Các triệu chứng sỏi mật có dễ nhận biết không?

Bệnh sỏi mật (túi mật hoặc ống mật) là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam, có nguy cơ mắc bệnh tăng dần qua độ tuổi. Các triệu chứng của sỏi mật không rõ ràng và chỉ được phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi sỏi đã gây biến chứng nguy hiểm đổi với người mắc.

1. Sỏi mật là gì?

Sỏi mật là sự hình thành sỏi ở túi mật, hệ thống đường dẫn mật trong và ngoài gan. Sỏi mật là sự kết tinh của các thành phần có trong dịch mật để tạo thành các khối rắn, cứng với kích thước to nhỏ khác nhau, bao gồm 2 loại chính:

sỏi cholesterol
Sỏi cholesterol
Sỏi đường mật trong gan
Sỏi bilirubin

2. Nguyên nhân dẫn tới sỏi mật

Những nguyên nhân thúc đẩy quá trình hình thành sỏi mật nói chung có thể kể tới bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Người bệnh nhịn ăn kéo dài sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa, dịch mật dễ bị ứ đọng tại túi mật và làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
  • Chế độ sinh hoạt: Lười vận động, giảm nhu động của đường mật, dễ lắng đọng sỏi. Người bệnh giảm cân nhanh khiến cho gan tạo thêm nhiều cholesterol, tăng nguy cơ tạo sỏi cholesterol.
  • Nồng độ cholesterol trong máu ở ngưỡng cao kéo dài.
  • Béo phì: Được coi là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra sỏi mật. Béo phì làm cho mức cholesterol trong cơ thể tăng cao và gây khó khăn trong việc làm sạch túi mật.
  • Do thuốc: Lạm dụng thuốc tránh thai có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu và tăng nguy cơ ứ mật trong túi mật.
  • Bệnh nền mãn tính: Người bệnh có bệnh nền mãn tính làm tăng nguy cơ tạo sỏi như bệnh đái tháo đường, xơ gan, bệnh viêm loét đại tràng,...
  • Bệnh thiếu máu tán huyết làm tăng tạo bilirubin trong cơ thể, dễ hình thành sỏi bilirubin,...
  • Do di truyền ( trong gia đình có người có bệnh gan mật, đường mật dị dạng bất thường,...).

3. Nhận biết cơn đau sỏi mật và các triệu chứng sỏi mật khác

Cơn đau quặn mật là triệu chứng điển hình nhất giúp chỉ điểm sự tồn tại của sỏi mật trong cơ thể người bệnh. Biểu hiện của cơn đau quặn mật thường xuất hiện ở vị trí vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị (là vị trí nằm giữa rốn và xương ức), với tính chất đau quặn từng cơn.

Cơn đau thường xuất hiện ngay sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ dễ khiến khởi phát cơn đau hơn. Đôi khi các cơn đau lại bất ngờ xuất hiện về đêm khiến cho người bệnh mất ngủ. Tình trạng này mà kéo dài có thể gây cơ thể suy nhược nghiêm trọng.

3.1. Xác định vị trí sỏi từ cơn đau quặn mật

  • Cơn đau vùng hạ sườn phải kéo dài 30 phút thậm chí là vài giờ với mức độ đau tăng dần có thể là dấu hiệu của sỏi tại vị trí túi mật.
  • Các cơn đau quặn vùng hạ sườn phải, sau đó có thể lan ra vai phải hoặc sau lưng và cả vùng thượng vị có thể là dấu hiệu của sỏi gan hoặc sỏi ống mật chủ.
Xác định vị trí sỏi từ cơn đau quặn mật
Vị trí sỏi từ cơn đau quặn mật

3.2. Các triệu chứng khác có thể gặp ở người bệnh có sỏi mật

Sự tồn tại của sỏi trong túi mật hoặc ống dẫn mật gây cản trở dòng chảy dịch mật xuống tới đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng khó tiêu, chán ăn, đầy hơi, người bệnh sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ. Các triệu chứng của tình trạng rối loạn tiêu hóa này thường xuất hiện sau các bữa ăn. Ngoài ra người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như sau:

  • Đau dữ dội vùng bụng, nhất là vùng hạ sườn phải kéo dài nhiều giờ, mức độ đau tăng dần và không thuyên giảm dù đã uống thuốc giảm đau.
  • Sốt cao trên 38 độ C, sợ gió, sợ lạnh, vã mồ hôi.
  • Cảm giác căng chướng bụng, buồn nôn và nôn.
  • Ngứa da, vàng da, vàng mắt.

Những triệu chứng kể trên có thể là biểu hiện của tình trạng viêm nhiễm túi mật hoặc ống dẫn mật gây tắc nghẽn đường mật. Người bệnh khi có triệu chứng này cần đi khám ngay để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

4. Phân biệt triệu chứng sỏi mật và bệnh lý đường tiêu hóa khác

Triệu chứng đau bụng và đầy chướng của sỏi mật đôi khi dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hóa khác ( đau dạ dày, viêm tụy cấp, viêm tụy mạn tính,...). Cách tốt nhất để chẩn đoán sỏi mật và phân biệt với các bệnh lý khác là dùng phương pháp siêu âm để phát hiện sỏi. Tuy nhiên, sỏi mật vẫn có thể được chẩn đoán dựa trên những khác biệt về triệu chứng khi người bệnh có triệu chứng điển hình, như dựa vào vị trí đau không giống nhau (sỏi mật đau vùng hạ sườn phải, đau dạ dày, viêm tụy đau bụng vùng thượng vị), sỏi mật thường xuất hiện kèm với các triệu chứng đặc trưng khác như:

  • Sốt vã mồ hôi, sợ gió sợ lạnh: Người bệnh có thể sốt kèm vã mồ hôi, sợ gió sợ lạnh ( dấu hiệu của nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật do sỏi mật gây ra). Cơn sốt cao có thể lên đến 38 – 39 độ C, người bệnh đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, tuy nhiên cũng có trường hợp người bệnh chỉ sốt nhẹ nhưng sốt kéo dài.
  • Vàng da và vàng mắt: Đây là biểu hiện của tình trạng ứ tắc mật, mức độ vàng da ở mỗi người sẽ khác nhau phụ thuộc vào mức độ tắc mật. Đi kèm với dấu hiệu này là các triệu chứng khác có liên quan đến sự ứ đọng dịch mật, tăng bilirubin trong máu, đi ngoài phân trắng bạc màu, ngứa da.
Phân biệt triệu chứng sỏi mật và bệnh lý đường tiêu hóa khác

5. Phương pháp điều trị sỏi mật

Hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị sỏi mật, theo y học hiện đại, sỏi mật được điều trị nếu chúng đã gây ra viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật cấp tính.

  • Phẫu thuật cắt túi mật: Có thể thực hiện bằng cách mổ mở hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, sau phẫu thuật cắt túi mật, sỏi mật vẫn có thể tái phát trong vòng một năm, để ngăn ngừa tình trạng này, người bị sỏi mật cần được bổ axit ursodeoxycholic để hạn chế việc hình thành sỏi.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng ( ERCP): Thủ thuật này được bác sĩ chuyên khoa thực hiện bằng cách gây tê cục bộ cho người bệnh rồi sau đó dùng camera sợi quang linh hoạt, hoặc ống nội soi, đi vào từ đường miệng, qua hệ thống tiêu hóa và vào ống mật chủ để lấy sỏi, ERCP có thể giúp lấy sỏi kẹt ở vị trí đoạn cuối của ống mật chủ.
  • Tán sỏi: Đây là phương pháp dùng sóng xung kích siêu âm vào vị trí sỏi mật để làm vỡ nó. Khi sỏi mật trở nên đủ nhỏ, sỏi có thể tự đi qua đường mật và vào ruột non một cách an toàn. Đây là phương pháp điều trị không phổ biến và chỉ áp dụng được đối với người bệnh có ít sỏi mật.

Tuy nhiên, điểm hạn chế chung của các phương pháp này là vẫn có tỷ lệ cao tái phát sỏi và gặp nhiều tác dụng phụ trong và sau quá trình phẫu thuật. Đối với những người bệnh chưa có biểu hiện tắc nghẽn cấp tính đường mật, gây ra tình trạng viêm, nhiễm trùng đường mật, việc sử dụng thuốc y học cổ truyền kết hợp điều trị sỏi mật cũng đã được chứng minh có nhiều lợi thế.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp người đọc nắm được thông tin về triệu chứng của sỏi mật và cách để phân biệt cơn đau do mật hay do các cơ quan khác của đường tiêu hóa để người bệnh tránh nhầm lẫn, đặc biệt là hay nhầm với các cơn đau dạ dày. Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần đến các cơ sở uy tín để được bác sĩ chuyên môn thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

406 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan