Tư thế giảm đau trong viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị phù hợp. Bệnh lý này đặc trưng với triệu chứng đau bụng điển hình, trong đó bao gồm cả tư thế giảm đau. Vậy tư thế giảm đau trong viêm tụy cấp là gì và việc điều trị cần lưu ý những vấn đề nào?

1. Viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp là bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy do một số nguyên nhân dẫn đến bị viêm đột ngột trong thời gian ngắn. Những cơn đau bụng trong viêm tụy cấp thường rất dữ dội, mặc dù có thể điều trị khỏi nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh viêm tụy cấp, thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:

  • Tắc nghẽn đường mật do sỏi hoặc giun đũa: chiếm tỷ lệ khoảng 40-50%;
  • Viêm tụy cấp do rượu: chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp ít gặp như:

  • Chấn thương bụng do yếu tố bên ngoài hoặc liên quan đến các phẫu thuật dạ dày-tá tràng;
  • Viêm tụy cấp sau thực hiện thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP);
  • Viêm tụy thứ phát sau các bệnh lý có tổn thương mạch máu nhỏ như đái tháo đường, Lupus ban đỏ hệ thống;
  • Tăng triglyceride máu như trong hội chứng thận hư hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu;
  • Viêm tụy cấp do tăng canxi máu gặp trong cường cận giáp;
  • Nhiễm virus như quai bị, CMV, EBV;
  • Viêm tụy cấp do thuốc, như Azathioprine, Cimetidin, nội tiết tố Estrogenes, Furosemide, Methyldopa, Tetracycline;
  • Viêm tụy cấp dị ứng.

Đồng thời ghi nhận khoảng 20-25% trường hợp bệnh nhân viêm tụy cấp không xác định được nguyên nhân và được gọi là viêm tụy cấp vô căn.

2. Triệu chứng viêm tụy cấp

Các triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp rất đa dạng, tuy nhiên đa phần đều không đặc hiệu. Trong đó triệu chứng phổ biến nhất là những cơn đau bụng. Đau bụng trong viêm tụy cấp xảy ra do các yếu tố như tuyến tụy căng to, thoát dịch sau phúc mạc hoặc viêm phúc mạc. Các tính chất của cơn đau bụng trong viêm tụy cấp bao gồm:

  • Khởi phát đột ngột, thường đi sau một bữa ăn no với thực phẩm nhiều dầu mỡ;
  • Đau bụng cấp tính, mức độ rất dữ dội và thường gây nhầm lẫn với kiểu đau bụng "ngoại khoa”;
  • Vị trí trên rốn, lệch trái và lan ra lưng trái;
  • Tư thế giảm đau trong viêm tụy cấp là gập cong người (còn gọi là tư thế cò súng).

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ phân chia thành 2 tình huống như sau:

  • Bụng mềm, không có dấu hiệu đề kháng thành bụng. Sờ ấn vùng trên rốn chỉ hơi căng tức nhẹ, đôi khi phát hiện điểm đau vùng tụy (còn gọi là dấu Mayo-Robson);
  • Bụng có dấu hiệu đề kháng, khi đó bệnh nhân cần được theo dõi liên tục để phát hiện các biến chứng kịp thời, đặc biệt là viêm phúc mạc. Một số dấu hiệu khác có thể xuất hiện là những đốm/mảng xuất huyết dưới da vùng quanh rốn (gọi là dấu hiệu Cullen) hoặc hông lưng trái (gọi là dấu Turner-Grey).

Bên cạnh những cơn đau bụng trong viêm tụy cấp, bệnh nhân còn có những triệu chứng kèm theo như:

  • Buồn nôn, nôn ói: Mức độ nặng, liên tục, sau nôn không đỡ đau bụng và đôi khi nôn ra máu (gợi ý thể viêm tụy cấp xuất huyết với tiên lượng rất nguy hiểm);
  • Sốt: Xuất hiện do phản ứng cơ thể với mô tụy hoại tử, hoặc sốt do bệnh đường mật phối hợp. Trường hợp sốt xảy ra muộn thì cần lưu ý đến những biến chứng nhiễm trùng như áp-xe tụy hoặc viêm phúc mạc;
  • Vàng da: Mức độ nhẹ, kín đáo thường do phù nề ống tụy chung. Trường hợp vàng da rõ nghi ngờ do sỏi hoặc giun gây tắc mật;
  • Rối loạn nhu động ruột gây táo bón hoặc tiêu chảy không đặc hiệu, ngoài ra thường kèm theo liệt ruột và chướng hơi;
  • Tràn dịch màng bụng gặp ở những trường hợp nặng, đôi khi tràn dịch kèm theo máu. Tràn dịch màng phổi trái ít gặp hơn, tiên lượng thường nặng.

3. Biến chứng viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm do có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như sau:

  • Sốc: Xảy ra sớm thường do biến chứng xuất huyết hoặc nhiễm độc các chất kinin. Sốc xảy ra muộn thường là sốc nhiễm trùng;
  • Xuất huyết tuyến tụy, trong ổ bụng, trong ống tiêu hoá hoặc ở các cơ quan xa do men tụy làm tổn thương các mạch máu;
  • Nhiễm trùng tuyến tụy thường xuất hiện cuối tuần đầu tiên hoặc đầu tuần thứ hai, dẫn đến ổ áp xe tuỵ;
  • Suy hô hấp cấp (ARDS): tiên lượng nặng;
  • Nang giả tụy: Xuất hiện vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của diễn tiến bệnh. Nguyên nhân là do hiện tượng đóng kén để khu trú tổn thương.

4. Chẩn đoán viêm tụy cấp

Bác sĩ sẽ dựa vào đặc điểm đau bụng trong viêm tụy cấp và các triệu chứng kèm theo để đưa ra những cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán viêm tuỵ cấp, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Định lượng Amylase hoặc Lipase máu, kết hợp xét nghiệm một số chất khác như Bilirubin, canxi máu, lipid máu... Qua đó giúp chẩn đoán xác định và đôi khi chẩn đoán được nguyên nhân gây viêm tụy cấp;
  • Siêu âm: Khuyến cáo cho tất cả bệnh nhân có đặc điểm gợi ý viêm tụy. Siêu âm sẽ giúp đánh giá tình trạng sỏi mật, giãn đường mật hoặc các nguyên nhân khác;
  • X quang phổi: Thường thực hiện trong trường hợp viêm tụy cấp có biến chứng tràn dịch màng phổi, nếu có thì tiên lượng thường nặng và nguy cơ tử vong cao;
  • Chụp CT: Là một trong những cận lâm sàng có giá trị trong chẩn đoán xác định viêm tụy, đồng thời giúp xác định mức độ nặng của bệnh.

5. Điều trị viêm tụy cấp như thế nào?

5.1. Bù dịch

Nguyên tắc điều trị nền tảng của viêm tụy cấp là bù dịch. Trong đó Lactate Ringer là dịch được khuyến cáo đầu tiên với liều ban đầu từ 15-20 mL/kg, sau đó duy trì 3 mL/kg mỗi giờ (khoảng 250-500mL dịch mỗi giờ) trong 24 giờ đầu tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của viêm tụy và các bệnh lý đồng mắc.

Trong quá trình bù dịch bệnh nhân cần được theo dõi sát các dấu hiệu như số lượng nước tiểu, dấu hiệu sinh tồn, chỉ số ure máu và dung tích hồng cầu để xác định chính xác lượng dịch truyền cần thiết cho mỗi bệnh nhân.

5.2. Cách giảm đau viêm tụy cấp

Bên cạnh xem xét duy trì tư thế giảm đau trong viêm tụy cấp, bệnh nhân cần được chỉ định các thuốc giảm đau tích cực như Paracetamol, các NSAIDs, Opioids hay thậm chí là thuốc giảm đau tác dụng trung ương.

5.3. Cho ăn sớm

Bệnh nhân viêm tụy cấp cần nhịn ăn trong 12 giờ đầu sau nhập viện cho đến khi tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn ói được cải thiện. Sau đó cần cho ăn lại sau 24-72 giờ với thức ăn lỏng, mềm và ít chất béo, tuỳ theo mức độ nặng và nguy cơ biến chứng của viêm tụy.

Trường hợp viêm tụy cấp mức độ nặng hoặc bệnh nhân không thể ăn qua đường miệng, bác sĩ có thể chỉ định nuôi ăn qua ống thông dạ dày hoặc nuôi ăn tĩnh mạch.

5.4. Kháng sinh

Bệnh nhân viêm tụy cấp có dấu hiệu nhiễm trùng cần được điều trị bằng các loại kháng sinh thích hợp nhằm khu trú ổ nhiễm trùng.

Bác sĩ khuyến cáo chỉ nên dùng kháng sinh điều trị viêm tụy cấp khi có bằng chứng của tình trạng nhiễm trùng. Nguyên nhân là do khi sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định sẽ làm tăng chi phí điều trị và làm chậm quá trình bù dịch cho người bệnh, đặc biệt trong 24-48 giờ đầu sau khi nhập viện.

5.5. Điều trị nguyên nhân

Ngoài ra, quá trình điều trị viêm tụy cấp còn phải xử trí các nguyên nhân:

  • Viêm tụy cấp do sỏi mật: Phẫu thuật cắt túi mật sớm, thậm chí trước thời điểm xuất viện ở bệnh nhân mức độ nhẹ;
  • Viêm tụy cấp do tăng Triglyceride máu: Kiểm soát và duy trì nồng độ Triglyceride máu dưới 500 mg/dL.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan