Vì sao khi say rượu nôn ra mật vàng?

Nôn là triệu chứng thường gặp ở người uống rượu. Nôn giúp loại bỏ 1 phần rượu trong dạ dày, tuy nhiên nôn ra mật vàng sau khi uống rượu là dấu hiệu của uống quá nhiều làm tổn thương dạ dày. Mỗi người cần biết được giới hạn của bản thân về lượng rượu và một số loại thực phẩm giải rượu khi bị say rượu nôn ra mật vàng.

1. Vì sao bị nôn ra nôn ra mật vàng sau khi uống rượu?

Nôn ói là phản xạ của cơ thể giúp loại bỏ các chất độc có trong dạ dày. Phản xạ nôn được kích thích bởi cả yếu tố thần kinh và yếu tổ thể dịch. Cồn có trong rượu bia là một trong các yếu tố có thể kích hoạt trung tâm kiểm soát nôn ở hành tuỷ. Do đó, nôn là triệu chứng thường gặp ở người uống rượu. Nôn giúp loại bỏ 1 phần rượu trong dạ dày, tuy nhiên nôn ra mật vàng sau khi uống rượu là dấu hiệu của uống quá nhiều, làm tổn thương dạ dày. Sau đây là cơ chế giải thích cho việc say rượu nôn ra mật vàng.

  • Rượu làm giảm tốc độ hoạt động tiêu hóa của dạ dày, kèm theo là sự gia tăng nồng độ cortisol, beta endorphin cũng như norepinephrine và epinephrine trong máu.
  • Vì tiêu hóa thức ăn của dạ dày chậm, các protein còn tồn đọng trong dạ dày sẽ bắt đầu bị thối rữa. Quá trình này sẽ tạo ra các chất độc hại cho cơ thể và có thể gây ra phản ứng nôn.
  • Dịch vàng xanh là dịch dạ dày và dịch mật, có vị đắng. Dịch này kích thích hệ tiêu hoá tăng tiết men tiêu hóa, có vai trò tiêu hoá thức ăn và tạo môi trường kiềm ở ruột. Khi uống nhiều rượu sẽ làm cho van môn vị bị đóng không kín, dẫn tới dịch mật trào ngược lên dạ dày, đến thực quản và gây tình trạng nôn ra mật vàng khi say rượu.

Xem ngay: Nên ăn gì sau khi uống để giải rượu?

say rượu nôn ra mật vàng
Say rượu nôn ra mật vàng là dấu hiệu của uống quá nhiều

2. Cách hạn chế tình trạng nôn ra mật vàng sau khi uống rượu

Say rượu nôn ra mật vàng là vấn đề thường gặp đối với những người uống rượu bia quá mức. Mỗi người cần biết được giới hạn của bản thân về lượng rượu và một số loại thực phẩm giải rượu để hạn chế tình trạng nôn ra mật vàng sau khi uống rượu.

2.1. Trước khi uống rượu

Trước khi uống rượu bắt buộc phải ăn uống những loại thức ăn và đồ uống không chứa cồn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều, vì giúp pha loãng rượu làm giảm tác hại của nó. Ngoài ra ăn súp hoặc uống nước canh để tráng một lớp chất béo lên trên niêm mạc đường tiêu hóa giúp hạn chế hấp thu rượu.

2.2. Trong khi uống rượu

Trong khi uống rượu, cần lưu ý những điều sau để tránh bị say rượu nôn ra mật vàng:

  • Uống 1 ly rượu kèm một ly nước, tránh được biến chứng mất nước.
  • Chỉ nên uống một loại đồ uống trong cùng 1 bữa. Tránh pha trộn nhiều loại đồ uống có cồn với nhau.
  • Cảnh giác với thức uống có cồn kèm với đường ví dụ như cocktail margaritas (được pha từ rượu tequila, rượu hương cam cùng với chanh hoặc nước trái cây). Những loại đồ uống cocktail mang vị ngọt dễ uống có thể khiến bạn uống nhiều rượu hơn so với mức dự tính.
  • Cơ thể phải mất ít nhất là 1 giờ để chuyển hóa rượu. Do đó, khoảng cách mỗi lần uống rượu nên cách nhau càng xa càng tốt.
  • Khi uống rượu nên ăn kèm với các món ăn như rau salad; mướp đắng ướp đá, xào, luộc, nấu giá đậu; củ đậu, củ cải, củ năng, ngó sen, khế chua chuối chát dưa chuột chấm muối...; lẩu cá chạch, nghêu, sò, ốc, hến luộc hoặc nướng vắt chanh. Những món ăn giàu đạm động vật vừa làm giảm hấp thu rượu vừa giúp hóa giải rượu.
say rượu nôn ra mật vàng
Khi uống rượu nên ăn kèm với các món ăn như rau salad

2.3. Sau khi uống rượu

Rượu bia nếu uống đúng cách với lượng vừa phải (60ml rượu vang hoặc 400ml bia/ ngày) thì sẽ kích thích hệ tiêu hóa, có lợi cho tim mạch. Ngược lại, uống nhiều bia rượu có nguy cơ ngộ độc rượu, xuất huyết dạ dày, xơ gan, nhồi máu cơ tim, suy giảm trí nhớ, dễ xảy ra tai nạn, có thể dẫn đến tử vong.

Xem ngay: Thuốc giải rượu có hiệu quả và an toàn?

Nếu như tình trạng nôn ra mật vàng sau khi uống rượu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nhẹ có thể bị viêm loét dạ dày, nặng hơn sẽ gây ngộ độc rượu, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, sau khi uống rượu say cần có biện pháp xử lý kịp thời để cho nhanh chóng giải rượu. Cụ thể, các biện pháp hạn chế như sau:

  • Cởi bỏ khuy cổ áo, tháo dây thắt lưng và ở nơi thoáng mát nhưng tránh nơi có gió lùa.
  • Không để người rượu say ngủ li bì suốt đêm hoặc cả ngày mà không ăn uống, vì có thể bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết gây tử vong. Vì vậy, sau vài tiếng nên cho uống sữa hoặc ăn cháo.
  • Uống một lượng nước lớn, tốt nhất là nước lọc hoặc nước ấm để hạn chế mất nước do rượu.
  • Uống trà, cà phê nóng sau khi uống rượu.
  • Không nên cho người say rượu uống thuốc bổ gan hoặc uống acid folic, vitamin B1, B6,... để giải độc rượu, giảm đau đầu vì chúng đều có hại cho gan.
  • Khi say rượu hay ngộ độc rượu không nên uống paracetamol, aspirin cũng như các thuốc giảm đau hạ sốt vì sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, có thể gây chảy máu đường tiêu hóa.
  • Người say rượu có thể uống một ít nước đường pha loãng để tránh bị hạ đường huyết
  • Nên uống nước dừa nếu bị say rượu, vì có thể giải cơn say và giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi năng lượng.
  • Nước rau cần, nước gừng nóng hoặc trà xanh, trà bạc hà có thể giảm chóng mặt, buồn nôn khi uống rượu say.
  • Người say rượu có thể uống nhiều nước cùng với sữa để giảm nồng độ cồn trong máu, bù lại lượng nước bị mất, giúp cơ thể thoải mái hơn, giảm chóng mặt và đau đầu sau khi ngủ dậy.
  • Ăn là cách đơn giản nhất để giảm nồng độ cồn, giảm tác động của rượu đến dạ dày và tăng cường sức khỏe. Người say rượu có thể ăn bánh quy, thức ăn nhẹ hoặc chuối.
  • Ăn trái cây nhiều nước (như khế, dưa hấu, lê, nho) hoặc các loại mứt.
  • Không nên ăn trái hồng vì sẽ làm say thêm
  • Hạn chế đồ uống vị chua như nước chanh, nước cam vì kích thích dạ dày, dễ gây nôn.
  • Giải say rượu theo kinh nghiệm dân gian bằng cách uống nước bột sắn dây sống; uống nước cốt lá dong (giã nhuyễn); nước sắc vỏ cam, quýt, chanh hoặc hoa sắn dây hãm với trà.

Nếu như đã áp dụng những biện pháp này mà tình trạng nôn ra mật vàng sau khi uống rượu vẫn không thuyên giảm thì có thể đã bị ngộ độc rượu. Lúc này, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

60.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan