Thiazifar là thuốc gì và được sử dụng như thế nào?

Thuốc thiazifar chứa hoạt chất chính là hydroclorothiazid, là một thuốc lợi tiểu nhóm thiazide. Thuốc có tác dụng tăng bài tiết natri, nước nên được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như tăng huyết áp và phù.

1. Thiazifar là thuốc gì?

Thiazifar chứa hoạt chất chính là hydroclorothiazid, một thuốc lợi tiểu nhóm thiazide. Cơ chế tác dụng của hydroclorothiazid là ức chế tái hấp thu các ion natri ở ống lượn xa, từ đó dẫn tới tăng bài tiết natri và nước. Sự bài tiết các chất điện giải khác cũng tăng đặc biệt là kali và magnesi, nhưng sự bài tiết canxi lại giảm. Các thuốc lợi tiểu nhóm thiazid có tác dụng lợi tiểu vừa phải, vì khoảng 90% ion natri đã được tái hấp thu trước khi đến ống lượn xa - vị trí thuốc cho tác động chủ yếu. Hydroclorothiazid có tác dụng hạ huyết áp nhờ làm giảm thể tích huyết tương. Sau đó, tác dụng hạ huyết áp sẽ tùy thuộc vào sự giảm sức cản mạch ngoại vi, thông qua sự thích nghi dần của các mạch máu trước tình trạng giảm natri. Do vậy, tác dụng hạ huyết áp của thuốc thường xuất hiện chậm sau 1 đến 2 tuần, còn tác dụng lợi tiểu xảy ra nhanh hơn (có thể thấy ngay sau vài giờ sử dụng).

Hydroclorothiazid được hấp thu nhanh sau khi uống, nồng độ đỉnh đạt khoảng 2 giờ sau khi dùng thuốc. Thức ăn ít ảnh hưởng đến sự hấp thu của hydroclorothiazid. Thời gian bán thải khác nhau tùy từng đối tượng, thường từ khoảng 6 đến 15 giờ. Hydroclorothiazid được thải trừ chủ yếu dưới dạng không đổi.

2. Chỉ định của thuốc Thiazifar 25 mg là gì?

Thuốc Thiazifar 25 mg được chỉ định trong các trường hợp:

thiazifar
Thiazifar là một trong các thuốc lợi tiểu nhóm thiazide

3. Liều dùng của thuốc thiazifar

Nên khởi đầu điều trị thuốc Thiazifar với liều thấp nhất có thể. Liều dùng nên dựa trên sự đáp ứng và mức độ dung nạp của từng bệnh nhân để đạt được hiệu quả điều trị tối đa trong khi vẫn giảm thiểu các tác dụng phụ. Thiazifar có thể được dùng 1 hoặc 2 lần, có hoặc không có thức ăn. Liều dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, cụ thể như sau:

  • Điều trị phù: Liều khởi đầu 50 - 100 mg/ngày, có thể lên đến 200 mg/ngày. Liều duy trì khoảng từ 25 đến 50 mg/ngày hoặc cách ngày.
  • Điều trị tăng huyết áp: Liều thường dùng là 12,5 mg hoặc 25 mg/ngày, tác dụng tối đa đạt được vào khoảng 3 đến 4 tuần sau khi dùng thuốc. Nếu huyết áp không giảm đến mức mục tiêu ở liều 25 mg/ngày, nên phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.
  • Bệnh nhân suy thận: Đối với bệnh nhân suy thận từ nhẹ đến trung bình, không cần điều chỉnh liều khởi đầu. Chống chỉ định sử dụng Thiazifar cho bệnh nhân suy thận nặng và bệnh nhân vô niệu.
  • Bệnh nhân suy gan: Ở bệnh nhân suy gan nhẹ đến trung bình, không cần điều chỉnh liều khởi đầu. Đối với bệnh nhân suy gan nặng, nên sử dụng thận trọng Thiazifar.

4. Làm gì khi dùng quá liều hoặc quên liều ?

Quá liều Thiazifar thường gây ra suy giảm điện giải (giảm kali, giảm clo và giảm natri huyết), mất nước do bài niệu quá nhiều. Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc digitalis (digoxin), việc giảm kali máu có thể gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim. Cách xử trí trường hợp quá liều Thiazifar là điều trị triệu chứng và điều trị nâng đỡ. Nếu việc uống quá liều vừa xảy ra, bệnh nhân nên được gây nôn hoặc rửa dạ dày. Các bác sĩ có thể chỉ định bù nước, điện giải. Bổ sung oxy cho bệnh nhân suy hô hấp nếu cần thiết.

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Thiazifar, hãy dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời điểm đó gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo theo đúng kế hoạch. Lưu ý không được dùng gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Thiazifar là gì?

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Toàn thân: hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu.
  • Tim mạch: Hạ huyết áp tư thế.
  • Chuyển hoá: Hạ kali huyết, tăng acid uric huyết, tăng đường huyết, tăng lipid huyết

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Tim mạch: Hạ huyết áp thế đứng, rối loạn nhịp tim.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, kích ứng dạ dày, chán ăn, tiêu chảy, táo bón
  • Da: Mày đay, phát ban.
  • Chuyển hoá: Hạ magnesi huyết, hạ natri huyết, tăng calci huyết, giảm clor huyết, kiềm hóa.

Hiếm gặp, ADR < 1000

  • Toàn thân: Phản ứng phản vệ, sốt.
  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, thiếu máu bất sản.
  • Thần kinh: rối loạn giấc ngủ, dị cảm, trầm cảm.
  • Da: Viêm mạch, phát ban, xuất huyết, hồng ban đa dạng, viêm da, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Gan: Vàng da ứ mật, viêm tụy, viêm gan,.
  • Hô hấp: Khó thở, viêm phổi, suy hô hấp.
  • Tiết niệu-sinh dục: Suy thận, viêm thận kẽ, liệt dương.
  • Mắt: Nhìn mờ (thoáng qua).

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

thiazifar
Thiazifar có thể gây rối loạn giấc ngủ ở một số người bệnh dùng thuốc

6. Lưu ý khi dùng thuốc Thiazifar là gì?

  • Chống chỉ định thuốc Thiazifar 25 mg trong các trường hợp sau: dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc và các dẫn chất sulfonamid, bệnh nhân bị bệnh gút, tăng acid uric huyết, bệnh Addison, chứng vô niệu, chứng tăng calci huyết, suy gan và suy thận nặng.
  • Suy tuyến thượng thận: Tránh sử dụng thuốc lợi tiểu để điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân suy tuyến thượng thận nguyên phát (bệnh Addison). Để điều trị tăng huyết áp, có thể sử dụng các liệu pháp như điều chỉnh glucocorticoid/mineralocorticoid và/hoặc sử dụng các thuốc hạ huyết áp khác.
  • Cổ trướng do xơ gan: Sử dụng hết sức thận trọng hoặc tránh dùng hydrochlorothiazide trong xử trí cổ trướng do xơ gan vì có thể dẫn đến hạ natri máu nhanh chóng khi sử dụng kết hợp với spironolactone và furosemide
  • Bệnh tiểu đường: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường vì thuốc có thể làm tăng glucose huyết
  • Suy gan: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng, bệnh gan tiến triển hoặc nặng vì có thể dẫn tới mất cân bằng điện giải, bệnh não gan
  • Tăng cholesterol máu: Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có nồng độ cholesterol vừa phải hoặc cao vì thuốc có thể làm tăng cholesterol
  • Bệnh lý tuyến cận giáp: Thuốc lợi tiểu thiazide làm tăng nồng độ canxi máu do giảm bài tiết canxi. Những thay đổi bệnh lý ở tuyến cận giáp với tăng calci huyết và giảm phosphat huyết đã được quan sát thấy khi sử dụng thuốc kéo dài. Nên ngừng sử dụng trước khi kiểm tra chức năng tuyến cận giáp.
  • Suy thận: Các tác dụng phụ có thể xảy ra như tăng ure huyết ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Tránh dùng trong bệnh thận nặng vì thuốc sẽ không có hiệu quả.
  • Bệnh nhân phẫu thuật: Nếu được sử dụng vào buổi sáng ngày phẫu thuật, hydrochlorothiazide có thể làm cho thể tích dịch thay đổi và huyết áp có thể không ổn định trong quá trình gây mê.
  • Thiazid có thể gây hạ kali máu hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng hạ kali máu ở bệnh nhân bị bệnh thận hoặc rối loạn chức năng thận. Hạ kali máu ở những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, suy dinh dưỡng, bệnh nhân dùng thuốc digoxin, bệnh nhân xơ gan với phù và cổ trướng,.... Hạ kali máu có thể làm tăng độc tính tim của digitalis và nguy cơ rối loạn nhịp tim, do đó phải hết sức thận trọng.
  • Hydrochlorothiazid là một sulfonamid. Do vậy có thể xảy ra phản ứng chéo với các sulfonamid khác, đặc biệt với thuốc kháng sinh. Phản ứng dị ứng chéo này vẫn còn là lý thuyết và không có giá trị về mặt lâm sàng.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Chưa có bằng chứng cho thấy thuốc có thể ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Thời kỳ mang thai: Hydrochlorothiazide đi qua nhau thai. Việc sử dụng thuốc cho mẹ có thể gây vàng da cho trẻ sơ sinh, giảm tiểu cầu và các tác dụng phụ khác được quan sát thấy ở người lớn. Vì vậy nên tránh dùng nhóm thuốc này trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Việc điều trị phù liên quan đến suy tim mãn tính trong thai kỳ cũng tương tự như đối với những bệnh nhân không mang thai. Có thể cân nhắc sử dụng thuốc lợi tiểu thiazide để điều trị phù do suy tim đối với bệnh nhân mang thai nhưng cần sử dụng thận trọng, vì thuốc có thể làm giảm lưu lượng máu qua nhau thai.
  • Thời kỳ cho con bú: Hydrochlorothiazide có bài xuất trong sữa mẹ. Do khả năng xảy ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ đang bú mẹ, nhà sản xuất khuyến cáo nên đưa ra quyết định ngừng cho con bú hay ngừng thuốc, cân nhắc tầm quan trọng của việc điều trị đối với người mẹ. Hydrochlorothiazide được coi là tương thích với việc cho con bú (WHO 2002). Tuy nhiên, thuốc lợi tiểu thiazide có khả năng làm giảm lượng sữa và ức chế tiết sữa vì vậy nên tránh sử dụng khi có thể.
  • Tương tác thuốc: Sử dụng một số thuốc cùng với hydroclorothiazid có thể làm thay đổi hiệu quả hoặc gia tăng tác dụng phụ của thuốc. Chẳng hạn như khi sử dụng hydroclorothiazid cùng với rượu, barbiturat, thuốc ngủ gây nghiện có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp thế đứng. Sử dụng hydroclorothiazid đồng thời với corticosteroid, ACTH có thể làm tăng mất điện giải, đặc biệt là hạ kali huyết. Do vậy bạn cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn và điều chỉnh phù hợp.

Tóm lại. Thiazifar là một thuốc lợi tiểu có thể sử dụng để điều trị phù, tăng huyết áp. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên tuần hoàn, chuyển hóa, điện giải, ... Do vậy, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan