Thuốc Omeptul 20mg có tác dụng gì?

Omeptul với hoạt chất chính là omeprazole, đây là một trong những loại thuốc dùng để điều trị các rối loạn về dạ dày. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về tác dụng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc.

1. Thuốc Omeptul 20mg có tác dụng gì?

Trước khi tìm hiểu “Thuốc Omeptul 20mg có tác dụng gì?”, chúng ta hãy hiểu rõ Omeptul là thuốc gì?

Omeptul 20mg có thành phần chính là omeprazole - là một thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI). Thuốc có tác dụng và được chỉ định trong các trường hợp: giảm tiết axit trong dạ dày, giảm các triệu chứng của trào ngược acid, loét dạ dày – thực quản như ợ chua, khó nuốt và ho dai dẳng, Hội chứng Zollinger – Ellison.

Mặt khác, thuốc Omeptul 20mg chống chỉ định với những người quá mẫn cảm với omeprazol, esomeprazol, hoặc các dẫn xuất benzimidazol khác (như lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol) hay với bất cứ thành phần nào của thuốc.

2. Cách dùng thuốc Omeptul 20mg

Vậy thuốc Omeptul uống trước hay sau khi ăn? Theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc Omeptul dùng đường uống. Uống thuốc vào buổi sáng trước ăn 30 phút. Ở mỗi trường hợp bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định các liều dùng khác nhau:

  • Điều trị chứng viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản: Liều thường dùng: 20 – 40mg/ngày trong 4 tuần với loét tá tráng, điều trị trong 8 tuần với loét dạ dày. Không dùng thuốc kéo dài hơn thời gian trên.
  • Điều trị loét dạ dày: 20mg/ngày 1 lần (trường hợp nặng 40mg) trong 8 tuần
  • Điều trị loét tá tràng: 20mg/ngày 1 lần (trường hợp nặng 40mg) trong 4 tuần
  • Điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: 60mg/ngày 1 lần, nếu dùng liều cao hơn 80 mg thì chia thành 2 lần để sử dụng. Liều dùng cần được tính cho từng trường hợp cụ thể và việc điều trị có thể kéo dài tùy theo yêu cầu lâm sàng. Không được dừng thuốc đột ngột.
  • Bệnh nhân bị suy chức năng thận: Không cần điều chỉnh liều dùng.\
  • Suy gan: Liều 10 – 20mg/ngày.
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi): Không có điều chỉnh liều dùng.
  • Trẻ em: Không khuyến nghị dùng thuốc cho trẻ em.

3. Tác dụng phụ của thuốc Omeptul 20mg

Khi sử dụng thuốc Omeptul 20mg, bạn có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chướng bụng.
  • Ít gặp: Mất ngủ, mệt mỏi, lú lẫn, chóng mặt, nổi mày đay, ngứa, nổi ban, tăng transaminase (có hồi phục).
  • Hiếm gặp: Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốt và sốc phản vệ, giảm bạch cầu, tiểu cầu, giảm toàn bộ các tế bào máu, mất bạch cầu hạt, lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt là ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác, vú to ở đàn ông, nhiễm nấm Candida, khô miệng, viêm gan, bệnh não ở người suy gan, viêm dạ dày, co thắt phế quản, đau khớp, đau cơ, viêm thận kẽ.

4. Thận trọng khi dùng thuốc thuốc Omeptul 20mg

Trước khi dùng thuốc Omeptul, bạn cần báo bác sĩ điều trị đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân. Thận trọng dùng thuốc đối với những đối tượng sau:

  • Phụ nữ đang mang thai: trên thực nghiệm omeprazole không cho thấy khả năng gây dị dạng và gây độc với bào thai, tuy nhiên không nên dùng thuốc trong thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu.
  • Phụ nữ cho con bú: Không nên dùng thuốc ở người cho con bú.
  • Người già và trẻ em: Thận trọng khi dùng
  • Người bị suy gan, thận: Thận trọng khi dùng
  • Trước khi sử dụng Omeptul, cần phải loại trừ trường hợp bệnh nhân bị khối u ác tính. Bởi thuốc này có thể làm giảm đi các triệu chứng bệnh, khiến việc chẩn đoán và điều trị bệnh bị ảnh hưởng.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc do thuốc có tác dụng phụ là nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt. Nếu có các triệu chứng nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt không nên lái xe và vận hành máy móc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

86.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan