Bị xuất huyết đường ruột nên ăn gì?

Chế độ ăn cho người bị xuất huyết đường ruột giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là danh sách những thực phẩm người bệnh người ưu tiên sử dụng cũng như những thực phẩm cần tránh khi khi mắc phải bệnh lý này.

1. Nguyên tắc quan trọng khi xây dựng chế độ ăn cho người xuất huyết đường ruột

Trước khi tìm hiểu bị xuất huyết đường ruột nên ăn gì, chúng ta hãy cùng tham khảo những nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng chế độ ăn cho nhóm đối tượng này.

Khi bị xuất huyết đường ruột, lớp niêm mạc của đường ruột thường bị tổn thương nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ phải đối diện với một số vấn đề như đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen cùng một số biến chứng nghiêm trọng khác. Cùng với việc tuân thủ các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, chế độ ăn giữ vai trò quan trọng, quyết định khả năng hồi phục của bệnh nhân.

Sử dụng thực phẩm, món ăn đúng cách sẽ giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe cho người bệnh. Khi xây dựng thực đơn cho người xuất huyết đường ruột, các bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không để bệnh nhân ăn khi đường ruột đang bị chảy máu dù họ đã tỉnh táo.
  • Khi đã qua cơn nguy hiểm, tình trạng chảy máu đã được kiểm soát, người bệnh nên ăn uống lại bình thường nhưng ưu tiên sử dụng thực phẩm lỏng, mềm, dễ tiêu. Sau đó, có thể tăng dần độ đặc của thức ăn bằng cách cho bệnh nhân chuyển qua ăn cơm mềm.
  • Khi nấu cháo cho người bệnh, nên bổ sung chất đạm từ động vật để người bệnh có thêm năng lượng. Thực phẩm nên được thái nhỏ và hầm để người bệnh dễ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho đường ruột.
  • Giảm việc sử dụng rau xanh bởi việc sử dụng thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan sẽ khiến niêm mạc ruột bị cọ xát, gây đau và chảy máu nhiều hơn.
  • Có thể cho người bệnh ăn thêm trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu, góp phần tăng cường sức đề kháng.
  • Bị xuất huyết đường ruột sẽ không thể ăn được một lượng thức ăn quá nhiều trong cùng một thời điểm. Do đó, người nhà nên cho bệnh nhân ăn thành từng bữa nhỏ, cách khoảng 2 đến 4 tiếng ăn một lần với số lượng thức ăn vừa phải, giúp dạ dày luôn trong trạng thái không quá no cũng không quá đói.
  • Cần phải chú ý đến nhiệt độ của thức ăn, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm lạnh dưới 5 độ hoặc thức ăn mới nấu xong có độ nóng trên 60 độ, bởi đây có thể là nguyên nhân khiến cho đường ruột bị kích thích, co bóp mạnh, gây đau và tổn thương nhiều hơn.

2. Người bệnh bị xuất huyết đường ruột nên ăn gì?

Những người bị xuất huyết đường ruột sẽ được khuyến khích sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn dưới đây:

  • Mật ong: Trước tiên, mật ong là thực phẩm mà người xuất huyết đường ruột không thể bỏ qua bởi khả năng kháng viêm và trung hòa axit dạ dày hiệu quả. Sử dụng mật ong sẽ hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, chống lại tình trạng viêm nhiễm trong đường ruột và giúp vết loét đường ruột nhanh lành. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn có khả năng cung cấp một lượng lớn vitamin A, C, E giúp bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng khá tốt. Để sử dụng mật ong hiệu quả, bệnh nhân có thể ăn trực tiếp 2 – 3 thìa mật ong mỗi ngày hoặc pha mật ong với nước ấm uống khi mới ngủ dậy vào buổi sáng để thúc đẩy tiêu hóa.
  • Cháo: Ăn cháo sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ nước, tinh bột, chất đạm đường và chất xơ để người bệnh nhanh chóng khôi phục sức khỏe nhưng không làm tăng gánh nặng cho đường ruột. Bạn có thể lựa chọn cháo hoa, cháo hạt sen, đây đều là những gợi ý hữu ích nên được bổ sung vào chế độ ăn cho người bị xuất huyết đường ruột.
  • Sữa: Khi bị xuất huyết đường ruột, người bệnh có thể uống sữa bởi thực phẩm này có chứa nhiều vitamin K, D, canxi, E, selen, kẽm, magie, photpho giúp duy trì sự sống cho người bệnh.
  • Thực phẩm có khả năng thấm hút axit dạ dày: Người bệnh có thể ăn bánh mì để giúp thẩm thấu và làm giảm axit trong dạ dày, ngăn ngừa viêm loét cục bộ. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên ăn những món này khi sức khỏe đã ổn định và dạ dày không còn chảy máu.
  • Rau củ ít chất xơ: Khi chọn rau xanh, bạn ưu tiên cho những loại rau củ non bởi chúng rất dễ tiêu hóa, không gây ma sát với đường ruột. Ngoài ra, chất xơ còn đóng vai trò giảm tiết dịch vị, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu hóa và tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có lợi phát triển trong đường ruột.
  • Gừng: Đây là gia vị nổi tiếng với những công dụng như giảm đau, giảm chướng bụng, ăn không tiêu, làm lành vết loét trong đường ruột. Người bệnh có thể sử dụng trà gừng kết hợp mật ong hoặc thêm một chút gừng vào trong cháo hay các món ăn của bệnh nhân.
  • Hoa quả mềm: Gồm có táo, lê, đu đủ với khả năng dễ tiêu hóa, thân thiện với đường ruột và có khả năng bổ sung chất xơ hòa tan, cùng nguồn vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
  • Dầu cá: Trong sản phẩm này có chứa nhiều omega 3 – một chất kháng viêm tự nhiên có thể giúp bảo vệ các tế bào ở niêm mạc ruột, thúc đẩy khả năng tự làm lành tổn thương của cơ thể.

3. Xuất huyết đường ruột nên kiêng ăn gì?

Bên cạnh những thực phẩm nên ưu tiên sử dụng, người bị xuất huyết tiêu hóa cần hạn chế sử dụng những thực phẩm sau”

  • Thực phẩm chua: Gồm có dưa muối, gỏi hay một số loại trái cây như xoài, chanh chứa nhiều axit sẽ khiến axit trong dạ dày tăng lên đột biến và khiến các vết loét trong đường tiêu hóa lan rộng, ăn sâu vào trong khiến người bệnh gặp nhiều bất lợi.
  • Thức ăn nhanh: Bao gồm các thực phẩm như xúc xích hay thịt xông khói thường có giá trị dinh dưỡng thấp song lại chứa nhiều chất bảo quản gây hại cho đường ruột.
  • Đồ béo: Sử dụng các món ăn chiên rán, xào như gà rán, thịt chiên, khoai tây chiên... không chỉ gia tăng nguy cơ bị mỡ máu, xơ vữa động mạch mà chúng còn gây khó tiêu, đầy bụng, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của đường ruột.
  • Thức ăn cay: Những món ăn chứa nhiều ớt, cà ri, tiêu sẽ gây kích ứng đường tiêu hóa và ảnh hưởng không tốt đến những khu vực đường ruột bị viêm loét. Vì vậy, trong chế độ ăn cho người bị xuất huyết tiêu hóa bạn cần hạn chế nêm nếm các gia vị này.
  • Rau sống: Ăn rau sống không đảm bảo sẽ gia tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường ruột khiến người bệnh có thể bị tiêu chảy và viêm loét nghiêm trọng hơn.
  • Nước ngọt và các chất kích thích: Các loại nước ngọt có gas, rượu bia, cà phê đều tiềm ẩn nguy cơ gây kích thích nhu động ruột co bóp khiến người bệnh bị đau bụng, chảy máu nhiều hơn.

Như vậy, các bạn vừa cùng tìm hiểu một số thông tin về việc xuất huyết đường ruột nên ăn gì. Người bệnh cần chú ý tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc trên cho đến khi bệnh được chữa lành hoàn toàn, tránh sử dụng thực phẩm không đúng cách sẽ có thể làm giảm tác dụng của thuốc điều trị và gia tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan