Thuốc Amitiza: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Táo bón là bệnh thường gặp trong các bệnh lý đường tiêu hóa. Bệnh thường mang lại nhiều phiền toái cũng như khó chịu cho người bệnh. Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống và vận động, các thuốc điều trị táo bón cũng được sử dụng rộng rãi, trong đó có thuốc Amitiza. Vậy thuốc Amitiza là gì?

1.Thuốc Amitiza dùng để làm gì?

Tác dụng của Amitiza là gì? Amitiza là thuốc điều trị táo bón, gồm cả tình trạng táo bón vô căn mạn tính và hội chứng ruột kích thích kèm theo táo bón. Trong đó, bệnh táo bón vô căn mãn tính xảy ra nhưng chưa rõ nguyên nhân và không liên quan đến chế độ ăn uống, do một số bệnh khác hoặc do thuốc.

Hoạt chất của thuốc Amitiza là gì? Hoạt chất Lubiprostone có trong thuốc Amitiza ngoài tác dụng điều trị táo bón thông thường còn được sử dụng cho những bệnh nhân mắc táo bón khi sử dụng các thuốc giảm đau opioid để điều trị các bệnh lý khác, ngoại trừ ung thư.

Thuốc điều trị táo bón Amitiza còn giúp cải thiện các triệu chứng như đầy hơi, khó chịu ở bụng, hỗ trợ hình thành phân, giảm nhu cầu phải rặn và làm giảm cảm giác khó chịu khi đi đại tiện. Lubiprostone thuộc nhóm thuốc có chức năng kích hoạt kênh clo. Qua đó, tác dụng của Amitiza làm tăng lượng chất lỏng trong lòng ruột và hỗ trợ quá trình lưu thông phân dễ dàng hơn.

2.Cách sử dụng thuốc điều trị táo bón Amitiza

Táo bón
Thuốc Amitiza giúp điều trị táo bón

Thuốc Amitiza sử dụng theo đường uống kèm với thức ăn và nước theo hướng dẫn dẫn của bác sĩ. Thuốc này thường sử dụng 2 lần/ngày. Khi sử dụng, người bệnh cần nuốt toàn bộ viên thuốc, không được bẻ hoặc nhai viên thuốc.

Liều lượng thuốc Amitiza tùy thuộc vào mức độ táo bón và khả năng đáp ứng thuốc của từng người bệnh. Người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị táo bón Amitiza thường xuyên để đạt hiệu quả cao nhất. Để tránh quên liều, bạn nên sử dụng vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày.

Trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng táo bón không cải thiện hoặc nặng hơn hoặc khi bệnh nhân cần sử dụng thuốc Amitiza kéo dài.

3.Phản ứng phụ của Amitiza là gì?

Các tác dụng có thể gặp khi sử dụng thuốc Amitiza bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Tiêu lỏng;
  • Đầy hơi;
  • Khô miệng;
  • Chảy nước mũi, ho;
  • Sốt;
  • Đau đầu, đau khớp, đau lưng;
  • Khó ngủ.
Những căn bệnh có thể dẫn tới huyết áp thấp
Thuốc Amitiza có thể gây chứng huyết áp thấp

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kéo dài hoặc trầm trọng, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị táo bón Amitiza mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra các phản ứng phụ nặng như sưng phù tay chân, thay đổi tâm thần, tâm trạng.

Thuốc Amitiza có thể gây chứng huyết áp thấp và gây ngất xỉu. Những bệnh nhân tiêu chảy, nôn ói là đối tượng dễ mắc các tác dụng phụ này. Ngừng dùng thuốc ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ kê đơn khi có các dấu hiệu như ngất xỉu, chóng mặt, tiêu chảy, nôn ói nghiêm trọng.

Lubiprostone có thể làm bệnh nhân khó thở và tức ngực trong vòng 30-60 phút sau liều đầu tiên (rất hiếm gặp). Các dấu hiệu này thường không nghiêm trọng và tự khỏi trong vòng 3 giờ. Đặc biệt, khi sử dụng những liều tiếp theo vẫn có khả năng xảy ra tác dụng không mong muốn này. Tuy nhiên, người bệnh sẽ rất khó để phân biệt được những dấu hiệu nào là tác dụng phụ của thuốc, dấu hiệu nào là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng khác (cũng gây khó thở, tức ngực...). Trong trường hợp này, người bệnh nên tìm sự trợ giúp y tế trong thời gian sớm nhất.

Hiếm khi thuốc điều trị táo bón Amitiza có thể gây dị ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi người bệnh nếu có các dấu hiệu sau đây của một phản ứng dị ứng nên gọi ngay cho cơ sở y tế: phát ban, ngứa, sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng, chóng mặt, khó thở.

Không phải người bệnh nào uống thuốc Amitiza cũng gặp các tác dụng phụ trên. Một số đối tượng có thể có các dấu hiệu khác. Do đó, liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ khi có những tác dụng phụ không mong muốn sau khi uống thuốc này.

Viêm gan B ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai mắc táo bón chỉ nên sử dụng thuốc điều trị táo bón Amitiza trong trường hợp cần thiết

4.Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ khi uống Amitiza là gì?

Thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về tình trạng dị ứng với hoạt chất lubiprostone của thuốc Amitiza. Đồng thời, trước khi sử dụng thuốc điều trị táo bón này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử bệnh tật, đặc biệt là các bệnh lý về dạ dày - ruột (như hội chứng tắc ruột, tiêu chảy nặng), bệnh lý gan.

Trước khi phẫu thuật, thông báo cho bác sĩ về các sản phẩm đang sử dụng bao gồm thuốc theo đơn, thuốc không kê đơn và các sản phẩm thảo dược... trong đó có nhóm thuốc này.

Phụ nữ mang thai mắc táo bón chỉ nên sử dụng thuốc điều trị táo bón Amitiza trong trường hợp cần thiết. Người sử dụng cần nắm rõ về những rủi ro và lợi ích đạt được với bác sĩ kê đơn.

XEM THÊM: Có an toàn khi dùng thuốc làm mềm phân để điều trị táo bón khi mang thai?

Chưa khẳng định khả năng đi vào sữa mẹ của lubiprostone nhưng nó vẫn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn (như gây tiêu chảy) cho trẻ sơ sinh bú mẹ, người bệnh cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ khi dùng thuốc này trước khi cho con bú.

5.Tương tác thuốc điều trị táo bón Amitiza

Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Thông báo với bác sĩ toàn bộ những thuốc bệnh nhân đang sử dụng như thuốc theo toa, không theo toa và các sản phẩm thảo dược.

Khi chưa có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không được tự ý dùng, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào, trong đó có thuốc điều trị táo bón Amitiza.

Ngất xỉu
Nếu bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc và ngất đi cần gọi ngay cấp cứu

Khi sử dụng quá liều, người bệnh có thể có các dấu hiệu như ngất xỉu, đỏ bừng, xanh xao, chán ăn, đổ mồ hôi. Gọi ngay cho cấp cứu gần nhất nếu bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc và ngất đi hoặc khó thở.

Thuốc Amitiza là thuốc điều trị táo bón, việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể để lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng. Trong trường hợp sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả, người bệnh cần đến các trung tâm y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

958 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan