Bị táo bón, dùng thuốc bơm hậu môn nhiều có tốt không?

Dùng thuốc bơm hậu môn trị táo bón vốn được coi là phương pháp hiệu quả, an toàn và có tác dụng nhanh chóng tới việc đi đại tiện. Tuy nhiên, phương này chỉ nên sử dụng khi đã áp dụng hầu hết các cách khác nhưng không đạt kết quả mong muốn. Nhiều người không biết thuốc bơm hậu môn dùng như thế nào và dùng thuốc bơm hậu môn nhiều có tốt không.

1. Táo bón là gì?

Táo bón được định nghĩa là tình trạng khi bệnh nhân đi cầu ít hơn hoặc bằng 3 lần trong vòng một tuần. Khi đi cầu, phân có thể cứng và khô hơn so với bình thường, có thể gây tình trạng đau trong lúc đi.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh táo bón:

  • Người bệnh đi cầu ít hơn 3 lần/ tuần.
  • Phân khô, cứng hoặc rời rạc thành từng cục.
  • Người bệnh gặp tình trạng khó khăn khi đi đại tiện.
  • Sẽ có cảm giác chưa tống hết phân ra ngoài.
  • Cảm giác quặn bụng hoặc đau.
  • Có cảm giác bị đầy hơi.
  • Khi đi cầu cần có biện pháp hỗ trợ để đi như dùng tay.
  • Trong và sau khi đại tiện có thể chảy máu trực tràng.
  • Cảm giác không muốn ăn hoặc khi ăn không cảm thấy ngon miệng.

Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón:

Táo bón cơ năng:

  • Không uống đủ nước làm cho phân trở nên khô và cứng hơn
  • Ăn ít rau, thiếu chất xơ, chế độ ăn nhiều dầu mỡ và cay nóng
  • Dùng sữa công thức không phù hợp
  • Người bệnh sử dụng nhiều trà, cà phê hoặc bia rượu
  • Do tình trạng phân khó làm người bệnh ngại đi tiêu
  • Cố nhịn đi tiểu kéo dài sau một khoảng thời gian do tính chất của công việc có thể dẫn tới mất cảm giác đi tiêu và gây ra táo bón.
  • Người bệnh ít vận động và hầu như không tập thể dục.

Táo bón thực thể:

  • Bệnh nhân có hẹp thiểu sản lồng ruột.
  • Có bệnh bẩm sinh.
  • Người bệnh bị hẹp hậu môn, không có lỗ hậu môn, nhọt, xước hậu môn.
  • Bị rò hậu môn.
  • Người bệnh đang trong quá trình sử dụng một số các loại thuốc như thuốc tê, thuốc giảm đau, thuốc về huyết áp, hoặc các tác dụng phụ trong việc sử dụng các loại thuốc khác đều gây ra tình trạng táo bón.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh táo bón:

  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh
  • Người già và trẻ nhỏ.
  • Chế độ ăn của bệnh nhân ít hoặc hầu như không có chất xơ.

2. Thuốc bơm hậu môn dùng thế nào?

Thuốc bơm hậu môn hoạt động dựa theo cơ chế dẫn truyền thuốc từ bên ngoài vào qua hậu môn, sau đó vào thẳng trực tràng mục đích để kích thích nhu động ruột nhằm tạo cảm giác muốn đi ngoài ngay lập tức.

Thuốc bơm hậu môn có dạng gel hoặc dung dịch có tác dụng giúp làm mềm phân để cho phân có thể đào thải ra ngoài hậu môn một cách dễ dàng hơn. Trên thị trường hiện nay có những loại thuốc bơm hậu môn phổ biến như loại thuốc bơm chứa photphat, chứa muối hoặc chứa dầu khoáng.

Hướng dẫn dùng thuốc bơm hậu môn: muốn dùng thuốc cần thực hiện theo các bước như sau:

  • Bước 1: người bệnh cần đeo găng tay sau đó nằm nghiêng người, tay thả lỏng thật thoải mái và đầu gối gập lại.
  • Bước 2: Vặn bỏ đi nắp thuốc bơm rồi từ từ di chuyển đầu của ống bơm đưa vào hậu môn, qua trực tràng và bóp mạnh vào ống bơm cho tới khi toàn bộ dung dịch có trong ống thuốc đi hết vào bên trong.
  • Bước 3: Rút nhanh đầu bơm của ống bơm ra rồi sau đó nằm yên trong vòng khoảng 2 – 5 phút rồi đi vệ sinh.
  • Bước 4: sau khi đi vệ sinh nên dùng nước ấm để vệ sinh hậu môn sạch sẽ để tránh tình trạng đau rát và viêm nhiễm hậu môn.

Về cơ bản, khi sử dụng cho đối tượng là trẻ em cũng thực hiện các bước tương tự như đối với người lớn. Chỉ cần lưu ý khi đưa thuốc vào hậu môn trẻ có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu, cần xoa dịu và trấn an trẻ trước khi thực hiện để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

3. Dùng thuốc bơm hậu môn nhiều có tốt không?

Khi dùng thuốc bơm hậu môn có thể gặp các tác dụng phụ như sau:

  • Da nổi mẩn, bị dị ứng.
  • Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
  • Ruột dưới có thể bị kích thích.
  • Choáng váng, khát.
  • Người bệnh bị khó chịu ở hậu môn.
  • Mất trương lực ruột, mất phản xạ tự nhiên khi đi đại tiện, giảm kali.

Ngoài những tác dụng không mong muốn thường gặp trên còn có thể gặp những tác dụng phụ hiếm gặp như: tăng đường huyết, rối loạn nhịp tim, việc sử dụng quá thường xuyên có thể gây rách, viêm nhiễm, nứt hậu môn,...

4. Những điều cần lưu ý trong sử dụng thuốc bơm hậu môn

Trong một số tình huống nhất định, việc sử dụng thuốc bơm hậu môn có thể giúp cho người bệnh cải thiện được tình trạng táo bón, hỗ trợ cho đại tiện dễ dàng hơn, ngoài ra còn giúp giảm đau rát, tổn thương hậu môn khi đại tiện bị táo bón.

Tuy nhiên, thuốc bơm hậu môn được khuyến cáo không nên lạm dụng, trong một số trường hợp cần lưu ý:

  • Nên dùng thuốc bơm hậu môn tối đa trong 7 ngày, vì khi sử dụng trong thời gian dài có thể làm tăng phosphate và natri, giảm canxi huyết, nhiễm toan máu.
  • Đối tượng là người cao tuổi, nhóm bệnh nhân có tiền sử bị thận, gan, tim, tiểu đường, lú lẫn hoặc từng bị rối loạn điện giải hoặc đang dùng hậu môn giả cần cân nhắc khi sử dụng thuốc bơm hậu môn.
  • Không sử dụng kết hợp thuốc bơm hậu môn với các thuốc chống viêm NSAID vì dễ làm tăng nguy cơ gây viêm loét đại tràng.
  • Người đang mắc bệnh trĩ, chảy máu trực tràng hoặc đang mất nước tiến triển không nên sử dụng thuốc bơm hậu môn.

Trước khi người bệnh có ý định sử dụng thuốc bơm hậu môn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, tránh sử dụng chung với các loại thuốc nhuận tràng khác khi chưa được chỉ định. Tránh tự ý dùng thuốc để gây ra những tác dụng không mong muốn. Về cơ bản, đây là một loại thuốc được xem như là một giải pháp nhanh chóng và tạm thời để giải quyết tình trạng đi đại tiện quá khó, phân cứng làm đau rát cho hậu môn chứ không nên lạm dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan