Cơ chế hình thành sỏi túi mật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Xuân Lộc - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sỏi túi mật là bệnh lý phổ biến mà nhiều người mắc phải. Nhưng tại sao túi mật lại có sỏi, sỏi túi mật hình thành thế nào? Có những loại sỏi túi mật nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Sỏi túi mật là gì

Túi mật là một bộ phận nhỏ có hình dạng như quả lê, có màu xanh. Vị trí của túi mật là nằm ở mặt dưới của thùy gan phải, đảm nhiệm vai trò lưu giữ và cô đặc dịch mật. Dịch mật vốn được gan bài tiết ra, một phần dịch mật sẽ đi vào trong túi mật và được cô đặc, sau đó được đưa xuống ruột để tham gia tiêu hóa thức ăn.

Sỏi túi mật về thực chất là một thể rắn được hình thành trong túi mật thông qua sự mất cân bằng của các thành phần trong dịch mật. Sỏi túi mật có nhiều loại khác nhau, do đó chúng cũng có cơ chế hình thành sỏi túi mật không giống nhau.

sỏi túi mật
Sỏi túi mật được hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau

2. Các loại sỏi mật và cơ chế hình thành của chúng

Sỏi mật được chia làm 3 loại: sỏi Cholesterol, sỏi sắc tố mật, sỏi muối mật. Mỗi loại sẽ có nguyên nhân sỏi túi mật hình thành khác nhau.

2.1 Sỏi cholesterol

Sỏi cholesterol có thành phần chủ yếu là cholesterol, và là loại sỏi phổ biến nhất. Cholesterol được gan bài tiết vào trong dịch mật (vốn là một trong những cơ chế để loại bỏ lượng cholesterol dư thừa), và để dịch mật vận chuyển được cholesterol thì cholesterol phải được hòa tan trong mật.

Tuy nhiên cholesterol là một chất béo còn dịch mật lại có bản chất là nước, do đó để cholesterol có thể hòa tan trong dịch mật thì gan cũng phải tổng hợp ra hai acid mật từ cholesterol là acid cholic và acid cheno desoxycholic. Hai acid này kết hợp với glycin và taurin trong tế bào gan tạo thành muối mật hòa tan cholesterol vào trong mật.

Khi cholesterol đã được hòa tan trong mật thì có thể vận chuyển được bằng các ống dẫn mật. Các acid mật này gọi là acid mật nguyên thủy, khi xuống ruột sẽ thành acid mật thứ phát, acid cholic sẽ thành acid desoxycholic, rồi trở thành acid lithocholic và cuối cùng đào thải theo phân ra ngoài.

Vậy sỏi mật được hình thành như thế nào? Sỏi mật sẽ được hình thành khi vì một lý do nào đó xuất hiện sự mất cân bằng giữa số lượng cholesterol và muối mật. Nếu gan bài tiết quá nhiều cholesterol thì sẽ không có đủ acid mật và lecithin hòa tan, hiển nhiên dẫn đến một lượng cholesterol không được hòa tan.

Cũng tương tự, nếu số lượng cholesterol bình thường, nhưng lượng acid mật và lecithin không đủ cũng dẫn đến có một lượng cholesterol không được hòa tan. Trong cả hai trường hợp trên, số cholesterol không được hòa tan sẽ gắn kết với nhau, hình thành nên các hạt cholesterol, tăng dần kích thước và cuối cùng tạo thành sỏi mật.

Bên cạnh đó còn có hai quá trình khác thúc đẩy sự hình thành sỏi cholesterol. Đầu tiên là một số cá nhân có cơ địa đặc biệt có sự hình thành và phát triển nhanh bất thường các hạt cholesterol để hình thành sỏi mật. Vì thế, cùng một nồng độ cholesterol, acid mật và lecithin nhưng những bệnh nhân có sỏi mật hình thành các hạt cholesterol nhanh hơn so với những người bình thường.

Quá trình thứ hai liên quan tới sự giảm khả năng co bóp và tống mật ra khỏi túi mật, khiến mật lưu lại bên trong túi mật lâu hơn, tạo điều kiện cho các hạt cholesterol hình thành và phát triển.

sỏi cholesterol
Sỏi cholesterol là một trong những loại sỏi thường gặp nhất

2.2 Sỏi sắc tố mật

Sỏi sắc tố mật là loại sỏi mật hay gặp thứ hai, gồm hai loại là sỏi mật sắc tố đen và sỏi mật sắc tố nâu.

Sắc tố mật là một sản phẩm cặn hình thành từ hemoglobin có trong các hồng cầu. Các hồng cầu già khi bị phá hủy giải phóng ra hemoglobin, chuyển hóa thành bilirubin và được giải phóng vào trong máu. Bilirubin được gan chuyển hóa và bài tiết vào trong mật.

Nếu trong mật có quá nhiều bilirubin, thì bilirubin có thể kết hợp với các thành phần khác trong mật (chẳng hạn như calci) và tạo thành sỏi sắc tố. Vì lý do sắc tố hòa tan kém trong mật nên chúng dễ kết hợp với nhau tạo thành các hạt, sau đó tăng dần kích thước và cuối cùng tạo thành sỏi mật. Các sỏi sắc tố hình thành theo con đường này mang tên là sỏi sắc tố đen bởi chúng có màu đen và cứng.

Nếu túi mật giảm co bóp hoặc dòng chảy của mật bị cản trở vì một lý do nào đó, vi khuẩn từ tá tràng có thể đi ngược lên các ống dẫn mật và túi mật, làm biến đổi bilirubin có ở đây. Bilirubin sau khi đã biến đổi kết hợp với calci tạo thành sắc tố mật, sau đó kết hợp với các chất béo có trong mật hình thành nên các hạt phát triển thành sỏi mật mang tên sỏi sắc tố nâu (vì nó có màu nâu hơi đen nhưng mềm hơn sỏi sắc tố đen).

2.3 Sỏi muối mật

Muối mật khi kết tinh tạo thành sỏi thường kết hợp với calci và sẽ có màu đỏ.

Sỏi túi mật nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây ra tắc ống dẫn mật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để xác định chính xác mình có bị sỏi túi mật hay không thì bạn có thể đến cơ sở y tế để siêu âm bụng hoặc MRI hoặc CT Scanner.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan