thuốc một cách an toàn, đặc biệt là các thuốc trị ho và cảm lạnh, thuốc hỗ trợ ăn kiêng hoặc thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen/naproxen.

Trong thời gian sử dụng thuốc Qelbree để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn và trẻ em, bệnh nhân cần tuân thủ đúng mọi hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Đây là lưu ý quan trọng để người bệnh thu được hiệu quả điều trị tốt nhất và hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh những phản ứng bất lợi cho sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

150 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan