Giải phẫu học về túi thừa đại tràng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Để hiểu rõ về bệnh túi thừa đại tràng và viêm túi thừa đại tràng, cần nắm vững về giải phẫu học và chức năng của ruột. Ruột non là đoạn ruột mảnh và dài bắt đầu từ dạ dày và kết thúc ở ruột già hoặc đại tràng. Đại tràng bắt đầu từ vùng hố chậu phải, có hình dạng một dấu hỏi lớn bắc ngang qua khắp ổ bụng và kết thúc ở trực tràng

1. Cấu tạo của đại tràng

Đại tràng chia làm 3 phần chính: manh tràng, kết tràng và trực tràng. Ruột non thông với ruột già tại ranh giới giữa manh tràng và kết tràng. Giữa ruột non và ruột già có van hồi manh tràng giữ cho các chất trong ruột già không chảy ngược lại lên ruột non.

Cấu tạo của đại trực tràng
Cấu tạo của đại trực tràng

  • Manh tràng

Hình dạng giống một chiếc túi hình tròn, vị trí của nó nằm ở ngay phía dưới của hỗng tràng được đổ vào bên trong ruột già. Manh tràng được liên kết với ruột thừa có hình dạng gần giống với ngón tay. Với người trưởng thành chiều cao trung bình sẽ rơi khoảng 9cm và đường kính khoảng 0,5 đến 1cm.

Ruột thừa được coi là di tích còn sót lại của quá trình tiến hóa ở con người và vượn người. Cách xác định gốc ruột thừa là nó nằm ở giữa đường nối từ rốn đến gai chậu trước trên bên phải. Dựa vào có thể xác định cơn đau bụng có phải là đau ruột thừa hay không.

  • Kết tràng

Là thành phần chính của đại tràng, được chia làm 4 phần: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và cuối cùng là kết tràng xích-ma. Kết tràng lên đi từ manh tràng đi lên dọc theo bên phải ổ bụng cho đến khi gặp gan chỗ gặp gỡ nó uốn cong gọi là phải góc gan. Sau đó nó trở thành kết tràng ngang, đi ngang qua ổ bụng.

Khi đi đến gần lách ở bên trái, nó quay xuống để tạo thành kết tràng xuống chỗ uốn cong gọi là góc trái hay góc tụy. Khi đến khung chậu nó có hình chữ S tạo thành kết tràng xích-ma. Ruột kết là phần đầu của ruột già, tại đó chất cặn bã tới kết tràng xích-ma, trực tràng rồi thải ra ngoài.

  • Trực tràng

Sau khi uốn cong 2 lần, kết tràng xích ma nối tiếp với trực tràng là một ống thẳng, dài khoảng 15cm và kết thúc ở hậu môn mở ra ngoài cơ thể. Gồm 2 cơ vòng để kiểm soát hoạt động đóng mở của hậu môn trực tràng nằm sau bàng quang ở nam và sau tử cung ở nữ.

Ngay trên trực tràng là phần đại tràng sigma (hình chữ S). Phân lỏng đi vào ở đại tràng phải và trong lúc di chuyển qua lòng đại tràng, nước được hấp thu trở lại. Phân trở nên đặc, đóng khuôn khi xuống đến trực tràng.

  • Đại tràng sigma

Đại tràng sigma có nhiệm vụ là co bóp mạnh để duy trì một áp lực cao. Việc này sẽ điều hoà chuyển động của phân vào trực tràng. Do đại tràng sigma là phần chịu áp lực cao và cũng là phần hẹp nhất của đại tràng, đây cũng chính là phần thường hình thành túi thừa nhất.

  • Bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa biểu hiện bởi những túi phình ra từ đại tràng. Các túi này phình ra từ từ trong thời gian dài. Chúng xuất phát từ những điểm yếu tự nhiên của thành đại tràng.

Các túi nhỏ này phát triển do áp lực tác động từ sự co bóp của đại tràng. Như đã nói ở phần trên, do đại tràng sigma có áp suất cao nhất, đây cũng chính là vị trí thường hình thành túi thừa. Do có các túi phình giống bong bóng này, đại tràng sigma thường trở nên dày và hẹp lại. Điều này sẽ gây thay đổi đáng kể chức năng của ruột, như đau bụng, tiêu chảy, hoặc táo bón.

Túi thừa đại tràng
Bệnh túi thừa biểu hiện bởi những túi phình ra từ đại tràng

2. Ai thường bị bệnh túi thừa

Do quá trình hình thành cần thời gian khá dài nên bệnh túi thừa thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy vậy, những trường hợp xảy ra ở tuổi 30 trở lên cũng không phải là hiếm. Đôi khi đại tràng, nhất là đại tràng sigma, chứa đầy các túi thừa. Bệnh lý này thường gặp ở các xã hội Phương Tây.

Bệnh rất hiếm gặp ở những vùng nông thôn Châu Phi hoặc Ấn Độ. Thức ăn ở những vùng này thường bao gồm những loại thực phẩm chưa chế biến và các loại hạt rất giàu chất xơ. Do đó, chế độ ăn nhiều chất xơ rất có lợi cho việc phòng bệnh.

Triệu chứng bệnh túi thừa

Khi các túi thừa bắt đầu hình thành, thường rất ít triệu chứng, ngoại trừ thỉnh thoảng có những cơn co thắt ở vùng hố chậu trái. Khi bệnh túi thừa tiến triển xa, đại tràng thấp có thể trở nên ít di động, biến dạng, và hẹp lại.

Lúc đó, phân thường mỏng và có dạng viên nhỏ, táo bón, đôi khi kèm những đợt tiêu chảy. Khi đó sẽ nảy sinh những vấn đề về cơ học và cấu trúc, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

3. Biến chứng của bệnh túi thừa

Tỉ lệ biến chứng của bệnh túi thừa tương đối khá thấp. Tuy nhiên các biến chứng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra. Viêm túi thừa là biến chứng thường gặp nhất.

  • Viêm túi thừa

Như một trái bóng, túi thừa dãn nở ra, thành trở nên mỏng hơn so với phần còn lại của đại tràng. Đại tràng là nơi cư trú của nhiều loại vi trùng có ích khi chúng còn ở trong đại tràng. Tuy nhiên, các vi trùng này có thể thâm nhập qua thành mỏng của túi thừa và gây ra nhiễm trùng, tình trạng này gọi là viêm túi thừa.Viêm nhẹ chỉ gây hơi đau ở vùng hố chậu trái. Nếu viêm nặng sẽ gây đau nhiều và sốt. Viêm túi thừa cần được điều trị. Cần phải dùng kháng sinh và nhịn ăn, đôi khi cần nhịn cả uống để giúp đại tràng được nghỉ ngơi. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân cần nhập viện điều trị.

túi thừa đại tràng
Hình ảnh viêm túi thừa đại tràng

  • Xuất huyết

Biến chứng xuất huyết xảy ra do vỡ một mạch máu ở túi thừa đại tràng. Máu tươi chảy ra nhiều từ hậu môn hoặc có khi tiêu phân sậm, màu gỗ gụ, khi xuất huyết xảy ra ở túi thừa đại tràng phải.

  • Thủng túi thừa

Biến chứng này tuy ít gặp nhưng lại là biến chứng nghiêm trọng nhất. Vi trùng từ đại tràng thoát vào ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc abscess. Trong đa số trường hợp, phải phẫu thuật bụng để giải quyết vấn đề.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Huy Lưu, Nguyễn Văn Hải (2010), "Kết quả phẫu thuật túi thừa đại tràng phải bằng phẫu thuật nội soi", Y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 14 (phụ bản của số 4), p.12-15.
  2. Lý Minh tùng, Nguyễn Văn Hài (2011), Đặc điểm lâm sàng, hình ảnh, và kết quả phẫu thuật viêm túi thừa đại tràng.
  3. Aldoori W.H., Giovannucci E.L., Rockett H.R., et al. (1998), "A prospective study of dietary fiber types and symptomatic diverticular disease in men", J Nutr, Vol.128 (4), p.714-719.
  4. Ambrosetti P., Robert J.H., Witzig J.A., et al. (1994), "Acute left colonic diverticulitis: a prospective analysis of 226 consecutive cases", Surgery, Vol.115 (5), p.546-550.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan