Nhầm lẫn về tiêu chảy ở người nhiễm HIV

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiêu chảy ở người nhiễm HIV gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó hậu quả chính là mất nước, thiếu hụt điện giải và suy dinh dưỡng. Mất nước điện giải nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

1. Tiêu chảy ở người nhiễm HIV như thế nào?

1.1. Định nghĩa

Tiêu chảy tức là hiện tượng đi ngoài quá nhiều lần trong 1 ngày, kèm theo đó là dấu hiệu ở phân như có mùi khó chịu, chua, sủi bọt hoặc có thể là kèm theo máu. Căn bệnh này có thể khiến người bị nhiễm HIV nhanh chóng kiệt quệ sức lực, héo mòn. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

1.2. Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy ở người bị HIV là do nhiễm trùng đường ruột, ký sinh trùng và virus gây nên. Đây cũng được biết đến là nhiễm trùng cơ hội liên quan đến AIDS do tác dụng phụ khi người bị nhiễm HIV sử dụng một số loại thuốc.

1.3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh

  • Tiêu chảy không rõ ràng, có thể đi phân lỏng 1-2 lần/ngày, hoặc có khi vài ba ngày mới có triệu chứng đi ngoài phân lỏng
  • Đau bụng, có thể đi ngoài phân có máu. Triệu chứng này xảy ra khác nhau ở từng người về tần suất xuất hiện.
  • Các triệu chứng khác như sốt, đau khớp, ra mồ hôi trộm vào ban đêm, viêm họng hay phát ban. Các triệu chứng này thường kéo dài hàng tuần. Điều này khiến người bị nhiễm HIV suy giảm hệ miễn dịch, có thể bị nhiễm trùng cơ hội.

Ở giai đoạn muộn, do hệ miễn dịch suy giảm, người bệnh bị nhiễm trùng cơ hội, có thể nhiễm khuẩn tiêu hóa với triệu chứng tiêu chảy kéo dài, mỗi ngày vài lần có thể kéo dài hàng tháng khiến người bệnh bị suy kiệt.

Tiểu đêm
Ở giai đoạn muộn, do hệ miễn dịch suy giảm, bệnh nhân có thể nhiễm khuẩn tiêu hóa với triệu chứng tiêu chảy kéo dài

2. Cách điều trị tiêu chảy ở người HIV

Trước tiên, cần phải xác định xem bệnh nhân có bị mất nước và điện giải hay không, thông qua những dấu hiệu sau:

  • Khát nước.
  • Da nhăn nheo lâu sau khi véo da (dấu hiệu Casper), môi se, mặt hốc hác.
  • Ở trẻ em nếu còn thóp, thì thóp lõm xuống, trẻ quấy khóc, vật vã (Trẻ còn bú, đi ngoài từ 2-4 lần/ngày, nếu vượt gấp rưỡi hoặc hơn là trẻ bị tiêu chảy).
  • Sụt cân, nhiều trường hợp mất nước nặng có thể sút từ 5-10% trọng lượng cơ thể.
  • Mạch nhanh, có thể bị tụt huyết áp.

Tiêu chảy HIV là bệnh rất nguy hiểm, bởi vậy cách điều trị đúng thời điểm, hợp lý là cách duy nhất cứu sống người nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV bị tiêu chảy bị mất nước và điện giải. Vậy nên việc bổ sung nước là điều quan trọng đầu tiên trong quá trình xử trí căn bệnh nguy hiểm này.

Uống Oresol (gói bột điện giải), pha một gói với một lít nước nguội, nếu pha không đúng quy định sẽ không phát huy hết tác dụng của thuốc. Khuấy kỹ và đều dung dịch cho tan hết trong nước, uống thay nước, từ 1-3 gói/ngày.

Không kiêng ăn: Đối với bệnh nhân tiêu chảy cần ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết để giữ sức khoẻ và chống sụt cân. Nên ăn thức ăn đủ dinh dưỡng như hỗn hợp gạo và đậu, hoặc hỗn hợp của gạo với thịt hoặc cá. Bổ sung dầu ăn vào thức ăn để tăng năng lượng. Những sản phẩm từ sữa, chuối, trứng rất giàu dinh dưỡng và tốt cho bệnh nhân. Nên khuyến khích người nhiễm HIV bị tiêu chảy ăn nhiều, chia thành nhiều bữa trong ngày. Bệnh nhân ăn càng nhiều càng tốt. Với trẻ nên chia nhỏ thành nhiều bữa, ăn nhiều lần trong một ngày để dễ tiêu hoá.

Trong trường hợp nếu người nhà bệnh nhân phát hiện người bệnh nhiễm HIV bị tiêu chảy, cần phải đưa đến ngay bệnh viện trong các trường hợp sau:

  • Cảm thấy rất khát.
  • Bị kích thích vật vã, sốt nhiều, hoặc thờ ơ với ngoại cảnh.
  • Không ăn uống được bình thường.
  • Thấy tình trạng sức khoẻ chung bị giảm sút.
  • Đi ngoài trên 10 lần/ngày.
  • Có máu trong phân.
  • Tiêu chảy kéo dài.
  • Bị nôn mửa nhiều lần.

Để phòng tránh hội chứng tiêu chảy đối với người nhiễm HIV, cần chủ động làm tốt những bước giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống.

Khám bệnh
Nếu cảm thấy rất khát, bị kích thích vật vã, sốt nhiều, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời

Cụ thể, người nhiễm HIV cần ăn những thức ăn được rửa sạch, nấu chín, chế biến đúng quy cách, không ăn đồ sống, tái, thức ăn để lâu; luôn uống nước đã đun sôi, đảm bảo nguồn nước sạch; rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ, sau khi tắm rửa cho người ốm, sau khi chạm vào động vật và trước khi ăn.

Không chỉ điều trị bệnh, những người nhiễm HIV cần chú ý bảo vệ sức khỏe mình trong những ngày bình thường để tránh làm cho hệ miễn dịch suy giảm các vi khuẩn có cơ hội lây lan. Người nhiễm HIV cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, uống nước đun sôi, ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh. Chỉ có như vậy mới tự bảo vệ được bản thân và không lây nhiễm bệnh tật cho người khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan