Vi khuẩn vào gan bằng những đường nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Áp xe gan mật là bệnh lý với tỷ lệ mắc khá nhỏ, tuy nhiên mối nguy hại đối với sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh là điều không thể tránh khỏi và được nhiều người quan tâm. Vì có nhiều con đường để tấn công gan nên vi khuẩn được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này.

1. Vi khuẩn trong gan sẽ gây ra tình trạng gì?

Vi khuẩn trong gan sẽ phá hủy tế bào gan và tạo thành ổ mủ ở gan. Tình trạng này được gọi là áp xe gan. Đây là bệnh lý được mô tả từ những năm 200 sau công nguyên bởi Golien và cho đến năm 1631 Bofius người Hà Lan lần đầu nói về căn bệnh này ở khu vực Á châu.

Áp xe gan là căn bệnh hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở khu vực Châu Âu với 80% nguyên nhân là do vi khuẩn gây ra, 10% do amip và 10% còn lại là do nấm. Áp xe gan do vi khuẩn gây ra thường có những đặc điểm chính như sau:

  • Có nhiều con đường để vi khuẩn tiến vào tấn công các tổ chức gan như đường mật, tĩnh mạch cửa, chấn thương hoặc xâm lấn trực tiếp từ các tạng xung quanh...
  • Có đến 20% người bệnh áp xe gan không rõ nguyên nhân.
  • Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam giới và nữ giới có sự chênh lệch 1.5/1
  • Bệnh nhân áp xe gan do vi khuẩn chủ yếu là người cao tuổi, có thể có sẵn một ổ nhiễm trùng khác bên trong cơ thể
  • Các vi khuẩn gây ra áp xe gan mật chủ yếu là chủng vi khuẩn đường ruột hoặc đường mật như E.coli, Klebsiella, Enterococcus, Bacteroides...
  • Đa phần ổ áp xe gan nằm ở thùy phải, chiếm 2⁄3 số ca bệnh, áp xe gan cả hai thùy gan chỉ chiếm 5% tổng số ca bệnh. Nhiều ổ áp xe gan nhỏ hiếm gặp thường kết hợp với nhiễm trùng đường mật hay suy giảm miễn dịch.
  • 50% bệnh nhân có kết quả cấy máu dương tính.
Áp xe gan
Áp xe gan do vi khuẩn là căn bệnh hiếm gặp hiện nay

2. Những con đường vi khuẩn tiến vào gan

Có nhiều con đường khác nhau để vi khuẩn có thể tiến vào trong gan và gây ra áp xe gan, các con đường đó bao gồm:

  • Theo đường mật: Khi bệnh nhân mắc một số bệnh lý đường mật như sỏi mật, giun chui ống mật, các bệnh gây chít hẹp và ứ mật lâu này, sau khi biến chứng vi khuẩn sẽ tiến vào gan gây ra tình trạng áp xe gan. Vi khuẩn theo đường này chiếm 40% trên tổng số ca bệnh.
  • Theo đường tĩnh mạch cửa: Nếu trong ổ bụng của bệnh nhân bị viêm nhiễm, đặc biệt là các ổ áp xe, vi khuẩn có thể theo đường tĩnh mạch cửa đi vào gan và khu trú tại đó. 20% ca bệnh áp xe gan do nhiễm khuẩn từ con đường này.
  • Theo đường bạch mạch, động bạch mạch gan: Bất kỳ một nhiễm khuẩn nào đó như hạch, nhọt, người bị chấn thương dẫn đến nhiễm trùng máu chiếm 4% tổng ca bệnh, bệnh nhân có mủ rải rác ở phổi, não, cơ, thận, vi khuẩn đều có thể từ nơi đó theo đường bạch mạch đi vào gan gây ra áp xe gan. Vi khuẩn theo đường động mạch vào gan chiếm 12% trong tổng số ca bệnh áp xe gan.

3. Điều trị áp xe gan mật do vi khuẩn gây ra

3.1 Điều trị nội khoa

Điều trị áp xe gan mật nội khoa bao gồm ba phương pháp là sử dụng kháng sinh, chọc hút mủ và dẫn lưu catheter ổ áp xe.

Sử dụng kháng sinh trong điều trị áp xe gan do vi khuẩn gây ra với mục đích ngăn chặn diễn tiến của nhiễm trùng huyết. Một vài loại kháng sinh được sử dụng như cephalosporin thế hệ 3 kết hợp với metronidazol. Việc sử dụng điều trị bằng kháng sinh thường được cân nhắc sử dụng khi tổn thương chưa hóa lỏng rõ. Tuy nhiên dùng kháng sinh điều trị áp xe gan thường có tỷ lệ biến chứng khá cao.

Chọc hút mủ ở bệnh nhân áp xe gan thường được thực hiện nhiều lần. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, rẻ tiền, ít xâm lấn, có thể chọc nhiều ổ áp xe mà không cần lo lắng đế vấn đề chăm sóc nhiễm trùng ngược dòng. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 60%.

Dẫn lưu catheter là phương pháp được đa số bác sĩ lựa chọn điều trị cho bệnh nhân áp xe gan, tỷ lệ thành công của phương pháp này khá cao, từ 80-90%. Tuy nhiên phương pháp này chống chỉ định đối với bệnh nhân bị rối loạn đông máu, ổ áp xe gần với các cơ quan quan trọng như tim, bụng bệnh nhân có dịch báng. Một vài biến chứng có thể gặp sau khi thực hiện dẫn lưu bao gồm tổn thương tạng rỗng, chảy máu, tràn khí màng phổi, rò mủ vào khoang phúc mạc.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa áp xe gan mật do vi khuẩn gây ra

3.2 Điều trị ngoại khoa

Có ba con đường để tiếp cận phẫu thuật áp xe gan bao gồm ngả phúc mạc hoặc ngoài phúc mạc, ngả màng phổi. Điều trị ngoại khoa được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Ổ áp xe đã vỡ hay đang trong tình trạng dọa vỡ
  • Điều trị bằng phương pháp nội khoa thất bại
  • áp xe gan có nhiều khoang, thành dày hoặc có mủ đặc.
  • Có các tổn thương phối hợp bên trong khoang bụng cần can thiệp phẫu thuật.

Bên cạnh điều trị áp xe gan, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị những nguyên nhân khiến vi khuẩn di chuyển vào trong gan giúp ngăn chặn triệt để nguy cơ tái phát áp xe gan xảy ra.

Áp xe gan là một bệnh lý nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe, tuy nhiên việc chủ động phòng tránh bệnh lại vô cùng đơn giản và đạt được hiệu quả cao nếu bạn thực hiện đúng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan